Rầm rộ san gạt, phân lô đất nông nghiệp

06:12, 14/12/2020

(LĐ online) - Ít thì vài sào, nhiều thì vài chục hecta đất nông nghiệp được chia nhỏ bằng những đường ngang, ngõ dọc trên danh nghĩa là "đấu nối làm đường sản xuất nông nghiệp"...

(LĐ online) - Ít thì vài sào, nhiều thì vài chục hecta đất nông nghiệp được chia nhỏ bằng những đường ngang, ngõ dọc trên danh nghĩa là “đấu nối làm đường sản xuất nông nghiệp” nhưng trên thực tế là mở đường để phân lô, bán nền như những dự án bất động sản thực thụ. Hiện trạng này đang diễn ra rầm rộ trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện lân cận Bảo Lâm. 
 
Những tuyến đường “bàn cờ” phá nát ngọn đồi trồng chè Oolong bên hồ thủy lợi Thôn 12 (xã Đam B’ri)
Những tuyến đường “bàn cờ” phá nát ngọn đồi trồng chè Oolong bên hồ thủy lợi Thôn 12 (xã Đam B’ri). Ảnh: M.V
 
Mở đường “bàn cờ” trên đồi chè Oolong
 
Đường Khúc Thừa Dụ nối liền ngã 5 Đam B’ri với đường Lý Thái Tổ đi thác Đam B’ri từng thu hút nhiều người đến tham quan bởi đồi chè Oolong tuyệt đẹp. Tuy nhiên, hiện tại, toàn bộ đồi chè Oolong nằm cạnh hồ thủy lợi Thôn 12 (xã Đam B’ri) này đã bị san gạt mở nhiều tuyến đường, có đường chạy sát cạnh hành lang bảo vệ hồ. 
 
Nhìn từ flycam, đồi chè rộng lớn này đã được nhiều tuyến đường chia thành 8 lô lớn nhỏ. Theo tìm hiểu, chủ sở hữu của khu vực đồi chè này là một người tên T. (ngụ tại TP Đà Lạt). Về nguyên trạng, khu đất này gồm 4 thửa với tổng diện tích 98.958 m 2 (gần 10 ha). Ngày 18/11, bà T. có đơn gởi UBND xã Đam B’ri để xin hiến đất làm đường đi chung với lý do “để thuận tiện trong việc canh tác, sản xuất cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho các hộ sản xuất xung quanh”. Điều đáng nói là dù đơn xin mở đường do bà T. đứng tên nhưng người ký lại là một người khác và kích thước con đường cũng như diện tích đất hiến không được ghi rõ trong đơn nhưng vẫn được chính quyền xã ký xác nhận để chuyển các cấp xem xét (!?). 
 
Theo cán bộ địa chính xã Đam B’ri, tất cả các khu vực đang diễn ra tình trạng san gạt, mở đường đều được xã Đam B’ri tiến hành kiểm tra thực tế. Đây là những khu vực đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân. “Việc họ mở đường là để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đều có đơn xin phép hiến đất làm đường” - vị cán bộ địa chính khẳng định và cung cấp 6 đơn xin hiến đất, mở đường tại các thửa đất nông nghiệp trên địa bàn xã Đam B’ri. Tuy nhiên, cũng tương tự như đơn của bà T., các đơn xin hiến đất làm đường này đều không rõ ràng về tuyến hướng cũng như chiều dài, chiều rộng của con đường nhưng vẫn được ký xác nhận. 
 
Một diện tích rộng hàng chục hecta đang được san gạt, xây dựng với quy mô lớn tại Thôn 11 (xã Đam B’ri)
Một diện tích rộng hàng chục hecta đang được san gạt, xây dựng với quy mô lớn tại Thôn 11 (xã Đam B’ri). Ảnh: M.V
 
Cũng trên địa bàn Thôn 11 (xã Đam B’ri), một ngọn đồi rộng hàng chục hecta cũng đang được san gạt, đào múc, mở đường như một đại công trường. Tại khu vực này, trục đường chính được mở rộng xuyên qua ngọn đồi. Ngay ngoài đầu khu vực công trường có bảo vệ canh giữ không cho người lạ ra vào. Đi xuyên qua vườn cà phê bên cạnh, chúng tôi chứng kiến hơn chục máy múc, máy ủi, xe ben liên tục san gạt, vận chuyển một khối lượng đất đá lớn để tạo mặt bằng. Trong công trường, có nhiều nhiều lán trại bằng khung sắt lợp tôn được dựng lên và bãi tập kết vật liệu với hàng ngàn mét khối cát, đá phục vụ thi công các hạng mục. Trục đường chính và các tuyến đường nhánh ở đại công trường này đã được xây dựng hệ thống mương thoát nước bằng bê tông.
 
Hình ảnh từ flycam tại khu vực này cho thấy một quả đồi rộng lớn đang được cày xới ngang dọc hình thành nên nhiều tuyến đường. Dù đại công trường hoạt động rầm rộ như vậy nhưng cán bộ địa chính lẫn lãnh đạo xã Đam B’ri đều cho biết “chưa xác định được”. 
 
Ngoài 2 ngọn đồi kể trên, có nhiều vị trí khác tại địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm đang tiến hành san gạt, mở đường trên đất nông nghiệp. Cá biệt, có những khu vực đường đã được thảm nhựa nóng và hoàn toàn không còn “bóng dáng” của cây nông nghiệp. Một số khu vực khác thì đất đã được xây dựng cốt bê tông để phân chia thành những lô cụ thể có diện tích vài trăm mét vuông. Trên những tuyến đường trải nhựa, những trụ điện bê tông cũng đã được dựng lên.
 
Cận cảnh đại công trường xây dựng rầm rộ với xe ben, xe đào hoạt động liên tục tại khu đất nông nghiệp Thôn 11 (xã Đam B’ri)
Cận cảnh đại công trường xây dựng rầm rộ với xe ben, xe đào hoạt động liên tục tại khu đất nông nghiệp Thôn 11 (xã Đam B’ri)
 
Làm sai lệch hiện trạng
 
Từ những đơn xin hiến đất mở đường mà UBND xã Đam B’ri cung cấp, Chi nhánh Văn Phòng đăng ký đất đai TP Bảo Lộc (thuộc Văn Phòng đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng) đã cung cấp bản trích đo vẽ chỉnh lý các thửa đất nói trên. Hồ sơ do Văn phòng đăng ký đất đai Bảo Lộc cung cấp cho thấy các thửa đất được trích đo vào cuối tháng 11/2020, hầu hết được đo vẽ chỉ cách vài ngày sau khi có đơn xin hiến đất mở đường. Kết quả đo vẽ đều thể hiện đường đã mở hoàn thiện. Điều này cho thấy các tuyến đường này đều đã được mở trước khi đơn xin hiến đất làm đường được gửi tới UBND xã. 
 
Theo bản trích đo vẽ chỉnh lý cho thấy, các thửa đất nói trên diện tích đều bị giảm từ 600 đến hơn 2.200 m 2/thửa đất, nguyên nhân là do các cá nhân tự mở đường trong khu đất. 
 
Đối với khu vực đồi chè Oolong do bà T. đứng tên, diện tích đất giảm 18.685 m 2 do tự mở đường trong khu đất. Theo trích đo vẽ chỉnh lý thửa đất, toàn bộ ranh thửa đất theo hiện trạng mới hoàn toàn sai lệch với ranh thửa đất theo bản đồ địa chính. Đặc biệt, mặc dù ranh quy hoạch đường giao thông chỉ thể hiện 1 đường hẻm rộng 10 m theo bản đồ địa chính nhưng trên thực tế khu đất này đã san ủi, mở trên dưới 10 tuyến đường ngang dọc rộng từ 5 - 8 m và đã được trải đá. Một điều đáng lưu ý là khu vực này được quy hoạch là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, với kiểu mở đường, phân lô như thế thì diện tích đất nông nghiệp đúng nghĩa đang bị chia nhỏ rất manh mún.
 
Riêng đối với đại công trường rộng hàng chục hecta thuộc Thôn 11, xã Đam B’ri mà chúng tôi phản ánh ở trên, dù đang tiến hành san gạt rầm rộ nhưng UBND xã Đam B’ri chưa cung cấp bất cứ hồ sơ nào và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đại Bảo Lộc cũng chưa thể tiến hành đo vẽ lại hiện trạng.
 
Đường bê tông nhựa nóng, mương thoát nước, trụ điện được xây lắp trên một khu đất nông nghiệp tại Thôn 11 (xã Đam B’ri). Thực trạng này cũng khá phố biến tại những khu đất nông nghiệp được gọi là “dự án” bất động sản đang được triển khai rầm rộ tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm
Đường bê tông nhựa nóng, mương thoát nước, trụ điện được xây lắp trên một khu đất nông nghiệp tại Thôn 11 (xã Đam B’ri). Thực trạng này cũng khá phố biến tại những khu đất nông nghiệp được gọi là “dự án” bất động sản đang được triển khai rầm rộ tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm
 
Theo ông Nguyễn Văn Hán - Chủ tịch UBND xã Đam B’ri, từ năm 2018 đến nay, toàn xã có 15 vị trí của 46 hộ dân trên địa bàn tiến hành san gạt, mở đường, tách thửa. Từ 46 lô đất ban đầu đến nay đã được tách thành 273 thửa. Mỗi thửa đất sau khi phân lô có diện tích từ 200 đến 1.200 m 2. Trong đó, riêng diện tích mở đường thuộc 15 vị trí nói trên là khoảng 5,9 ha. 
 
“Hầu hết các hộ dân, cá nhân mở đường, phân lô đều không có kế hoạch và xã cũng không đủ thẩm quyền cho phép. Vì thế, khi mở đường vào các khu đất, người dân không thông qua xã. Hầu hết, các vị trí san gạt, mở đường, phân lô khi phát hiện xã đều tiến hành kiểm tra và lập biên bản ghi nhận thực trạng. Nhiều trường hợp có dấu hiệu bất thường, chúng tôi đã yêu cầu chủ đất xuất trình các hồ sơ, thủ tục liên quan. Tuy nhiên, họ đều tìm cách tránh mặt hoặc giao cho người khác đến làm việc nên rất khó xử lý. Hiện tại, UBND xã đang tiến hành rà soát các vị trí có san gạt, mở đường, phân lô, tách thửa trên địa bàn để báo cáo UBND TP Bảo Lộc có hướng xử lý” - ông Nguyễn Văn Hán cho hay.
 
Hiện tại, TP Bảo Lộc chỉ có 6 dự án bất động sản được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn, gồm: Dự án Khu dân cư 6B, TP Bảo Lộc; Dự án Khu đô thị mới đường Lý Thường Kiệt, Bảo Lộc; Dự án Khu dân cư kế cận tại Khu công nghiệp Lộc Sơn; Khu dân cư Đinh Tiên Hoàng, Phường 2; Dự án khu nhà ở biệt lập đường Lý Thường Kiệt, Phường 1 và Dự án Khu dân cư trung tâm xã Đạm Bri. Trong đó, 4 dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đang thực hiện giao dịch theo quy định; 2 dự án còn lại (Dự án khu nhà ở biệt lập đường Lý Thường Kiệt và Khu dân cư trung tâm xã Đạm Bri) do chậm triển khai nên hiện chính quyền địa phương đang xem xét để thu hồi dự án.
 
Thế nhưng, trên thực tế, có nhiều khu đất được phân lô đang được rao bán “nhan nhản” từ thực địa đến các trang mạng xã hội. Để biết các thông tin thị trường bất động sản tại Bảo Lộc, chỉ cần ấn vào vào google từ khóa “bất động sản Bảo Lộc” hoặc thông qua trang mạng facebook sẽ cho ra hàng trăm kết quả. Theo đó, hầu hết các thông tin giới thiệu về các khu vực phân lô, bán nền đều nằm trên diện tích đất nông nghiệp thuộc các xã, phường vùng ven TP Bảo Lộc, tập trung nhiều nhất tại xã Đam B’ri. 
 
Để thu hút, lôi kéo khách hàng, các “dự án” này đều có hình ảnh đồ họa, hình ảnh từ flycam, kèm theo những lời giới thiệu hoa mỹ về các dịch vụ đi kèm như giao thông, trường học, y tế và đặc biệt là có view đẹp, view hồ - suối. Thậm chí, các thông tin giới thiệu về các “dự án” này còn đề cập đến Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và Sân bay Lộc Phát “sắp” được xây dựng để tăng sự hấp dẫn đối với khách hàng. Mặc dù chưa được cấp phép, nhưng những thông tin giới thiệu đã khiến cho khách hàng nhầm lẫn đây là những “dự án” bất động sản được cấp phép thực sự.
 
Một công trường san ủi đất nông nghiệp quy mô lớn tại khu vực giáp ranh giữa xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc và xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm
Một công trường san ủi đất nông nghiệp quy mô lớn tại khu vực giáp ranh giữa xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc và xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm
 
Cần siết chặt quản lý
 
Trước đây, Báo Lâm Đồng điện tử đã có bài phản ánh về tình trạng phân lô, bán nền của những “dự án” bất động sản trên địa bàn TP Bảo Lộc và vùng phụ cận. UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo UBND TP Bảo Lộc làm rõ nội dung mà báo chí nêu. Đến ngày 18/11/2020, UBND TP Bảo Lộc có văn bản báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng nhưng sau đó 1 ngày lại xin thu hồi văn bản này với lý do “để làm rõ thêm các nội dung liên quan” và “sẽ kiểm tra, rà soát, xác minh thêm nội dung và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11/2020”. Tuy nhiên, đến hiện tại UBND TP Bảo Lộc vẫn chưa có văn bản mới thay thế.
 
Ngày 18/11/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị tách thửa đối với một số loại đất trên địa bản tỉnh. Theo văn bản này, trong thời gian qua, một số trường hợp diện tích thửa đất nông nghiệp thuộc quy hoạch đất ở đề nghị tách thửa lớn, số lượng thửa đất sau khi tách nhiều. Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã xin ý kiến các địa phương trước khi xem xét, giải quyết đề nghị tách thửa, nhưng không loại trừ khả năng còn những nội dung có liên quan chưa được xem xét đầy đủ trước khi giải quyết hồ sơ đề nghị tách thửa, phát sinh các nội dung cần xử lý sau này. 
 
Không khó để bắt gặp những thông tin và hình ảnh rao bán đất nền như thế này nhan nhản trên mạng xã hội
Không khó để bắt gặp những thông tin và hình ảnh rao bán đất nền như thế này nhan nhản trên mạng xã hội
 
Từ thực tế nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường, UBND các huyện, thành phố chỉ xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị tách thửa theo đúng mục đích sử dụng đất ghi trong giấy chứng nhận. Diện tích đất tối thiểu được tách thửa và diện tích đất tối thiểu còn lại sau khi tách thửa đối với thửa đất có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp (thuộc quy hoạch là đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở hoặc đất nông nghiệp) trước mắt được thực hiện thống nhất là 500 m2. 
 
Tại buổi giao ban báo chí tổ chức vào chiều 8/12, ông Ngô Văn Ninh - Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin: “Trước tình trạng phân lô, tách thửa, san gạt mặt bằng đã và đang xảy ra trên địa bàn TP Bảo Lộc và một số địa phương như Bảo Lâm, Di Linh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Lâm Đồng và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước và thực hiện tách thửa theo đúng quy định hiện hành; đồng thời, khẩn trương tham mưu và có hướng đề xuất UBND tỉnh dự thảo thay thế Quyết định 33/2015 của UBND tỉnh trong việc tách thửa đảm bảo phù hợp đối với diện tích đất ở nông thôn và đô thị trong thời gian tới.
 
Theo các chuyên gia về bất động sản, thực trạng bùng nổ các hoạt động đầu tư đất nền, mua bán các dự án phân lô bán nền hiện nay, đang để lại nhiều hệ luỵ cho thị trường bất động sản. Việc phân lô bán nền tại các dự án hiện nay dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư găm đất, đầu cơ để đợi lên giá mà không đưa vào sử dụng, tạo ra rất nhiều các khu đô thị bị hoang hóa, thậm chí phá nát quy hoạch của các đô thị. Việc đầu tư đất nền của người dân hầu hết là chỉ mua để đó, đợi giá lên để bán lại. Do đó, các giao dịch mua bán đầu tư đất nền là rất nguy hiểm, không kéo theo sự phát triển kinh tế và các hoạt động đầu tư khác của xã hội.
 
ĐÔNG ANH - HẢI ĐƯỜNG