Di Linh: Chăn nuôi bò sữa VietGAHP

05:09, 20/09/2021

So với các địa phương khác, chăn nuôi bò sữa ở huyện Di Linh xuất hiện muộn hơn trên "bản đồ" bò sữa ở vùng đất Nam Tây Nguyên...

So với các địa phương khác, chăn nuôi bò sữa ở huyện Di Linh xuất hiện muộn hơn trên “bản đồ” bò sữa ở vùng đất Nam Tây Nguyên. Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi này, nông dân trong huyện đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp xây dựng mô hình Chăn nuôi bò sữa áp dụng VietGAHP. Nhờ đó, chất lượng sữa được cải thiện đáng kể, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập.
 
Nhiều nông dân ở Di Linh đã áp dụng chăn nuôi bò sữa theo hướng VietGAHP
Nhiều nông dân ở Di Linh đã áp dụng chăn nuôi bò sữa theo hướng VietGAHP
 
Di Linh có tiềm năng về đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển bò sữa nên là một trong 6 huyện, thành phố được quy hoạch phát triển bò sữa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh. 
 
Ông Đỗ Xuân Hoài, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa xã Đinh Lạc là một trong những hộ nông dân tiên phong trong chăn nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAHP. Ngay từ khi bắt đầu triển khai mở rộng mô hình chăn nuôi lớn, ông đã quy hoạch chuồng trại với đầy đủ hệ thống bao gồm: các thiết bị vắt sữa, máy làm sạch chuồng và tắm cho bò sữa sạch sẽ, thoáng mát... Do vậy, khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAHP trong chăn nuôi bò sữa, gia đình ông Hoài chỉ bỏ thêm ít tiền để thiết kế lại hệ thống vệ sinh hầm biogas, hố ủ phân, còn các yếu tố kỹ thuật khác như dinh dưỡng, chăm sóc cho đàn bò sữa, gia đình ông đều đạt tiêu chuẩn.
 
Đến nay, đàn bò sữa của gia đình ông đã đạt gần 50 con, mỗi tháng cho doanh thu hàng trăm triệu đồng, trong đó lãi ròng 40%. Ông chia sẻ: “Thực ra khi chưa có VietGAHP thì chúng tôi cũng đã đảm bảo gần như mọi tiêu chuẩn trong chăn nuôi. Nhiều năm nay, việc chăn nuôi sạch đối với tất cả các hộ nuôi bò tại HTX, từ quy trình chăm sóc đàn bò sữa cho đến chế độ dinh dưỡng... đều được định hướng bởi Doanh nghiệp thu mua sữa là Công ty Vinamilk. Vì thế, khi áp dụng tiêu chuẩn này vào, chúng tôi không bỡ ngỡ. Với việc áp dụng VietGAHP, sữa tươi của gia đình tôi luôn đạt loại 1, được thu mua với giá cao. Sữa đạt chất lượng, mỗi năm công ty thưởng thêm tiền, gia đình tôi cũng được hơn 50 triệu đồng”.
 
Tương tự, ông Lê Quốc Hải (xã Đinh Lạc) cho biết, khi chăn nuôi theo hướng VietGAHP, hằng tháng Công ty Vinamilk đều cử một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra hộ chăn nuôi về các điều kiện chăn nuôi, sau đó chấm điểm đánh giá phân loại các hộ. Theo ông Hải, lợi ích lớn nhất từ việc áp dụng VietGAHP trong chăn nuôi bò sữa là tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, ngăn ngừa và hạn chế các rủi ro từ mối nguy cơ gây ô nhiễm, đảm bảo tính minh bạch, truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm. Hiện gia đình ông nuôi 14 con bò cho vắt sữa, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình cũng thu về 30 triệu đồng/tháng, đồng thời được công ty thưởng 200 đồng/lít sữa đạt chất lượng.
 
Theo các hộ chăn nuôi bò sữa, trong thực hành VietGAHP các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn từ quy trình chăn nuôi, chế biến thức ăn đến khâu vắt sữa, vận chuyển sữa đến điểm thu mua được người nuôi bò sữa chú trọng lên rất nhiều. Không chỉ trang trại của ông Hoài, ông Hải, nhiều năm trở lại đây, 15 thành viên của HTX Chăn nuôi Bò sữa Đinh Lạc, với 330 con cung cấp sản lượng 3,5 tấn sữa/ngày cho Trạm sữa Vinamilk tại xã Đinh Lạc đều áp dụng tốt tiêu chuẩn theo hướng VietGAHP. 
 
Ông Đặng Văn Khá, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Di Linh cho biết, tốc độ phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện khá nhanh và đạt được nhiều kết quả nổi bật: tổng đàn bò sữa toàn huyện hiện nay đạt khoảng 1.000 con, tăng gần 900 con so với đầu năm 2016, với 36 hộ nuôi, 1 trang trại bò sữa vinamilk (Trang trại 3 Ogarnic Di Linh với 269 con), sản lượng sữa cung cấp bình quân/ngày đạt gần 5.000 kg sữa tươi, 100% số hộ chăn nuôi ở Di Linh đều đã có quy trình chăn nuôi và sản xuất khép kín, đồng bộ. 
 
Theo ông Khá, chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAHP là phương thức chăn nuôi mà nhiều địa phương sẽ hướng đến nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển các mô hình chăn nuôi bò đảm bảo an toàn sinh học và đảm bảo truy xuất rõ nguồn gốc. Từng bước hạn chế dần tình trạng chăn nuôi mang tính tự phát, nhỏ lẻ; phát triển chăn nuôi bò thành một ngành nghề ổn định và tạo được sinh kế bền vững cho người nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng VietGAHP đối với mô hình chăn nuôi lớn gặp khó khăn do việc đầu tư mở rộng, xây trang trại theo đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn cần nguồn vốn lớn. Hầu hết các trang trại được xây dựng khá lâu, việc đầu tư mở rộng không đồng bộ, một số chỉ tiêu đánh giá còn nhiều bất cập, rãnh thoát nước giữa các chuồng, hệ thống xử lý rác thải, khử trùng đối với người, phương tiện ra vào trang trại chưa được thực hiện triệt để khiến công tác kiểm tra đánh giá các tiêu chí mất nhiều thời gian. 
 
Thời gian tới, Huyện Di Linh tiếp tục hỗ trợ vốn đối với các hộ muốn mở rộng quy mô đàn bò; xây dựng và hoàn thiện phần mềm về quản lý đàn, quản lý dịch bệnh để có hồ sơ đầy đủ, bảo đảm truy nguyên nguồn gốc. Sự phát triển bền vững của mỗi hộ chăn nuôi chính là bảo đảm cho sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò sữa của huyện.
 
HOÀNG YÊN