Đà Lạt: Giải trình ý kiến người dân ''chưa hài lòng'' nông thôn mới

06:11, 13/11/2020

Đến nay, thành phố Đà Lạt cơ bản đã hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và đang triển khai kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao...

Đến nay, thành phố Đà Lạt cơ bản đã hoàn thành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và đang triển khai kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, chỉ với gần 3% ý kiến của các hộ dân chưa hài lòng với kết quả đạt được, dẫn đến việc Đà Lạt đã tiến hành giải trình làm rõ hơn cũng như đưa ra giải pháp khắc phục nhằm đáp ứng hơn nữa ý nguyện của Nhân dân.
 
Theo báo cáo tổng hợp ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố Đà Lạt của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho thấy, có tới trên 97% ý kiến của các hộ dân được ghi nhận hài lòng với kết quả đạt được. Điều đó thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân thành phố Đà Lạt trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng NTM. Song, bên cạnh đó vẫn còn số ít hộ dân “chưa hài lòng” với kết quả xây dựng NTM trên địa bàn thành phố. Cụ thể, có 0,23% hộ dân chưa hài lòng về hệ thống giao thông kết nối các xã NTM với khu vực đô thị; 0,8% chưa hài lòng về cơ sở vật chất các nhà văn hóa và việc thu gom, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường còn có 1,49% hộ dân chưa hài lòng. Ở một diễn tiến khác, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cũng đã có văn bản đề nghị về việc “giải trình, làm rõ và chỉ đạo khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng NTM” của thành phố Đà Lạt.
 
Theo đó, mới đây, UBND thành phố Đà Lạt đã có báo cáo gửi UBND tỉnh xoay quanh vấn đề này. Báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt cho hay: Hiện hệ thống giao thông thành phố có 1 sân bay, 2 tuyến quốc lộ, 4 tuyến trục tỉnh lộ, 177 tuyến đường đô thị và 1.058 đường hẻm. Về cơ bản hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố đã từng bước nâng cấp, góp phần tích cực vào việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh. Đồng thời, thành phố cũng triển khai xây dựng, cải tạo đường vành đai, các bãi xe tập trung theo định hướng quy hoạch chung và hạn chế xe trọng tải lớn vào trung tâm… nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm Đà Lạt. Đối với cơ sở vật chất các nhà văn hóa, thành phố tiếp tục chỉ đạo công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa để đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao từ thành phố đến cơ sở. Đi đôi với việc đầu tư cơ sở vật chất, thành phố cũng tiến tới vận động, đẩy mạnh xã hội hóa để cùng với Nhà nước hoàn thiện khu vui chơi giải trí cho trẻ em, thành lập các loại hình câu lạc bộ văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao phù hợp với các lứa tuổi. 
 
Riêng đối với công tác thu gom, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường, nhận được tỷ lệ chưa hài lòng cao nhất trong nhóm vấn đề mà các hộ dân quan tâm. Theo báo cáo của thành phố, hiện Đà Lạt đã tổ chức thu gom, vận chuyển rác thường xuyên, liên tục tại 177 tuyến đường nội thành và 4 xã vùng ven với chiều dài trên 180 km. Và để việc thu gom, vận chuyển rác thải đạt hiệu quả cao, thành phố sẽ thực hiện nghiêm quy định vị trí, thời gian thu gom của mỗi thôn, khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường, đường giao thông sạch, đẹp. Song song đó, việc xử lý rác thải cùng được quan tâm giải quyết với việc thường xuyên đôn đốc, yêu cầu Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh đầu tư hoàn thành dây chuyền, công nghệ xử lý theo đúng mục tiêu, cam kết và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ đưa vào vận hành nhà máy xử lý đạt công suất 200 tấn/ngày như công suất thiết kế được duyệt ban đầu. Về lâu dài, Đà Lạt cũng đề xuất với UBND tỉnh quy hoạch thêm một nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn bên cạnh việc đóng cửa bãi rác Cam Ly và đã được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt dự án có tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng với lộ trình hoàn thành đóng cửa bãi rác này vào năm 2022.
 
Tương tự, với 480 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng và một kho lưu chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đang được Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt xây dựng lịch thu gom, tuyến thu gom từ bể chứa đến khu vực lưu chứa và vận chuyển đến đơn vị xử lý. Để thực hiện tốt việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thành phố đã tổ chức chương trình đổi chất thải lấy quà tặng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phân loại, thu gom, nhất là đối với chất thải rắn, chất thải nguy hại đến môi trường sống.
 
Đáng chú ý, mặc dù được mệnh danh “thành phố xanh” với tỷ lệ cây xanh trên địa bàn khó nơi nào bì được và những con đường hoa nở quanh năm, nhưng vẫn có ý kiến của người dân cho rằng “một số tuyến đường trong thành phố cây xanh chưa nhiều, chưa xây dựng được tuyến đường hoa…”. Vấn đề này UBND thành phố cho rằng: Đến thời điểm này, 100% các tuyến đường trục xã, trục thôn có trồng cây xanh hai bên đường với tổng số 32.350 cây hoa Anh đào. Đặc biệt, để góp phần xây dựng hình ảnh thành phố xanh - sạch - đẹp, năm 2020 thành phố đã bố trí kinh phí 200 triệu đồng mỗi xã xây dựng tiểu cảnh, trồng hoa các tuyến đường; phân bổ kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ 41.823 cây giống bao gồm Anh đào, Phượng tím, Thông 3 lá… để trồng dọc theo tuyến đường đèo Prenn, các tuyến đường khu quy hoạch dân cư tại các xã và cấp phát cho những đơn vị có nhu cầu để trồng làm đẹp khuôn viên cơ quan, công sở. Và chương trình xanh - sạch - đẹp sẽ được nối dài trong thời gian tới bằng việc tiếp tục quan tâm, vận động người dân xây dựng các mô hình thôn, xóm xanh - sạch - đẹp…
 
Với sự giải trình nêu trên của UBND thành phố Đà Lạt phần nào giải tỏa các ý kiến “chưa hài lòng” ở một số lĩnh vực mà người dân quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn Đà Lạt. Đó còn thể hiện sự lắng nghe “một số ít” chưa đầy 3% trong các số hộ được hỏi cho “ý kiến đánh giá” về kết quả xây dựng NTM của thành phố được trao đổi lại, để làm rõ hơn sự cố gắng và không ngừng “nâng chuẩn” NTM của chính quyền thành phố. Qua đó, thành phố đề ra một số giải pháp bao gồm: Lập quy hoạch chi tiết các khu dân cư nông thôn theo quy hoạch NTM tại các xã, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn bằng việc bê tông hóa các tuyến đường trục thôn, xóm và cứng hóa đường nội đồng trên địa bàn các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành và xã Tà Nung; đầu tư xây dựng mới công trình thủy lợi; thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại các nhà văn hóa phù hợp với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi… 
 
Được biết, thành phố Đà Lạt cũng vạch ra lộ trình, quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ có 3 xã gồm Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành được công nhận xã NTM nâng cao và xã Tà Nung được công nhận xã NTM nâng cao vào năm 2022.
 
XUÂN TRUNG