Để Lâm Đồng tăng trưởng xanh

08:02, 11/02/2021

Lâm Đồng xác định tăng trưởng xanh là nội dung cơ bản không thể tách rời trong các chủ trương, định hướng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh trong nhiều năm nay.

Lâm Đồng xác định tăng trưởng xanh là nội dung cơ bản không thể tách rời trong các chủ trương, định hướng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh trong nhiều năm nay.
 
Ông Lê Văn Cường trong trang trại của mình tại Đạ Nghịt - Lạc Dương
Ông Lê Văn Cường trong trang trại của mình tại Đạ Nghịt - Lạc Dương
 
Trang trại rau sạch
 
Cách phố thị Đà Lạt chừng 30 km, xã Đạ Nghịt - Lạc Dương nằm giữa rừng xanh vây quanh là nơi “đóng đô” trang trại rau sạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dalat GAP. Giám đốc Lê Văn Cường đã lập trang trại công nghệ cao tại Đà Lạt từ năm 1997, là một trong những người tiên phong trồng rau sạch theo tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practice) và cũng là công ty đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng nhận Global GAP vào năm 2008. 
 
“Tất cả bắt đầu từ sự gợi ý của một vị lãnh đạo trong nước khi đến thăm và dự một hội nghị về nông nghiệp Lâm Đồng” - ông Cường nhớ lại. Câu hỏi vị lãnh đạo đó đặt ra là tại sao một nền nông nghiệp lớn như Đà Lạt sao không sản xuất rau sạch cho cả nước. Từ đó đến nay trên 20 năm ông Cường chỉ đi trên con đường sản xuất rau sạch. 
 
Rau sạch đúng nghĩa theo ông Cường phải là rau quả được trồng tuân theo quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn GAP. Cụ thể, rau phải trồng trong nhà vườn hay trang trại cách xa khu dân cư trong môi trường xanh; tưới bằng nguồn nước sạch; trồng trong hệ thống nhà kính hiện đại; các loại giống cây trồng được chọn lọc kỹ; quy trình trồng trọt đóng gói và bảo quản phải được lập hồ sơ theo dõi.
 
“Thông thường các nhà kính nếu làm thấp, không tạo khoảng hở, không có cửa sổ thông khí, nhiệt độ bên trong nhà kính thường cao hơn bên ngoài khoảng 5 độ C. Nhiệt độ cao khiến nước bốc hơi, tăng ẩm độ trong nhà kính, đây là điều kiện thuận lợi để nấm mốc, sâu bệnh phát triển; sâu bệnh phát triển thì phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và đây là điều không tốt”. 
 
Nhờ hướng theo nông nghiệp sạch với cam kết không có dư lượng thuốc trừ sâu tồn dư trong sản phẩm nên Dalat GAP trong nhiều năm nay có một lượng khách hàng rất ổn định gồm các nhà hàng, khách sạn, các siêu thị trong nước. “Chúng tôi trước đây có xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc nhưng gần đây do COVID-19 ảnh hưởng nên hiện chỉ bán trong nước là chủ yếu, khách hàng trong nước yêu cầu sản phẩm sạch rất lớn” - ông cho biết. 
 
Với 8 ha nhà kính ở hai trang trại, 32 nhân công làm việc quanh năm, trên 30 sản phẩm rau, củ, quả Đà Lạt, Dalat GAP có doanh thu mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng.
 
Để duy trì một nền nông nghiệp sạch trong tỉnh, theo ông Cường, ngành chức năng đã đến lúc nên có một hệ thống phòng kiểm tra mạnh nhằm kiểm soát dư lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm lưu hành; đồng thời khuyến khích nông dân sử dụng thương hiệu cho mọi nguồn sản phẩm để truy xuất nguồn gốc. “Đà Lạt và Lâm Đồng hiện nay đang phát triển việc sử dụng thương hiệu rất mạnh, đi trước nhiều nơi trong nước và đây là một ưu thế lớn của nông nghiệp tỉnh nhà” - ông nhận xét.
 
Lộ trình tăng trưởng xanh 
 
Từ rất sớm, Lâm Đồng đã đưa ra kế hoạch cùng các giải pháp hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn giai đoạn 2014 - 2020 và đang chuẩn bị ban hành kế hoạch hành động giai đoạn 2020 - 2030 kế tiếp.
 
Trong giai đoạn 2014 - 2020, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, Lâm Đồng có bước tiến nhất định trong việc nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại, đồng thời đã cho rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành kinh tế, hạn chế những ngành sản xuất phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới.
 
Để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, Lâm Đồng đã nâng cao năng lực bộ máy quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của tỉnh; hoàn thành việc khoanh định các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn; phát triển kết cấu hạ tầng bền vững trong giao thông, năng lượng, thủy lợi, nước sinh hoạt cho người dân, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, người dân tích cực đổi mới công nghệ, áp dụng sản xuất sạch hơn. 
 
Trong toàn tỉnh, đến nay ngành chức năng đã quy hoạch, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước mưa; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, nước thải tại các đô thị; thông qua quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh và có các quy định cụ thể về thoát nước, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước ngầm và nước mặt. Ưu tiên phân bổ đất công để nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước theo quy định cho từng loại đô thị; khuyến khích đầu tư và phát triển các khoảng không gian xanh trong các dự án đô thị; vận động xã hội hóa công tác xanh hóa cảnh quan đô thị.
 
Với các vùng nông thôn, tỉnh đã triển khai khá hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới có lối sống hài hòa với môi trường mà trong đó chú trọng đến việc phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, nếp sống văn minh ở vùng nông thôn. Tỉnh đã hỗ trợ các mô hình sản xuất ở nông thôn theo chu trình sinh thái khép kín, mô hình xử lý chất thải làng nghề; quy hoạch quản lý chất thải nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo rác thải nông thôn được thu gom, xử lý, làm phân bón theo tiêu chuẩn môi trường, phân loại và tái chế rác. 
 
Đến nay Lâm Đồng cũng thực hiện tốt việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, khuyến khích nông dân áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ứng dụng các công nghệ tiết kiệm về giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tiết kiệm tài nguyên đất, tưới tiết kiệm nước; khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng theo nhu cầu thị trường, phát triển mạnh các loại sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh về đất đai, khí hậu, có thị trường tiêu thụ ổn định, hình thành các vùng chuyên canh nông sản an toàn và chất lượng cao. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý tài nguyên rừng bền vững; chú ý bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, thực hiện tốt chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua những nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng.
 
Lâm Đồng cũng từng bước làm tốt thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xây dựng lối sống xanh; chú ý phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tăng trưởng xanh; thực hiện các chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ để thực hiện tăng trưởng xanh trong đó có đề án xây dựng 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh; xây dựng năng lực tư vấn kỹ thuật và quản lý tăng trưởng xanh; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp xanh; xúc tiến hình thành mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật - quản lý và thị trường dịch vụ phục vụ tăng trưởng xanh. 
 
Như Lâm Đồng xác định lâu nay, tăng trưởng xanh là nội dung cơ bản không thể tách rời trong các chủ trương, định hướng để phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.
 
Trong thời gian đến, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng - đơn vị chủ quản về tăng trưởng xanh, nhiều giải pháp cụ thể đã được đưa ra cho mục tiêu “Tăng trưởng xanh” của tỉnh giai đoạn 2020-2030, trong đó 3 ngành vẫn được Lâm Đồng xác định là trọng tâm gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch; cộng thêm 3 ngành hỗ trợ gồm năng lượng, giao thông vận tải và quản lý nước. Một danh mục bao gồm 80 giải pháp và 175 hành động thực hiện tăng trưởng xanh ở Lâm Đồng thời kỳ 2020-2030 đã được đưa ra, tập hợp theo 8 chủ đề, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, dự kiến địa bàn thực hiện, nguồn vốn, cơ quan chủ trì và đang chờ tỉnh phê duyệt.
 
VIẾT TRỌNG