Đạ Tẻh: Chủ động phòng, chống ngã đổ cây trồng

05:08, 02/08/2021

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên mấy năm gần đây diễn biến thời tiết trên địa bàn huyện Đạ Tẻh rất phức tạp, khó lường...

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên mấy năm gần đây diễn biến thời tiết trên địa bàn huyện Đạ Tẻh rất phức tạp, khó lường; thường xảy ra nhiều cơn mưa trái mùa kèm theo gió lớn, lốc xoáy với cường độ mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là các hộ chuyên canh cây ăn trái. 
 
Trong năm 2020, giông tố, lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng nề cho 15,05 ha cây công nghiệp và cây ăn quả (8 - 10 năm tuổi) huyện Đạ Tẻh bị đổ gãy, rụng trái và giảm năng suất trên 30%
Trong năm 2020, giông tố, lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng nề cho 15,05 ha cây công nghiệp và cây ăn quả (8 - 10 năm tuổi) huyện Đạ Tẻh bị đổ gãy, rụng trái và giảm năng suất trên 30%
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, hiện nay, trồng cây ăn trái đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Chính vì vậy, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, diện tích cây ăn trái đang tăng rất nhanh. Tuy nhiên, cứ vào thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa, hoặc do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới là trên địa bàn huyện lại xảy ra hiện tượng gió giật kèm giông lốc, khiến nhiều nhà vườn phải gánh chịu thiệt hại khi nhiều vườn cây ăn trái bị bật gốc, gãy đổ, rụng trái xanh hàng loạt. Thiệt hại nặng nề nhất là các vườn có sầu riêng sắp đến kỳ thu hoạch.
 
Một số khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi giông lốc, gió giật mạnh như: Khu vực thôn Tố Lan, xã An Nhơn; Tổ dân phố 9, 10 thị trấn Đạ Tẻh; Thôn 7, xã Quảng Trị và một số thôn ở xã Triệu Hải, Đạ Lây, Đạ Kho... Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND huyện Đạ Tẻh đã triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống, chủ động chống ngã đổ cây trồng cho người dân. 
 
Kể từ năm 2015, khi thực hiện chuyển đổi gần 5 ha điều sang canh tác cây sầu riêng, cứ mỗi thời điểm giao mùa cuối mùa khô, đầu mùa mưa là gia đình anh Nguyễn Văn Huynh (Thôn 9, xã Đạ Kho) lại thấp thỏm nỗi lo giông lốc, gió giật làm bật gốc, gãy cành hay rụng trái hàng loạt sầu riêng. 
 
Theo anh Huynh, vườn sầu riêng 6 năm tuổi của anh được trồng trên một quả đồi có độ dốc khá cao, nguy cơ bị giông lốc, gió giật làm ngã đổ sầu riêng là rất lớn. Do đó, để hạn chế sức gió, ngoài việc trồng thêm một số loại cây giúp chắn gió tốt như: mít, muồng đen, anh Huynh cũng chủ động giữ lại một số cây điều có tán rộng để tạo thành hàng rào bao quanh vườn.
 
Theo anh Huynh, đối với cây sầu riêng, chỉ nên để một thân chính, hạn chế các thân phụ (cành vượt) bởi các cành vượt dễ bị gãy ở vị trí giao với thân chính, nếu những cành này bị gãy sẽ tạo thương tổn cho cây và rất khó phục hồi. Căn cứ vào sức cây để nuôi giữ lượng trái hợp lý, tránh để quá nhiều trái làm cây suy yếu, mất cân bằng, dễ đổ ngã, gãy cành, rụng trái. Vào mùa mưa bão, cần chủ động giằng néo, chống đỡ thân cành quả chắc chắn.
 
Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết: Trong các loại cây ăn trái thì cây sầu riêng là cây trồng dễ bị ảnh hưởng bởi các thời tiết cực đoan như giông lốc, gió giật, khiến nhiều nhà vườn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Theo số liệu thống kê, hiện toàn huyện Đạ Tẻh có gần 1.000 ha sầu riêng; trong đó, phần lớn diện tích được người dân chuyển đổi từ cây điều sang, nhiều nơi có độ dốc canh tác rất cao. 
 
Thống kê cho thấy, riêng trong năm 2020, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã xảy ra 4 đợt giông tố, lốc xoáy có cường độ mạnh kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho 15,05 ha cây công nghiệp và cây ăn quả (8 - 10 năm tuổi) bị đổ gãy, rụng trái và giảm năng suất trên 30%.
 
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, chống ngã đổ cho cây công nghiệp, cây ăn quả, hàng năm, Phòng Nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân, nhằm trang bị các kiến thức, cũng như chuẩn bị tốt các tình huống để ứng phó và chủ động khắc phục sau thiên tai. 
 
Để công tác phòng, chống ngã đổ cho cây trồng đạt hiệu quả cao, Phòng Nông nghiệp huyện yêu cầu người dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật do Cục Trồng trọt khuyến cáo như: Cắt tỉa để cây được thông thoáng, cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ. Chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng, chú ý nên dùng ruột hay vỏ xe quấn xung quanh trước khi buộc dây, để tránh gây hư hại vỏ thân cây hoặc cành; mở các dây kẽm ngay sau mưa bão. Những diện tích cây trồng đang mang trái, nếu đã đến thời kỳ thu hoạch, cần chủ động thu sớm khi có những cảnh báo của cơ quan khí tượng, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái...
 
“Đối với một số khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi giông lốc, gió giật mạnh, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương các xã trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng một cách hợp lý, nhằm giảm thiểu tối đa tác hại do thiên tai gây ra” - ông Tiện cho hay.
 
HOÀNG SA