Gia cố hồ đập, sẵn sàng tích nước

05:09, 06/09/2021

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Lâm Đồng sẽ bước vào mùa mưa bão...

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Lâm Đồng sẽ bước vào mùa mưa bão. Việc gia cố hồ đập, đảm bảo an toàn trong mùa mưa, lũ cũng như sẵn sàng tích nước được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị khẩn trương hoàn thành, để có thể chứa tối đa lượng nước về hồ, dự trữ phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
 
Hồ chứa nước Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh đang vận hành theo hồ sơ thiết kế, sẵn sàng tích nước dự trữ, phục vụ sản xuất
Hồ chứa nước Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh đang vận hành theo hồ sơ thiết kế, sẵn sàng tích nước dự trữ, phục vụ sản xuất
 
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 430 công trình thủy lợi. Trong đó, có 220 hồ chứa, 87 công trình dâng nước, 19 trạm bơm, 92 đập tạm và 12 kênh tiêu, cùng với khoảng 1.200 km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 43.000 ha đất canh tác. Trong số 220 hồ chứa có 32 công trình lớn, 60 công trình vừa và 128 công trình nhỏ. Hiện, các đơn vị quản lý cấp tỉnh quản lý 58 công trình, cấp huyện quản lý 369 công trình. Ngoài ra, còn có 3 công trình do doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng và quản lý vận hành.
 
Tuy nhiên, phần lớn các hồ đập trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu, do hạn chế về kỹ thuật và nguồn vốn nên không được đầu tư xây dựng đồng bộ, kiên cố và qua thời gian sử dụng lâu dài nên nhiều công trình đã bị hư hỏng xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Qua rà soát, tổng hợp, toàn tỉnh hiện có 58 công trình hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp tại nhiều hạng mục khác nhau; trong số đó có 9 công trình đã bố trí vốn để sửa chữa và đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, có 49 công trình chưa được phân bổ vốn.
 
Ông Nguyễn Hà Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng cho biết: Để đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng và tảài sản của người dân phía hạ lưu công trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng đã đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để sửa chữa nâng cấp công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nâng cao năng lực quản lý vận hành công trình cho các tổ chức và cá nhân. 
 
Cụ thể, hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa đối với 49 hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ cao mất an toàn với tổng kinh phí đề xuất là 636,3 tỷ đồng. Hỗ trợ kinh phí để thực hiện Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 2243 của tỉnh Lâm Đồng với tổng kinh phí là 119,81 tỷ đồng. 
 
Theo ông Nguyễn Hà Lộc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trước mùa mưa, lũ đang đến gần, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, hàng năm, Chi cục Thủy lợi cũng đã phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa và lập phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
 
Đối với công trình đang trong giai đoạn khai thác, vận hành, đơn vị đã thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước 57 công trình; lập quy trình vận hành 38 công trình (trong đó có 2 công trình có cửa van); cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước 35 công trình; xây dựng phương án bảo vệ hồ đập 19 công trình, phương án ứng phó thiên tai 52 công trình, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp 6 công trình; kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước 50 công trình và cùng với các nội dung khác theo quy định. 
 
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện đang có 11 công trình đang trong giai đoạn xây dựng, nâng cấp lớn gồm: hồ Đạ Sị, hồ Ma Am, 9 dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập. Do đó, vấn đề an toàn đập, hồ chứa đối với các công trình đang thi công trong mùa mưa, lũ cũng đang được các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu đặc biệt quan tâm. 
 
Đơn cử, tại công trình hồ chứa nước Đạ Sị, huyện Cát Tiên, đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu đã triển khai thi công xây dựng được khoảng 86% khối lượng. Đơn vị nhà thầu đã thực hiện lập quy trình vận hành, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình và lắp đặt hệ thống quan trắc tự động SCADA. 
 
Còn đối với dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập, Sở NN&PTNT tỉnh cũng đã thẩm định Quy trình vận hành theo hồ sơ thiết kế, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp của các nhà thầu tại các công trình như hồ Lộc Thắng, hồ chứa nước Ma Am...
 
Mặt khác, các cơ quan, đơn vị cùng các địa phương đã rà soát toàn bộ nguồn nhân lực được giao thực hiện nhiệm vụ vận hành các công trình đập, hồ chứa nước; đối chiếu, đảm bảo năng lực của cán bộ quản lý, vận hành công trình phải phù hợp với quy định hiện hành. Đồng thời, khẩn trương củng cố, kiện toàn nhân lực sẵn sàng tham gia ứng cứu, cứu hộ, ứng phó với sự cố gây mất an toàn đập, hồ chứa nước trong mùa mưa bão năm 2021 vừa đảm bảo đầy đủ về số lượng, năng lực theo quy định, vừa tương ứng, phù hợp với từng tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19, đảm bảo chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống.
 
HOÀNG SA