Đam Rông nỗ lực đưa điện về Đạ M'Pô cuối năm nay

06:11, 17/11/2020

(LĐ online) - UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trong huyện phải khẩn trương hoàn thành dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện tại khu dân cư Đạ M'Pô (xã Liêng Srônh) vào cuối tháng 12 này.

(LĐ online) - UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trong huyện phải khẩn trương hoàn thành dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện tại khu dân cư Đạ M’Pô (xã Liêng Srônh) vào cuối tháng 12 này.
 
Trạm biến áp đã được lắp đặt nhưng gần 3 năm nay, hàng trăm hộ dân Đạ M’Pô vẫn chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia.
Trạm biến áp đã được lắp đặt nhưng gần 3 năm nay, hàng trăm hộ dân Đạ M’Pô vẫn chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia.
 
Năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống điện cho hàng trăm hộ dân di cư tự do tại khu dân cư Đạ M’Pô với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng.
 
Dự án được giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Đam Rông làm chủ đầu tư, bắt đầu triển khai từ đầu năm 2017 và có kế hoạch hoàn thành vào năm 2018 với tổng chiều dài khoảng 8 km, tính từ đường Quốc lộ chạy vào trong. 
 
Tuy nhiên, sau gần 3 năm, mặc dù đường dây trung thế đã được kéo về giữa thôn, thế nhưng người dân vẫn chưa được sử dụng điện lưới. Không có điện, việc học hành của con trẻ bị hạn chế, người dân không tiếp cận được thông tin, đời sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
 
Vào thôn Đạ M’Pô lập nghiệp hơn 15 năm nay, gia đình ông Ngô Văn Thái vẫn chưa một lần được sử dụng điện lưới để thắp sáng, sinh hoạt. Hiện, gia đình ông đang làm nghề buôn bán h tạp hoá và bán xăng dầu bằng cây xăng tự động. Để có nguồn điện sinh hoạt, chạy cây xăng, gia đình ông phải đầu tư cả chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời. 
 
Để có điện sinh hoạt, gia đình ông Ngô Văn Thái phải lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời
Để có điện sinh hoạt, gia đình ông Ngô Văn Thái phải lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời
 
“Từ năm 2015, gia đình tôi lắp 4 tấm pin năng lượng mặt trời, mua thêm bình ắc quy loại 24V để tích điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, việc lắp đặt dựa vào điều kiện tự nhiên cũng là một bất tiện vì vào mùa nắng thì điện còn sài tạm đủ, riêng mùa mưa việc tích điện trở nên khó khăn hơn, hiệu quả bị giảm xuống, chỉ dùng để thắp sáng và bơm vào cây xăng nhưng chỉ dùng được trong 8 giờ đồng hồ” - ông Thái nói.
 
Hiện, toàn thôn Đạ M’Pô có hơn 200 hộ đồng bào người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống. Gần 20 năm sống giữa rừng, cảnh đèn dầu leo lét mỗi đêm vẫn đang hiện hữu, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.
 
Tại thời điểm này, hệ thống đường giao thông, điện trung thế đã được đơn vị chủ đầu tư, thi công xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Trạm biến áp hạ thế cũng đã được lắp đặt ngay đầu thôn Đạ M’Pô. 
 
Ông Sùng Seo Giáo cho biết, khi thấy nhà nước đầu tư đường rồi cho dựng cột, kéo dây diện vào thôn, bà con trong thôn từ người già trẻ nhỏ ai cũng vui mừng. Có nhà còn đi sắm nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, vậy mà đã gần 3 năm trôi qua, đến nay điện lưới chưa có. “Mong muốn lớn nhất của tôi là thôn Đạ M’Pô mau có điện để thắp sáng, rồi làm máy xay xát lúa, bơm nước. Ở đây chúng tôi làm cà phê, bà con chủ yếu dùng máy nổ chạy bằng dầu nên chi phí rất tốn kém” - ông Giáo nói.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chí Bình - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Đam Rông cho biết: Theo như kế hoạch, dự án này cũng sẽ tiến hành sắp xếp, quy hoạch lại dân di cư đi vào ổn định. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng để đặt 1 trạm biến áp 220 kV nên kế hoạch bị chậm trễ, chưa hoàn thành xong như kế hoạch đã định. Đơn vị chủ đầu tư đang khẩn trương làm việc với đơn vị thi công và các đơn vị liên quan để sớm hoàn thành việc đưa điện về thôn Đạ M’Pô trước thời điểm 30/12/2020. 
 
Để đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, đơn vị đang khẩn trương thực hiện việc rà soát lại toàn bộ hệ thống đường dây trung thế và vị trí đặt trạm hạ thế. Trước mắt, chúng tôi đã làm việc với đơn vị thi công để tiến hành sớm di dời trạm hạ thế ra khỏi vị trí trường học. Ngoài ra, bà con trong thôn cũng đã tự nguyện bàn giao mặt bằng tại các vị trí để đặt trụ hạ thế, đơn vị thi công sẽ sớm dựng trụ, kéo điện về từng hộ gia đình. 
 
Việc lắp pin năng lượng mặt trời, tích điện qua bình ắc quy cũng là một bất tiện vì vào mùa mưa việc tích điện trở nên khó khăn hơn, hiệu quả bị giảm xuống
Việc lắp pin năng lượng mặt trời, tích điện qua bình ắc quy cũng là một bất tiện vì vào mùa mưa việc tích điện trở nên khó khăn hơn, hiệu quả bị giảm xuống
 
“Từ đây đến chậm nhất là ngày 30/12/2020, chủ đầu tư, đơn vị thi công sẽ phối hợp với Điện lực Đam Rông nỗ lực làm việc, cố gắng để có thể mang điện về cho bà con tại thôn Đạ M’Pô”-  ông Bình cho hay.
 
Phó Giám đốc Điện lực huyện Đam Rông, ông Võ Văn Cường cho biết: Hiện toàn huyện Đam Rông, tỷ lệ được sử dụng điện là 98%, còn nếu mang tính an toàn và bán trực tiếp của điện lực thì không tới tỷ lệ đó. Nguyên nhân là do một số hộ dân ở vùng sâu, vùng xa nên họ phải kéo điện khá xa, gây nguy cơ mất an toàn. 
 
Điện lực Đam Rông cũng đang nỗ lực để xóa trắng 100% điện lực cho người dân, điển hình như thôn Thanh Bình, xã Phi Liêng có khoảng 15 hộ đưa người thân vào làm rẫy và ở tại chỗ, Thôn 2, xã Rô Men có 60 - 70 hộ kéo điện dùng không ổn định và đặc biệt là ở Đạ M’Pô có khoảng gần 200 hộ chưa có điện.  
 
“Hiện đơn vị cũng đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ đầu tư, thi công, chỉ cần bàn giao hệ thống hạ tầng điện xong là chúng tôi đóng điện, bán điện trực tiếp cho người dân” - ông Cường cho hay. 
 
HOÀNG SA - THÂN HIỀN