Từ cái tát trong học đường đến hiện tượng ''Khá Bảnh''

06:03, 04/03/2021

Là một giáo viên, tôi không nhiều bất ngờ với clip cô giáo bị một học sinh tát ngay giữa lớp học, bởi cái tát kia và những hành vi trái đạo đức tương tự của học trò là điều mà từ lâu chúng tôi đã ít nhiều dự cảm được...

Là một giáo viên, tôi không nhiều bất ngờ với clip cô giáo bị một học sinh tát ngay giữa lớp học, bởi cái tát kia và những hành vi trái đạo đức tương tự của học trò là điều mà từ lâu chúng tôi đã ít nhiều dự cảm được. Đứng trên bục giảng, đã có biết bao nhiêu thầy cô bất lực khi có những học sinh say sưa, cười với màn hình điện thoại, nhắc các em thì các em đáp lại “em đang truy cập để lấy kiến thức”; khi rời bục giảng vẫn cặp sách trên tay, biết bao thầy cô lòng nặng trĩu, thở dài chán nản khi trước đó đã “được” học sinh “dạy” cho một bài học rằng “ai cũng có quyền riêng tư” hay “có nhiều cách để kiếm tiền mà thầy, cô”. Còn nhiều nữa những điều đắng lòng tồn tại trong hành trang mà hằng ngày học sinh mang theo vào lớp học. Chúng tôi phải làm sao đây? “Đức trị” thì không đủ sức, đủ thời gian để kham số đông thiếu ý thức và sự ngổn ngang của hiện thực; “pháp trị” thì thiếu điểm tựa, thiếu công cụ đủ sức thuyết phục. Thế là tất cả chúng tôi đều phải im lặng, thu mình lại và mặc nhiên để mọi thứ thuận theo sự diễn tiến của nó - một sự diễn tiến như cỏ mọc hoang. 
 
Là giáo viên chúng tôi cũng hiểu được những áp lực mà học sinh đang phải gồng gánh trong suốt quá trình đến trường. Trong trường, các em phải học quá nhiều kiến thức, ở đâu đó các em phải đối diện với những người cầm phấn thiếu trong sáng, thiếu công bằng, thiếu chiều sâu cả về chuyên môn lẫn phương pháp. Sức nặng kiến thức đè lên trí óc các em, cái gai góc nứt mầm trong tâm hồn các em. Từ đó, trường học không còn là mái trường nữa mà sẽ là cái nơi đến giờ ba mẹ bắt phải vào và dĩ nhiên những em thiếu nền tảng sẽ luôn mong cho nhanh hết thời gian để thoát khỏi nó. Chúng tôi cũng thấu hiểu rằng, là học sinh phổ thông thì kĩ năng, thái độ, nền tảng văn hóa của các em chưa đủ nên dễ dàng đầu hàng trước cám dỗ của những thú vui mà ở nơi kiến thức và lớp học không bao giờ có được. 
 
Chúng ta phải làm sao đây? 
 
Là một người đang tiếp xúc với các em hàng ngày, trước cái tát của một học trò, đã đặt ra cho chúng tôi những trăn trở. Tại sao hành vi tát giáo viên trước tập thể lớp của một học sinh lại cứ phải chờ Bộ Giáo dục lên tiếng, tại sao tổ chủ nhiệm, lãnh đạo trường đó, lãnh đạo của ngành giáo dục ở địa phương không lên tiếng hay không thể lên tiếng? Xét đến cùng thì đó cũng chỉ là một hành vi vi phạm kỉ luật. Trường học là đầu vào và đầu ra của một con người, tại sao những điều tử tế, những khát vọng, những say mê, những cống hiến lại không thể thường trực nảy nở ở đây? Có lẽ đã đến lúc, xin hãy bình tâm nhìn nhận lại. Trước hết, những người ngoài cuộc xin hãy đừng vội vàng phán xét, kết luận bởi quý vị không là người đang ngày giờ phải tiếp xúc những cái mà những người đi dạy đang trải qua. Sau nữa, xin tất cả hãy bình tĩnh lại, xin hãy tập trung giáo dục và tự giáo dục cho học sinh lòng dũng cảm không phải sự thách thức, xin hãy giáo dục cho các em việc chấp hành kỷ luật tốt cũng là một cách hành thiện, một cách để trưởng thành. Bởi nếu chúng ta làm không tốt điều này thì một ngày không xa ứng xử tiêu cực trong trường học sẽ còn nặng hơn cái tát và đau lòng hơn từ học sinh của nhà trường, của thầy cô sẽ sinh ra nhiều “Khá Bảnh” của xã hội.
 
NGUYỄN VĂN DŨNG