Nghi lễ truyền thống của người K'Ho

07:11, 27/11/2020

Là cư dân sống bằng nông nghiệp, có truyền thống canh tác lúa nước lâu đời, nên người K'Ho (Kơ Ho) cũng quan niệm vạn vật hữu linh và trong quá trình sản xuất nông nghiệp đều chịu sự chi phối của các vị thần linh "Yàng"...

Là cư dân sống bằng nông nghiệp, có truyền thống canh tác lúa nước lâu đời, nên người K’Ho (Kơ Ho) cũng quan niệm vạn vật hữu linh và trong quá trình sản xuất nông nghiệp đều chịu sự chi phối của các vị thần linh “Yàng”. Vì vậy, trong một năm người Kơ Ho Sre thường tổ chức các nghi lễ nông nghiệp gắn liền với chu kỳ, vòng đời sinh trưởng của cây lúa.
 
Gieo sạ là một trong những nghi lễ nông nghiệp được người Kơ Ho Sre huyện Di Linh duy trì tổ chức
Gieo sạ là một trong những nghi lễ nông nghiệp được người Kơ Ho Sre huyện Di Linh duy trì tổ chức
 
Đối với người Kơ Ho Sre, hệ nghi lễ nông nghiệp đã gắn chặt với cây lúa nước, hệ sinh thái ruộng từ bao đời nay: Nhô sih sre (hiểu theo nghĩa đen là uống sạ ruộng), nhô rào jơng rơpu (uống rửa chân trâu), nhô wèr (uống kiêng cữ), nhô brê rơhe (mang lúa về kho)… Tên từng nghi lễ trong một mùa vụ canh tác phản ánh rõ nét từng công đoạn làm ruộng luôn gắn liền với việc thực hành tín ngưỡng đa thần truyền thống trong nghi lễ nông nghiệp của người Kơ Ho Sre.
 
Sau khi kết thúc một năm theo mùa vụ, người Kơ Ho Sre lại bắt tay vào công việc đồng áng chuẩn bị một mùa vụ mới. Vì sống bằng nghề canh tác lúa nước là chính, nên từ khi gieo sạ cho đến khi thu hoạch mang lúa về kho thường tổ chức các nghi lễ khác nhau để khấn cầu các vị thần linh như thần sông, thần núi, thần mưa… và đặc biệt là thần lúa “Ndu yàng kòi”, với mong muốn được các vị thần hỗ trợ, chở che cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, mùa vụ được bội thu. 
 
Các nghi lễ truyền thống nông nghiệp được tổ chức theo trình tự, từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Đầu tiên là lễ gieo sạ. Nghi lễ này được thực hiện tại cánh đồng, ngoài các thành viên trong gia đình còn có những người có vai vế trong họ tộc cùng tham gia. 
 
Nghệ nhân cồng chiêng K’ Brel xã Bảo Thuận chia sẻ: “Cây nêu được làm bằng cây tre. Sau nghi thức cắm cây nêu tại cánh đồng để tiếp sức cho hạt giống sinh sôi, nảy nở thì hạt giống mới được gieo sạ. Tùy theo gia chủ, thường người ta làm cây nêu thẳng đứng và chỉ cao hơn 2 m, cũng có người dùng cây tre cong vút một đầu gần chạm xuống mặt ruộng. Sau khi thực hiện xong lễ nghi tại cánh đồng, họ lại về nhà tổ chức ăn uống và sinh hoạt cồng chiêng”. 
 
Một trong những lễ hội quan trọng trong năm được cộng đồng Kơ Ho Sre quan tâm và thường xuyên tổ chức hằng năm là lễ cúng dưỡng lúa thực hiện nghi thức kiêng cữ “hay gọi là Nhô Wèr”. Nghi lễ cũng được tổ chức tại cánh đồng vào tháng 9 hoặc tháng 10 hằng năm khi cây lúa chuẩn bị trổ đòng. Trước khi diễn ra lễ hội, già làng và những người có vai vế trong các dòng tộc ngồi bàn bạc với nhau về cách thức tổ chức. Khi đã thống nhất, người đại diện của từng dòng họ về thông báo lại cho những thành viên chuẩn bị các điều kiện, vật dùng cần thiết cho ngày khai lễ. Đồng thời, phân công thanh niên vào rừng tìm dây mây, dây rừng, cây rừng; dựng ngôi đình “hìu wèr”, dựng cây nêu “cây nghi lễ”; người thì sửa sang đường làng, bến nước, còn người có kinh nghiệm thì được phân công đi tìm, chọn con trâu để làm vật hiến sinh…
 
Lễ hội được tổ chức trong một ngày, với mong muốn cầu xin thần linh ban phước cho lúa trổ đều không gặp gió bão, hạt không bị lép và cây lúa không bị muông thú phá hoại. Bên cạnh lễ hội bà con thường tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy… rồi cùng khách khứa uống rượu cần, hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động - sản xuất và giao lưu hát đối đáp. Khi mặt trời gần khuất núi, bà con không quên mời những người khách cùng nhau về nhà, tiếp tục ăn uống, đánh chiêng, đánh trống, hát đối đáp… có nhà phải tới tận đêm khuya cuộc vui mới kết thúc.
 
Qua vài tháng sau, khi hạt lúa trên khắp cánh đồng đã chín rộ, bà con trong làng lại đổi công gặt, thu hoạch lúa từ nhà này qua nhà khác. Mùa gặt kết thúc, lúa được chất thành đống tại cánh đồng rồi bà con dùng sức con trâu để tuốt lúa, nên công đoạn này mất khá nhiều thời gian. Khi mọi công việc đồng áng đã kết thúc, lúa đã chất đầy cót, người Kơ Ho Sre lại tổ chức lễ hội mang lúa về kho. 
 
Trong nghi lễ nông nghiệp theo vòng đời sinh trưởng cây lúa của người Kơ Ho Sre, có lẽ không có nghi lễ nào được tổ chức quy mô và hoành tráng như lễ mừng lúa mới (hay còn gọi là tết của người Kơ Ho), bởi thời gian chuẩn bị chính thức kéo dài cả tháng trời, khách mời đông, là nơi hội tụ các bậc tiền nhân có tiếng tăm trong và khắp bon, làng Kơ Ho. Họ đến đây không chỉ chúc mừng, chung vui cùng gia chủ, thưởng thức các món ăn truyền thống, mà còn là dịp để thưởng thức các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng, giao lưu “lời ca, tiếng hát” của dân tộc mình như: Tam pla, pơnđik pơnring, đơs long…
 
Có thể khẳng định rằng, qua vòng đời sinh trưởng của cây lúa, các nghi lễ nông nghiệp truyền thống của cư dân Kơ Ho giàu tính tâm linh và nhân văn sâu sắc, họ không chỉ khát vọng mang tới cho cộng đồng một cuộc sống ấm no, bình yên, mà các giá trị văn hóa khác như: hội họa, ẩm thực, dân ca dân vũ; nghệ thuật trình diễn, tri thức dân gian về thiên nhiên, đời sống con người, lao động - sản xuất… thường được diễn đạt dưới hình thức văn vần và mang đậm sinh thái sre cũng được thể hiện. Qua đó, giúp mỗi cá nhân hăng say lao động sản xuất, biết cách ứng xử hài hòa với cộng đồng và môi trường thiên nhiên. Đây là những nét đẹp văn hóa truyền thống mà cha ông người Kơ Ho muốn duy trì, truyền đạt cho thế hệ con cháu ở muôn đời sau. 
 
NDONG BRỪM