Phòng, chống tham nhũng - những chuyển biến tích cực

06:02, 22/02/2021

Được sự quan tâm, lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả so với năm trước. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không có đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

Được sự quan tâm, lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả so với năm trước. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không có đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.
 
Các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia góp ý về những mặt còn tồn tại, hạn chế nhằm xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh
Các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia góp ý về những mặt còn tồn tại, hạn chế nhằm xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh
 
Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong ngành Thanh tra Lâm Đồng là đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng (PCTN), là đầu mối tham mưu, giúp việc trong công tác PCTN. Thanh tra tỉnh với vai trò là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiến hành thanh tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.
 
Cơ quan, đơn vị trong ngành Thanh tra thường xuyên phối hợp với MTTQ và các cơ quan điều tra, các đơn vị liên quan trong công tác PCTN, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý hành vi tham nhũng theo quy định.
 
Theo báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các nội dung quan trọng như: Nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân; việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công, kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công tác tổ chức, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết công việc của cơ quan. Việc công khai được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực như mua sắm công, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân sách, huy động nguồn đóng góp của Nhân dân, tài nguyên, môi trường, quản lý sử dụng nhà ở... được công khai với hình thức chủ yếu là niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
 
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra 49 cơ quan và qua kiểm tra chưa phát hiện đơn vị nào vi phạm các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động. Thông qua việc công khai, các tổ chức, cá nhân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, viên chức, từ đó kịp thời kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm theo quy định.
 
 Việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo, các cơ quan đã ban hành các chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí... Cụ thể, toàn tỉnh đã ban hành 44 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, sửa đổi bổ sung 14 văn bản cho phù hợp với quy định và tình hình thực tế cơ quan, đơn vị. Theo đó, các cấp có thẩm quyền đã tổ chức 32 cuộc kiểm tra, phát hiện 6 vụ vi phạm tại các đơn vị thuộc UBND huyện Đạ Huoai, Lạc Dương. Xử lý vi phạm và thu hồi 723 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước và đề nghị các đơn vị rút kinh nghiệm, kiểm điểm theo quy định.
 
Trong năm qua chưa phát hiện cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ quyền hạn sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng không đúng quy định. Chưa phát hiện các trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có chức vụ nhận quà tặng có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
 
UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tăng cường lãnh, chỉ đạo triển khai các cuộc thanh tra. Kết quả, trong năm 2020 toàn tỉnh đã thực hiện được 148 cuộc thanh tra hành chính, trong đó có 127 cuộc theo kế hoạch và 21 cuộc đột xuất. Đến nay, đã kết thúc 131 cuộc thanh tra, kết quả phát hiện sai phạm với số tiền trên 15 tỷ đồng và trên 500 ha đất. Các sai phạm chủ yếu liên quan đến nghiệm thu, thanh toán không đúng thực tế khối lượng thi công tại các công trình xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng kinh phí, đất đai không đúng quy định, sai phạm về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế... Cơ quan chức năng đã ban hành quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 6,8 tỷ đồng, 492 ha đất. Theo đó, đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế qua thanh tra. 
 
Về thanh tra chuyên ngành, toàn tỉnh đã tiến hành 1.043 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 812 tổ chức, 1.135 cá nhân. Qua thanh tra, phát hiện các vi phạm chủ yếu trên các lĩnh vực giao thông vận tải, công thương, tài chính, lao động, thương binh và xã hội, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông... Theo đó, các cấp có thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi số tiền trên 6,6 tỷ đồng, kiến nghị các cơ quan, đơn vị cần chấn chỉnh hoạt động có vi phạm theo quy định của pháp luật. Cũng qua thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 3 vụ có dấu hiệu tham nhũng với 5 đối tượng, tổng giá trị sai phạm là trên 900 triệu đồng. Sai phạm chủ yếu trên lĩnh vực quản lý rừng, đất đai, tài chính.
 
Nhận định về công tác này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho rằng: Trong năm 2020, được sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, công tác PCTN trên địa bàn có nhiều chuyển biến, đạt nhiều kết quả so với năm 2019 trở về trước. Việc tuyên truyền, phố biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN được tăng cường. Đặc biệt, những năm gần đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm theo đúng quy định. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng của tỉnh được quan tâm thực hiện. Thông qua đó đã nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của PCTN. Những kết quả đó đã góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ các yếu tố cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng. Qua đó, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; đồng thời, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương ngày càng vững mạnh.
 
NGUYỆT THU