Nỗ lực của ngành Y tế Lâm Đồng trong xử lý chất thải nguy hại

05:05, 11/05/2021

Ngành Y tế Lâm Đồng đang có những nỗ lực không nhỏ trong xử lý chất thải y tế nhiều năm nay, trong đó có việc xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm nguy hại.

Ngành Y tế Lâm Đồng đang có những nỗ lực không nhỏ trong xử lý chất thải y tế nhiều năm nay, trong đó có việc xử lý toàn bộ chất thải lây nhiễm nguy hại.
 
Hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng ở Đà Lạt
Hệ thống xử lý nước thải tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng ở Đà Lạt
 
Phân loại tại nguồn
 
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 7 đơn vị y tế tuyến tỉnh, 12 trung tâm y tế huyện thành phố, 22 phòng khám đa khoa khu vực trong đó có 15 phòng khám đa khoa lồng ghép với trạm y tế, 1 nhà hộ sinh và 142 trạm y tế xã, phường. Toàn bộ hệ thống này trong hoạt động đều có phát sinh chất thải y tế hằng ngày. Như trong năm 2020, toàn ngành Y tế Lâm Đồng đã thải ra tổng cộng 1.125 tấn rác thải y tế. 
 
Trong số rác thải y tế trên, có trên 938 tấn rác thải y tế thông thường, 7,5 tấn rác thải nguy hại không lây nhiễm và còn lại trên 179 tấn rác thải nguy hại lây nhiễm.
 
Nếu tính riêng cho lượng rác thải trên, số rác thải từ 6 bệnh viện công lập của tỉnh chiếm nhiều nhất với trên 641 tấn rác thải thông thường; hơn 113,7 tấn rác thải lây nhiễm và 0,5 tấn rác thải nguy hại không lây nhiễm. Phần còn lại chủ yếu đến từ các trung tâm y tế của 12 huyện, thành trong tỉnh, gồm trên 293 tấn rác thải thông thường và trên 64,5 tấn rác thải nguy hại.
 
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, điều đáng nói, toàn bộ số rác thải y tế này, cả rác thải y tế thông thường lẫn rác thải y tế nguy hại, đã và đang được toàn ngành kiểm soát rất tốt.
 
Ông Trần Ngọc Trung, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, trong nhiều năm nay ngành đã tổ chức, hướng dẫn và định kỳ kiểm tra công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của liên Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường.
 
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên trong ngành từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã, phường về phân loại rác thải y tế tại nguồn, yêu cầu thực hiện tốt việc phân loại, quản lý và kiểm soát rác thải y tế theo quy định, nhất là rác thải y tế nguy hại” - ông Trung nói. 
 
Với rác thải y tế nguy hại như chất thải phóng xạ của Khoa Y học Hạt nhân, dù lượng không đáng kể, chủ yếu là I.131 và P.32 sau khi dùng được ngành gửi trả lại cho Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt xử lý.
 
Với những vật cứng sắc nhọn như kim tiêm, dao phẫu thuật, do một số đơn vị không đủ kinh phí để trang bị thùng đựng vật sắc nhọn theo quy chuẩn nên dùng hộp cứng hay chai để đựng, khi đầy đến 3/4 chai được đậy nắp và chuyển tới nơi tập trung. Chai đựng vật sắc nhọn được dán nhãn màu vàng, có ghi “không đựng quá vạch này” và có biểu tượng nguy hại sinh học.
 
Với chất thải nguy hại không lây nhiễm được các cơ sở tập trung về một khu vực dành riêng, định kỳ hợp đồng với các đơn vị có tư cách pháp nhân để vận chuyển và xử lý. 
 
Không chỉ phân loại tại nguồn theo quy định mà nhiều đơn vị hiện nay theo ông Trung cũng đang làm tốt công tác lưu giữ tại nguồn. Theo quy định, chất thải y tế có tính lây nhiễm lưu giữ tối đa không quá 72 giờ, hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đến nay đều có nhà lưu giữ rác y tế tạm thời trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, những nhà lưu giữ này đều có trang bị máy điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, như ông Trung cho biết vẫn còn một số cơ sở để chất thải có tính nguy hại không đúng với dụng cụ, thiết bị thu gom theo quy định hoặc có lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường hay chất thải nguy hại khác loại.
 
Xử lý toàn bộ chất thải y tế nguy hại
 
Bên cạnh đó, rác thải y tế thông thường, các cơ sở y tế trên 2 địa bàn thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc đến nay đã hợp đồng với đơn vị chức năng tại địa phương để thu gom, vận chuyển và xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung của thành phố. Các cơ sở tuyến huyện hợp đồng với các đơn vị chức năng tại huyện để thu gom và xử lý theo hình thức chôn lấp tại bãi rác của huyện. Riêng đối với lượng chất thải rắn y tế nguy hại, theo ông Trung, toàn bộ đều được thu gom và xử lý đúng qui định. Cụ thể, 7/7 bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị của thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc để thu gom và xử lý tập trung.
 
Còn tại các trung tâm y tế tuyến huyện, đã có 8/12 phòng khám đa khoa và trung tâm đầu tư, đưa vào hoạt động lò đốt chất thải rắn y tế, các lò đốt này đang hoạt động tốt, chỉ duy nhất có 1 lò đốt tại Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên xuống cấp cần được đầu tư trở lại. Một số trung tâm y tế các huyện như Đức Trọng, Bảo Lâm và Đạ Tẻh xử lý bằng thiết bị hấp và nghiền hấp. Các trung tâm còn lại hợp đồng với Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc thu gom, vận chuyển và xử lý tập trung. Các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế xã, phường, thị trấn, các đơn vị này thu gom và vận chuyển rác thải y tế nguy hại về trung tâm y tế huyện để xử lý tập trung.
 
Theo đó, trong năm 2020, với hơn 113,7 tấn rác thải nguy hại trên, ngành Y tế Lâm Đồng đã thu gom và xử lý toàn bộ đúng theo quy định. 
 
Mặt khác, đến nay 7/7 bệnh viện tuyến tỉnh 11/12 trung tâm y tế huyện, thành đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng và đều được áp dụng công nghệ xử lý sinh học, được khử trùng đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường. Chỉ duy nhất hiện nay Trung tâm Y tế Bảo Lộc vẫn chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng này.
 
Hiện tại, tất cả các phòng khám đa khoa khu vực cùng các trạm y tế xã phường, thị trấn đều đã có hầm tự hoại để xử lý nước thải. 
 
Theo ông Trung, việc quản lý chất thải y tế trong đó có rác thải nguy hại luôn được ngành coi là một nhiệm vụ trọng tâm, luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. “Không thể chủ quan. Chúng tôi chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, yêu cầu các đơn vị quản lý tốt, đặc biệt là lượng chất thải y tế có liên quan đến dịch bệnh COVID-19, tăng cường kiểm soát chặt chẽ lượng rác thải, nước thải từ các cơ sở y tế này, tuyệt đối không để lây nhiễm ra cộng đồng” - ông Trung khẳng định.
 
Riêng với các cơ sở và các trạm y tế tuyến xã, ông Trung cho biết, sắp đến ngành đang lên chương trình đầu tư thay thế các bể tự hoại xử lý nước thải y tế lâu nay bằng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn, trung bình mỗi công trình như thế cho mỗi trạm cũng tốn khoảng 100 triệu đồng.
 
VIẾT TRỌNG