Tình trạng phá rừng tại Lạc Dương còn diễn biến phức tạp

06:11, 10/11/2020

Đây là nhận định của lãnh đạo tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương…

Đây là nhận định của lãnh đạo tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương…
 
Rừng thông ở Tiểu khu 143 xã Đạ Sar bị đầu độc, chết đứng được cơ quan chức năng cưa hạ, tận thu để trồng lại rừng
Rừng thông ở Tiểu khu 143 xã Đạ Sar bị đầu độc, chết đứng được cơ quan chức năng cưa hạ, tận thu để trồng lại rừng
 
Trước đó, ngày 20/10, sau khi kiểm tra thực tế và có buổi làm việc với UBND huyện Lạc Dương về công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã có kết luận chỉ đạo, ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành trong công tác QLBVR. 
 
Cụ thể, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện Lạc Dương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban, lực lượng chức năng, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn cùng các đơn vị chủ rừng tập trung triển khai các biện pháp, giải pháp QLBVR và đất đai tại địa phương. Cùng với đó, huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân ký cam kết tham gia bảo vệ rừng. Xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm tra QLBVR, phòng cháy chữa cháy rừng… Nhờ đó, diện tích bị thiệt hại do phá rừng đã giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 0,38 ha); số vụ vi phạm xác định được đối tượng là 91%; đã tổ chức giải tỏa, thu hồi hơn 4,8 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tái lấn chiếm do phá rừng để trồng, khôi phục rừng.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục, đó là tình trạng phá rừng, ken cây vẫn còn diễn biến phức tạp, chiếm tỷ lệ cao (65% tổng số vụ vi phạm). Tình trạng lấn chiếm, san ủi đất lâm nghiệp vẫn xảy ra, nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền cấp xã vẫn lúng túng trong xử lý vi phạm, xử lý không triệt để. Khối lượng lâm sản bị thiệt hại do khai thác trái pháp luật tăng 15,7% so với cùng kỳ. Trách nhiệm của một số hộ nhận khoán chưa cao; một số dự án đầu tư liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp chưa thực hiện tốt công tác QLBVR, đất lâm nghiệp, vẫn để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Tình trạng xây dựng trên đất lâm nghiệp, như dựng lán, quán tạm dưới tán rừng dọc tuyến đường DT.722 có diễn biến phức tạp…
 
Theo cơ quan chức năng, tình trạng rừng thông 3 lá bị ken gốc, khoan lỗ rồi đổ hóa chất làm cây chết đứng tại các lâm phần nằm trên địa bàn các xã Đạ Sar, Đa Nhim vẫn xảy ra, trong khi các đơn vị nhận khoán quản lý và chủ rừng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, làm dư luận bất bình. Trong khi, nhiều diện tích rừng thông 3 lá được nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý bảo vệ, đầu tư kinh doanh nhưng doanh nghiệp không đầu tư mà rừng cũng không còn. 
 
Nổi cộm trong số này phải kể đến diện tích rừng được nhà nước giao cho Công ty TNHH Thành Phong thuê thực hiện Dự án đầu tư QLBVR, trồng rừng và kết hợp chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp kinh doanh du lịch dưới tán rừng tại khu vực Tiểu khu 143 xã Đạ Sar. Dự án được giao trên 100 ha rừng (57,7 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 43,2 ha, rừng trồng 14,5 ha; và đất chưa có rừng là hơn 46 ha), nhưng đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn “đắp mền”, trong khi nhiều diện tích rừng thì đã “đội nón” ra đi. Theo số liệu mà chúng tôi có được, Dự án của Công ty TNHH Thành Phong đã để mất hơn 27,9 ha rừng, trong đó có hơn 11 ha thuộc diện quy hoạch rừng phòng hộ xung yếu, 8,2 ha rừng sản xuất; tổng trữ lượng gỗ bị mất 1.759 m 3.  
 
Không chỉ có doanh nghiệp Thành Phong, tại Dự án Khu Du lịch sinh thái thác Đạ Sar của Công ty Cổ phần Đạ Sar (Lạc Dương), được UBND tỉnh giao quản lý bảo vệ và đầu tư với diện tích hơn 116 ha đất rừng thuộc một phần các Tiểu khu 117, 118, 133, 142, 143 (nằm trong địa giới hành chính xã Đạ Sar), cũng chung tình trạng - để mất rừng. Theo số liệu mới nhất, cho đến thời điểm này tổng số đất rừng được giao đã bị mất tới 45,8 ha, trữ lượng gỗ giảm tới 6.158 m3 so với trước thời điểm nhận dự án. 
 
Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, nhiều diện tích rừng nằm trong dự án trên đã bị người dân lấn chiếm sản xuất trong thời gian dài nhưng Công ty Cổ phần Đạ Sar không có biện pháp ngăn chặn. Còn đại diện Công ty Cổ phần Đạ Sar thì cho rằng, thời điểm trước khi nhận thuê đất để làm dự án có nhiều khu vực là đất cà phê chứ không phải rừng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của tỉnh khẳng định, việc giao rừng có đầy đủ hồ sơ, văn bản bàn giao, trong đó đại diện doanh nghiệp đã ký nhận, nên việc doanh nghiệp yêu cầu kiểm tra lại diện tích cà phê trong dự án là không có cơ sở pháp lý để xem xét. 
 
Trở lại vụ việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã yêu cầu UBND huyện Lạc Dương tập trung chỉ đạo các lực lượng công an, kiểm lâm, chủ rừng, UBND cấp xã tiếp tục tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý ngay, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm quy định về QLBVR. Kiểm tra, ngăn chăn, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đồng thời, tổ chức rà soát, giải tỏa ngay diện tích do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng, khôi phục rừng, kiên quyết không để đối tượng vi phạm canh tác, sử dụng, sang nhượng trái pháp luật diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Tiến hành giải tỏa, xử lý triệt để tình trạng dựng lán, quán tạm dưới tán rừng dọc tuyến đường ĐT.722 không để phát sinh phức tạp.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu lãnh đạo UBND huyện, xã tiếp tục duy trì việc đi kiểm tra rừng để nắm tình hình QLBVR, chỉ đạo phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý dứt điểm những vụ việc mới phát sinh. Tập trung rà soát, chỉ đạo, thực hiện triệt để các nội dung liên quan đến công tác QLBVR, quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn; chịu trách nhiệm về công tác QLBVR trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, vi phạm tại các dự án đầu tư.
 
UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Lạc Dương chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý dứt điểm các vụ vi phạm nổi cộm, phức tạp xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua, gồm: Các vụ phá rừng tại Tiểu khu 145A, 145B, 112B, 118 và 2 vụ khai thác gỗ trái pháp luật tại Tiểu khu 123 (thuộc Dự án của Công ty TNHH Khánh Giang), Tiểu khu 132 (thuộc Dự án của Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng); vụ vận chuyển gỗ trái pháp luật và chống người thi hành công vụ tại khu vực Suối Vàng.
 
THỤY TRANG