Sống thấp thỏm cạnh công trình bạc tỷ

05:04, 08/04/2021

Nền đất sụt lún, taluy đứt gãy, tường nhà nứt toác và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đó là tình trạng của hàng chục căn hộ của người dân sống tại con hẻm đường Hồ Tùng Mậu, TP Đà Lạt…

Nền đất sụt lún, taluy đứt gãy, tường nhà nứt toác và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đó là tình trạng của hàng chục căn hộ của người dân sống tại con hẻm đường Hồ Tùng Mậu, TP Đà Lạt…
 
 Nhiều hộ dân sống thấp thỏm bên công trình thi công gây sụt lún
Nhiều hộ dân sống thấp thỏm bên công trình thi công gây sụt lún
 
Sự cố trên xảy ra từ hai năm qua, khi Công ty CP Nha Trang - Đà Lạt cho thi công công trình Dự án Trung tâm trưng bày, mua bán cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn toàn cầu của Toyota tại khu “đất vàng” nằm sau Quảng trường Lâm Viên (lô A1, Khu trung tâm thương mại quốc tế, Phường 10, TP Đà Lạt). Đây là công trình dân dụng cấp II, với tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 300 tỷ đồng; công trình do Sở Xây dựng Lâm Đồng cấp phép xây dựng trên diện tích 5.000 m 2, gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm, tổng diện tích sàn trên 17.700 m 2
 
Tại quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường dự án do Công ty CP Nha Trang - Đà Lạt làm chủ đầu tư nói trên thể hiện quy mô xây dựng một trung tâm hiện đại chuyên trưng bày, mua bán và cung cấp dịch vụ hậu mãi cho nhãn hiệu xe Toyota và khách sạn tiêu chuẩn 4 sao (163 phòng lưu trú). Cũng theo quyết định này, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư áp dụng các biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công phù hợp để đảm bảo an toàn, không gây ảnh hưởng đến người dân, công trình và môi trường xung quanh; đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về chất lượng các thành phần môi trường đất, nước, không khí trong khu vực dự án…
 
Yêu cầu là vậy, nhưng sau khi chủ đầu tư tổ chức cho thi công phần móng và hầm công trình (tháng 3/2019), đã gây ra sự cố sụt lún đất, làm nhiều căn nhà bên cạnh xuất hiện các vết nứt ngang, dọc, trong đó 4 căn bị hư hỏng nặng và có nguy cơ sụp đổ, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Sự cố này trở nên nghiêm trọng hơn khi trải qua hai mùa mưa, khiến người dân thấp thỏm, lo sợ bởi nguy cơ mất an toàn. 
 
Ông Nguyễn Văn Lộc (nhà số 15C Hồ Tùng Mậu, Phường 10, TP Đà Lạt), cho biết: Hàng chục năm qua, bao thế hệ gia đình ông sinh sống yên ổn tại đây. Nhưng kể từ khi Dự án Trung tâm trưng bày, mua bán, cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn toàn cầu của Toyota thi công công trình, gia đình ông lo lắng đến mất ngủ, vì nhà xuất hiện nhiều vết nứt từ phần kè, đến nền và cả tường nhà. Cũng theo ông Lộc, hoang mang, bất an nhưng gia đình vẫn phải bám trụ sinh sống. “Nay mùa mưa đã đến gần, sống trong căn nhà như thế này rất lo lắng. Về phía dự án cũng đã lên gia cố lại nhà nhưng ông không thể yên tâm. Hết vết nứt này, lại xuất hiện vết nứt khác. Không biết phải sống trong hoàn cảnh như thế này đến bao giờ” - ông Lộc bộc trực. 
 
Tường nhà số 15C Hồ Tùng Mậu bị nứt toác, chủ nhà phải di dời đến nơi ở an toàn
Tường nhà số 15C Hồ Tùng Mậu bị nứt toác, chủ nhà phải di dời đến nơi ở an toàn
 
Có chung tình cảnh, ông Nguyễn Thông (nhà số 17B Hồ Tùng Mậu) mong muốn chính quyền các cấp can thiệp giúp bà con, chứ mùa mưa tới rất nguy hiểm. Còn chị Đỗ Thị Thương Huyền (nhà số 11A Hồ Tùng Mậu), cho rằng 2 căn nhà (với tổng diện tích 416 m2) của gia đình nay đã hư hỏng gần hết, bên trong thì bị nứt, vữa thì bong tróc, ta luy đứt gãy, dịch chuyển, nhưng chủ đầu tư đưa ra giá đền bù chưa thỏa đáng. Chỉ tính riêng căn nhà của ông Đỗ Xuân Cơ (bố của chị Đỗ Thị Thương Huyền, diện tích 300 m2), nhưng đền bù chỉ 200 triệu đồng thì không biết có đủ tiền thuê nhân công tháo dỡ sân và bờ kè hay không, nói chi để xây dựng. Riêng căn nhà còn lại của chị Huyền, chủ đầu tư đưa ra giá bồi thường 60 triệu đồng. Với số tiền này gia đình không biết để làm gì, sao có thể xây lại 2 căn nhà.
 
Chị Huyền cũng đề nghị UBND các cấp và các ban, ngành liên quan hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư sớm giải quyết đền bù thỏa đáng cho người dân để sớm ổn định cuộc sống.
 
Liên quan vụ việc, ông Tôn Thất Thanh Vũ, Chủ tịch UBND Phường 10 (TP Đà Lạt), cho biết: Để bảo vệ tính mạng người dân, đến nay UBND phường đã ban hành thông báo yêu cầu di dời 4/20 hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi ở an toàn, toàn bộ chi phí thuê chỗ ở mới do chủ đầu tư chi trả. 
 
Cũng theo Chủ tịch UBND Phường 10, sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân, UBND phường đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng, lập biên bản hành chính, tạm đình chỉ thi công và thành lập tổ công tác giám sát tại khu vực. Cùng với đó, UBND phường còn phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt mời các hộ dân bị ảnh hưởng và chủ đầu tư họp tìm hướng giải quyết; và có văn bản báo cáo vụ việc cho UBND TP Đà Lạt và Sở Xây dựng Lâm Đồng.
 
Chủ tịch UBND Phường 10 cho biết thêm: Vừa qua đơn vị thi công và chủ đầu tư dự án cũng đã tiến hành thương thảo với các hộ dân có công trình bị ảnh hưởng, tuy nhiên tại cuộc họp hòa giải lần thứ nhất để xử lý sự cố, mới chỉ có một số hộ thống nhất giá bồi thường, những hộ còn lại cùng nhà đầu tư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. 
 
Phía chủ đầu tư đo đạc, ghi nhận thiệt hại để bồi thường cho người dân
Phía chủ đầu tư đo đạc, ghi nhận thiệt hại để bồi thường cho người dân
 
Trao đổi vụ việc với đơn vị chủ đầu tư và được Phó Giám đốc Công ty CP Nha Trang - Đà Lạt Đinh Quốc Hùng, xác nhận: Trong quá trình thi công đã gây ra một số sự cố sụt lún, nứt nhà dân; doanh nghiệp cũng đã nỗ lực tập trung khắc phục, gia cố và thương lượng đền bù. Tuy nhiên, đây không phải là “sự cố” xây dựng, vì chủ đầu tư và đơn vị thi công xác định từ đầu sẽ có ảnh hưởng nên đã làm việc với người dân trước khi khởi công xây dựng công trình. Riêng việc khắc phục, đến nay đã bồi thường cho 9/19 hộ (một hộ có đơn phản ánh nhưng không đòi bồi thường, doanh nghiệp vẫn tiến hành sửa chữa và họ đã hài lòng), 2 hộ khác cơ bản thống nhất, những hộ còn lại đang tiếp tục nỗ lực để bồi thường và khắc phục sự cố.
 
Cũng theo ông Hùng, qua làm việc giữa các hộ dân với nhà đầu tư, chính quyền, nếu hai bên không thương thảo được thì mời đơn vị giám định độc lập theo quy định pháp luật. Đến thời điểm này, đã đền bù cho 9 hộ với gần 2 tỷ đồng, số tính toán ban đầu 19 hộ do đơn vị giám định đưa ra là khoảng 1,1 tỷ đồng. Nếu nhà nào không ảnh hưởng kết cấu chịu lực thì bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, nhiều công trình định giá khoảng 600 - 700 triệu đồng, nhưng họ đưa ra con số 6 - 7 tỷ đồng. Với tổng 19 hộ gần 20 tỷ đồng, làm mới toàn bộ, doanh nghiệp cảm thấy không hợp lý, nên không thể đền bù.
 
“Do mùa mưa đang đến gần, dự án nằm ở vùng trũng, địa chất bùn lầy nhiều; các nhà dân lân cận chủ yếu là nhà cấp 4, xây dựng đã lâu năm; hệ thống tường vây dự án cần được gia cố khẩn cấp để tránh các yếu tố bất lợi. Mong muốn chính quyền các cấp cho phép doanh nghiệp tiếp tục gia cố tường vây để bảo đảm an toàn tính mạng cũng như tài sản của các hộ dân và doanh nghiệp. Đồng thời, kết thúc nhanh công tác đền bù để tiếp tục thi công kịp tiến độ” - ông Hùng cho biết thêm.
 
Theo đại diện chủ đầu tư, khó khăn lớn nhất trong công tác bồi thường còn lại là một số công trình của người dân theo đánh giá của chủ đầu tư và đơn vị giám định có thể khắc phục, sửa chữa được, nhưng nguyện vọng của người dân là muốn đập đi xây mới, mà chi phí của người dân đưa ra khá cao cho nên chưa đi đến thống nhất được. Nếu mùa mưa đến mà không hoàn thiện tường vây sẽ gây mất an toàn ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, nhà thầu.
 
Trong khi chưa chưa tìm được tiếng nói chung, hàng chục hộ dân sống cạnh công trình Trung tâm trưng bày, mua bán cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn toàn cầu của Toyota vẫn ngày đêm thấp thỏm, âu lo vì mùa mưa đã đến rất gần.
 
UBND TP Đà Lạt đã có văn bản chỉ đạo UBND Phường 10 phối hợp cùng các đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục sự cố sụt lún, nứt tường nhà, đường, sân, kè tại khu vực các công trình giáp với Trung tâm trưng bày, mua bán cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn toàn cầu của Toyota. Thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, cảnh báo, thông báo, di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.
 
THỤY TRANG