Di Linh: Nông thôn mới giúp nâng cao đời sống người dân

06:11, 13/11/2020

Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Di Linh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giúp nâng cao đời sống của Nhân dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Di Linh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giúp nâng cao đời sống của Nhân dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
 
Nhiều tuyến đường được mở rộng, cứng và bê tông hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân
Nhiều tuyến đường được mở rộng, cứng và bê tông hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân
 
Những năm qua, cùng với các chương trình mục tiêu, huyện Di Linh đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Giai đoạn từ năm 2016-2020, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn huyện Di Linh đạt trên 6.800 tỷ đồng, đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được xây dựng khá đồng bộ, các tuyến đường từ xã đến thôn đã được nhựa và bê tông hóa. Các công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. 
 
Đến nay, toàn huyện đã có 14/18 xã đạt chuẩn NTM, đạt trên 83%; 2 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, trong đó có 1 xã đạt NTM kiểu mẫu; 22 thôn đạt thôn kiểu mẫu về NTM. 
 
Ông K’Broi - Phó Bí thư Huyện ủy Di Linh cho biết: Những năm qua, từ chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Di Linh đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước được hoàn thiện; đời sống kinh tế của người dân đã được cải thiện đáng kể, chính sách giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả; các lĩnh vực về văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được cải thiện và nâng cao; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Từ đó, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của đồng bào DTTS trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, nhất là các phong tục không còn phù hợp; thay đổi tư duy sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; các xã vùng đồng bào DTTS đã chịu khó học tập, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và thực hiện các mô hình trồng xen một số loại cây có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, sầu riêng, bơ, mắc ca, trồng dâu nuôi tằm; đồng thời chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm bước đầu mang lại hiệu quả hết sức quan trọng trong việc nâng cao thu nhập của người dân.
 
Cùng với nguồn ngân sách của Trung ương, tỉnh và của địa phương, trong những năm qua, huyện Di Linh đã huy động các nguồn lực từ cộng đồng, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội. Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia hiến đất mở đường, xây dựng hội trường thôn, đóng góp ngày công lao động xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, phúc lợi xã hội tại địa phương.
 
Tân Thượng là một xã thuần nông, với 1.205 hộ, trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 86%. Từ chương trình xây dựng NTM, đời sống kinh tế của Nhân dân luôn ổn định và có bước phát triển khá toàn diện. Trên cơ sở Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã Tân Thượng đã vận động Nhân dân thực hiện chuyển đổi trên 61% diện tích cà phê giống mới năng suất cao, trồng xen 378,5 ha hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mắc ca và kết hợp phát triển chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại và đào tạo nghề. Đến nay, bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8%. “Xây dựng NTM, người dân trong thôn đã đóng góp kinh phí làm đường bê tông, xây dựng sân, cổng, hàng rào nên nhà cửa khang trang, sạch đẹp; đoàn kết, giúp nhau trong lao động sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện người dân trong thôn không còn hộ có hoàn cảnh nghèo khó như trước kia”, ông K’Điểu ở Thôn 1, xã Tân Thượng phấn khởi.
 
Tương tự, với đặc thù là xã có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 93%, điểm xuất phát thấp; song với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn, những năm qua, cùng với nguồn lực của Trung ương, tỉnh và của huyện… (gần 83,2 tỷ đồng), xã Bảo Thuận đã vận động Nhân dân đóng góp gần 7,5 tỷ đồng xây dựng các công trình dân sinh, phúc lợi xã hội... Vì vậy, bộ mặt nông thôn mới của xã đã từng ngày thay da, đổi thịt. Hạ tầng giao thông, trường học, điện sinh hoạt, nhà văn hóa thôn được đầu tư đồng bộ, tương đối hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 giảm còn 4,3% (76 hộ/1.752 hộ). Hiện xã Bảo Thuận đã đạt 19/19 tiêu chí về NTM và phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ về đích NTM. 
 
Phải khẳng định rằng, đời sống người dân, nhất là đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt, huyện không còn hộ đói, số hộ có cuộc sống khá giả tăng theo từng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,75%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm còn dưới 4,0%.
 
Thực hiện chủ trương, chương trình phát triển ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Di Linh đã từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế để thực hiện thành công các mô hình sản xuất có hiệu quả, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…, từng bước làm thay đổi tư duy và tập quán canh tác của bà con, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
 
N.BRỪM