Cẩm nang dành cho hộ nghèo

06:11, 20/11/2020

Đúng như tên gọi của cuốn sách nhỏ, "Cẩm nang dành cho hộ nghèo" là một chiếc "túi gấm" chứa đựng đủ đầy những thông điệp hữu ích để giúp cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo của Lâm Đồng...

Đúng như tên gọi của cuốn sách nhỏ, “Cẩm nang dành cho hộ nghèo” là một chiếc “túi gấm” chứa đựng đủ đầy những thông điệp hữu ích để giúp cho người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo của Lâm Đồng - đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người có điều kiện tiếp cận một cách trực quan nhất với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Qua đó góp phần cùng với cả nước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
 
“Cẩm nang dành cho người nghèo” được in thành 3 thứ tiếng Việt, K’Ho và Mông
“Cẩm nang dành cho người nghèo” được in thành 3 thứ tiếng Việt, K’Ho và Mông
 
Ngày 2/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020. Chương trình hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
 
Trong 5 dự án thành phần của Chương trình, Dự án 4 - Truyền thông và giảm nghèo thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì thực hiện tiểu dự án về giảm nghèo thông tin. Bộ TT&TT giao các sở TT&TT chỉ đạo tổ chức thực hiện hoạt động giảm nghèo về thông tin tại địa phương: tập trung xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân.
 
Ngay từ năm đầu triển khai, nhằm cung cấp thông tin thiết yếu cho các đối tượng thụ hưởng dự án, Sở TT&TT Lâm Đồng đã nhanh chóng biên soạn và phát hành cuốn “Cẩm nang dành cho hộ nghèo”, chuyển tải thông tin về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo và địa bàn dân cư còn khó khăn. 
 
Ấn phẩm được in bằng ba thứ tiếng, gồm: tiếng Việt, tiếng K’Ho và tiếng Mông, cẩm nang được phát trực tiếp đến tất cả hộ nghèo trên địa bàn, đồng thời được chuyển tải qua hệ thống các trạm truyền thanh cơ sở.
 
Ngay từ khi phát hành, cuốn sách đã thực sự trở thành “bảo bối” đối với những những người nghèo ít có cơ hội, hay khả năng tiếp cận thông tin một cách đầy đủ. Không cần phải đến các trụ sở hành chính, hoặc tham vấn cán bộ chuyên môn, tất cả người dân đều biết mình đang ở nhóm đối tượng nào, được thụ hưởng những chính sách ưu đãi ra sao, bởi cuốn sách đã gần như khái lược chi tiết, cụ thể các quy định với những diễn giải đơn giản nhất để tất cả người dân biết đọc, biết viết đều có thể hiểu được.
 
Việc nắm bắt thông tin cụ thể giúp cho người nghèo thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển kinh tế
Việc nắm bắt thông tin cụ thể giúp cho người nghèo thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển kinh tế
 
Rất nhiều người nghèo còn “mù mờ” không biết những tiêu chí nào để xác định mình nghèo. Thì ngay những trang đầu của cuốn cẩm nang đã trình bày rõ các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Trong tiêu chí về thu nhập, với chuẩn nghèo là 700.000đ/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000đ/người/tháng ở khu vực thành thị; chuẩn cận nghèo là 1.000.000đ/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1.300.000đ/người/tháng tương ứng với khu vực thành thị. Ngoài tiêu chí thu nhập, người nghèo và cận nghèo được đưa vào danh sách thụ hưởng còn bị xét ở góc độ thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
 
Cũng cần phải nói rõ, các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản do Bộ LĐ-TB&XH xây dựng gồm 10 chỉ số, bao gồm: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 tích hợp 5 dự án thành phần: Chương trình 30a (có 3 tiểu dự án); Chương trình 135 (3 tiểu dự án); Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và 135; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình được cuốn sách giới thiệu đầy đủ chi tiết.
 
Phần đặc biệt quan trọng hữu ích với quyền lợi thiết thực của người nghèo chính là phần Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo và Thông tin một số chính sách tín dụng hộ thoát nghèo tại ngân hàng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo nằm từ trang 22 đến trang 52 của cuốn cẩm nang.
 
Đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, gồm: hộ nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; các đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120/HĐBT ngày 11/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo; khu vực II,III miền núi và thuộc Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa (sau gọi là Chương trình 135); các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đặc biệt, người nghèo và các đối tượng chính sách khác kể trên khi vay vốn theo quy định đều không phải thế chấp tài sản, trừ các tổ chức kinh tế thuộc các đối tượng ở khoản 3 và khoản 5. Riêng đối với hộ nghèo, còn được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn.
 
Điều kiện được vay vốn cũng đơn giản khi người vay là hộ nghèo phải có địa chỉ cư trú hợp pháp và phải có trong danh sách hộ nghèo được UBND cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ LĐ-TB&XH công bố, được tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của UBND cấp xã.
 
Cẩm nang cũng chỉ rõ các đối tượng hộ nghèo được vay vốn từ các chương trình: theo Nghị định 78 của Chính phủ với mức vay tối đa là 50 triệu đồng, vốn sử dụng vào việc chăn nuôi, trồng cây, buôn bán trong thời hạn tối đa 5 năm với lãi suất 0,55%/tháng. Cho vay theo Nghị quyết 30a tối đa là 10 triệu đồng với lãi suất 0,275%/tháng trong thời gian vay tối đa 3 năm. Hay cho vay theo Quyết định 755 của Chính phủ với mức tối đa 15 triệu đồng, lãi suất 0,1%/tháng trong thời hạn 5 năm. Ngoài ra còn có các mức vay theo Quyết định 54 của Chính phủ; cho vay giải quyết việc làm theo Quyết định 120 của Chính phủ; Quyết định 71 của Chính phủ áp dụng cho huyện nghèo với đối tượng vay là hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định 48 của Chính phủ dành cho đối tượng vay là hộ nghèo để phòng, tránh bão lụt ...
 
Riêng với các em học sinh, mức học bổng chính sách sẽ là 100% mức tiền lương cơ sở/tháng đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật; 80% mức lương cơ sở/tháng đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường PT Dân tộc nội trú, hoặc học sinh, sinh viên người dân tộc Kinh là người khuyết tật có hộ khẩu tại những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.
 
Không để người nghèo phải tốn thời gian di chuyển, mất công sức vì những thủ tục hành chính. Việc nắm bắt thông tin rõ ràng, cụ thể từ “Cẩm nang dành cho người nghèo” cùng với sự hỗ trợ đắc lực đến tận cửa nhà người dân của các cơ quan chuyên môn sẽ giúp cho người nghèo thuận lợi hơn trong việc thụ hưởng những quyền lợi chính đáng của mình để có cơ hội vươn lên, đổi thay cuộc sống.
 
LINH ĐAN