Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Đam Rông sau 5 năm nhìn lại

06:01, 13/01/2021

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện, đến nay Đam Rông đã từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng nâng cao giá trị sản xuất.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện, đến nay Đam Rông đã từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng nâng cao giá trị sản xuất.
 
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp đưa vào thử nghiệm nhiều cây trồng mới có giá trị kinh tế cao. Trong đó, đối với cây lúa, đã vận động nông hộ, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực, tự giác canh tác lúa đồng trà, đồng vụ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, triển khai hàng chục mô hình trình diễn, mô hình khảo nghiệm giống bằng các giống lúa mới như: IR 64, MTL 250, OM 6162. Từ đó, giúp các hộ dân tiếp cận được với những giống lúa mới có năng suất cao, có sức kháng bệnh tốt. Nhờ vậy, năng suất lúa trên một đơn vị diện tích đã được nâng lên, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương và đã giải quyết triệt để được tình trạng thiếu đói vào những ngày giáp hạt. 
 
Cùng với việc nâng cao năng suất cây lúa nước, những năm qua, huyện Đam Rông còn hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi trên 800 ha điều già cỗi, năng suất thấp sang trồng cà phê hạt cao sản và cây ăn trái. Đặc biệt, thực hiện chương trình tái canh cà phê, huyện đã hỗ trợ các hộ dân thực hiện trồng tái canh và ghép cải tạo được gần 2.000 ha cà phê già cỗi để thay thế các giống mới có năng suất cao như: TR 4, TR 6, TR 8. Qua ghép cải tạo đã có nhiều nông hộ đạt năng suất 5 tấn cà phê nhân/ ha, cao hơn gấp 2 lần so với năng suất bình quân của huyện. 
 
Song song với chuyển đổi giống cây trồng, huyện còn quan tâm chỉ đạo, phân bổ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển đàn gia súc, gắn với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo thống kê của ngành chức năng huyện, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 5.500 con bò, trong đó có 20% đã được lai tạo giống chất lượng cao. Để có được kết quả này, những năm gần đây thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Đam Rông đã hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi hàng chục con bò giống lai Sind, Red Angus, BBB, trong đó chủ yếu là bò đực giống. Ông Trần Văn Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đam Rông, cho biết: “Đơn vị đã lồng ghép các giải pháp để thực hiện có hiệu quả đề án cải tạo đàn bò. Trong đó, đã chú trọng xây dựng các mô hình bò cái nền lai Sind, xây dựng mô hình bò đực để phối giống cải tạo tầm vóc, rồi trực tiếp hỗ trợ phối giống nhân tạo và hỗ trợ mở rộng diện tích đồng cỏ chăn nuôi. Sau 4 năm thực hiện đề án thì đến nay tổng đàn bò của huyện đã phát triển lên trên 5.500 con, trong đó có 20% đã lược lai tạo”. 
 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đam Rông đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Huyện ủy về “Sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn huyện”; đồng thời, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu hướng của biến đổi khí hậu và trình độ canh tác của người dân. 

Bằng những cách làm mới, sáng tạo, đến nay ngành nông nghiệp huyện Đam Rông đã có những bước tiến vượt bậc. Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao và đang được các địa phương triển khai nhân rộng. Trong đó, tiêu biểu có các mô hình như: Mô hình trồng rau, quả công nghệ tại Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Đạ Rsal; mô hình nuôi cá nước lạnh tại Rô Men, Liêng Srônh, Đạ Tông; mô hình chanh không hạt ở xã Liêng Srônh; mô hình VAC, nuôi bò, heo rừng, hươu sao ở xã Đạ Rsal; mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Đạ K’Nàng, Đạ M’Rông, Liêng Srônh, Rô Men... Hiệu quả từ các mô hình trên mang lại đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt gần 1.200 tỷ đồng, trong đó riêng ngành trồng trọt đạt 1.000 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông, nói: “Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trên địa bàn huyện đã tái canh, ghép cải tạo được gần 2.000 ha cà phê và đã tổ chức sản xuất lúa được đồng trà, đồng vụ. Đồng thời, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, các mô hình trồng cây ăn trái xen canh cà phê tiếp tục được phát triển, mở rộng. Qua đó, đã khẳng định cho thấy chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một hướng đi đúng đắn”.
 
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đam Rông đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 12, ngày 10 tháng 7 năm 2019 của Huyện ủy về “Sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn huyện”; đồng thời, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu hướng của biến đổi khí hậu và trình độ canh tác của người dân. Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập trên đơn vị canh tác, cũng như khuyến khích phát triển kinh tế mô hình hợp tác xã, từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến, tiêu thụ và quảng bá phát triển thương hiệu nông sản Đam Rông. 
 
Ông Nguyễn Văn Chính cho biết thêm:“Trong thời gian đến địa phương tiếp tục mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao theo Nghị quyết số 12 của Huyện ủy và thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu theo kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, tiếp tục tham mưu phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã”.
 
Qua 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện Đam Rông bước đầu đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo định hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân. Hiện nay, công tác chuyển giao khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đang được huyện Đam Rông thực hiện một cách triệt để. Qua đó, từng bước khai thác những tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
 
LÊ TUẤN