Thuốc lá điện tử, hiểm họa đánh lừa thị giác

05:04, 14/04/2021

Mùi vị hấp dẫn, sự đắt đỏ về giá cả, được một bộ phận mặc định xem là phong cách để tạo gu thẩm mỹ, thuốc lá điện tử, Shisha hương liệu trong những năm gần đây, gần như đã tạo ra một trào lưu của giới trẻ...

Mùi vị hấp dẫn, sự đắt đỏ về giá cả, được một bộ phận mặc định xem là phong cách để tạo gu thẩm mỹ, thuốc lá điện tử (TLĐT), Shisha hương liệu trong những năm gần đây, gần như đã tạo ra một trào lưu của giới trẻ. Phía sau những hấp lực ấy, TLĐT còn mang đến những hiểm họa khôn lường gấp nhiều lần so với thuốc lá thông thường.
 
Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá (GATS 2015), Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45,3%. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Cũng theo điều tra của GATS, năm 2015 người Việt Nam phải chi đến 31 ngàn tỷ mỗi năm cho việc mua thuốc lá; chi phí điều trị mới chỉ cho 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là 24 ngàn tỷ mỗi năm.
 
Với các sản phẩm thuốc lá thông thường, đa phần có chứa nicotine (một chất gây nghiện cao), độc tố gây ra các bệnh về tim mạch, hô hấp và tiêu hóa, sử dụng quá liều sẽ gây ra ngộ độc. Nicotine đồng thời cũng gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, thanh thiếu niên, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kỳ, gây ra sinh non và thai lưu.
 
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, ngoài việc có chứa Nicotine, trong dung dịch TLĐT còn có chứa các thành phần: Glycerin, Propylene glycol - một chất gây ung thư khi được đun nóng, hóa hơi. Với riêng Shisha, thành phần của loại thuốc “thời thượng” này còn rất đa dạng: Có loại chỉ bao gồm thành phần thuốc lá thô và mật đường lên men; có những loại ngoài thành phần là mật ong, thảo dược còn pha trộn thêm các loại phụ gia, hương liệu tạo hương vị. Thậm chí, trong quá trình sử dụng, Shisha có thể bị phối trộn thêm các loại ma túy. Theo WHO và Liên minh phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, bên cạnh tác hại như thuốc lá thông thường, việc sử dụng Shisha có thể gây ngộ độc khí Carbon monoxide và tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm do ngậm chung ống hút và là một trong những nguyên nhân chính làm tăng tình trạng nghiện ma túy trong tầng lớp thanh thiếu niên.
 
Hiện nay, tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm TLĐT và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ nói chung đang có nhiều diễn biến phức tạp và nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng điều tra, phát hiện xử lý.
 
Theo WHO, thế giới chưa có bằng chứng TLĐT giúp cai thuốc mà ngược lại, bởi những người sử dụng TLĐT có nhiều khả năng sẽ hút thuốc lá thông thường và những người hút thuốc lá thông thường cũng nhiều khả năng chuyển sang hút TLĐT hơn những người không hút thuốc lá.
 
Theo nghiên cứu, tại Việt Nam, nếu như, năm 2015 tỷ lệ hút TLĐT là 1,1% chỉ chiếm 0,2% trong số người hiện đang sử dụng thuốc lá truyền thống thì đến năm 2019, chỉ tính riêng đối tượng học sinh (13 - 17 tuổi) đã chiếm tới 2,6%. Tỷ lệ người hút TLĐT tại Việt Nam có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá và đặc biệt nằm ở giới trẻ.
 
Không chỉ tác hại trực tiếp đến sức khỏe con người, TLĐT còn có những ảnh hưởng, tác hại nghiêm trọng đến xã hội, môi trường. TLĐT có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là việc sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác. Ngoài ra, TLĐT cũng gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn. 
 
Bên ngoài các hệ quả kể trên, việc cho phép sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, như TLĐT sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược chung của quốc gia khi hướng đến việc: “Giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra”. Và cũng không quá khó khi nhận thấy, việc cho phép các sản phẩm mới như TLĐT không hề phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Điều 15 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định rõ: “In cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích các mặt trưng bày chính của bao thuốc”; dán tem hoặc in mã số, mã vạch; ghi rõ số lượng điếu đối với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật chưa điều chỉnh với TLĐT và thuốc lá làm nóng nên chưa thể áp dụng các quy định hiện hành cho hai sản phẩm.
 
Và đặc biệt, ở khía cạnh ngân sách, nhà nước không có lợi ích gì trong việc thu thuế các sản phẩm thuốc lá mới. Đơn giản, bởi hiện nay Việt Nam không sản xuất các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nên việc cho phép nhập khẩu các sản phẩm này chỉ làm lợi cho các công ty thuốc lá nước ngoài. Tổ chức Hải quan quốc tế xếp TLĐT không chứa nicotine vào chương hóa chất nên không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc chỉ ở mức thuế thấp, trong khi bộ phận điện tử của TLĐT lại có chi phí và giá thành cao, nếu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây thất thu cho ngân sách.
 
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra nhiều tác hại về xã hội, kinh tế lẫn môi trường. Bản chất sản phẩm này vẫn lệ thuộc vào chất gây nghiện nicotine. Các tác động có hại đến sức khỏe con người cũng như hệ lụy xã hội do TLĐT gây ra không hề thấp hơn (mà ngược lại) so với thuốc lá truyền thống. TLĐT và thuốc lá làm nóng cũng ảnh hưởng xấu tới giới trẻ, dẫn đến nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích nguy hại khác. 
 
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần phải có những kế hoạch dài hơi, không chỉ là phòng ngừa, mà còn quyết liệt không cho phép thí điểm các sản phẩm TLĐT ở Việt Nam, trước khi quá muộn để gánh chịu những hậu quả.
 
LINH ĐAN