Lạc Dương: Chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão

06:09, 10/09/2021

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai trên địa bàn huyện Lạc Dương ngày càng diễn biến khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản...

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai trên địa bàn huyện Lạc Dương ngày càng diễn biến khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bước vào mùa mưa bão năm 2021, huyện Lạc Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
 
Khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Đạ Nghịt, xã Lát thường xuyên bị đe dọa bởi ngập lụt và lũ quét
Khu vực sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Đạ Nghịt, xã Lát thường xuyên bị đe dọa bởi ngập lụt và lũ quét
 
Lạc Dương là huyện có địa hình nhiều đồi núi, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, nhiều dãy núi cao, hình thành nhiều dãy đất hẹp, thiên tai lũ lụt thường xuyên xảy ra. Trong đó, địa hình núi cao có độ dốc lớn trên 20 độ, có độ cao từ 1.500 - 2.200 m, chiếm diện tích khoảng 80 - 85% toàn huyện với chủ yếu là rừng đầu nguồn. Dạng địa hình đồi núi thấp đến trung bình có độ cao trung bình 1.500 m, chiếm từ 8 - 10%. Dạng địa hình thung lũng chiếm diện tích từ 2 - 3% tổng diện tích toàn huyện, phân bổ ở ven các sông, suối lớn. Tuy nhiên, đây lại là nơi thường xuyên hứng chịu các trận ngập lụt, lũ quét nghiêm trọng như: khu vực thôn Đưng K’Si, Long Lanh (xã Đa Chais); khu vực Đa Đuem 1, 2 (xã Đa Sar); tổ dân phố Đồng Tâm, Đan Kia (thị trấn Lạc Dương); thôn Păng Tiêng, Đạ Nghịt (xã Lát); thôn Lán Tranh, Đưng Trang (xã Đưng K’Nớ). 
 
Năm 2021, dự báo thời tiết sẽ có diễn biến phức tạp, mưa, bão, lũ ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nguy cơ có thể đe dọa đến sự an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân; đặc biệt, huyện Lạc Dương là huyện vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Để chủ động trong công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, ngay từ đầu năm, huyện Lạc Dương đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ở từng đơn vị, địa phương; xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
 
Ông Hoàng Xuân Hải, Phó Trưởng Ban PCTT&TKCN huyện Lạc Dương cho biết: Trên địa bàn huyện hiện đang có hai hệ thống sông chính, phía Bắc có sông Krông Nô, phía Đông có sông Đa Nhim. Ngoài ra, còn có rất nhiều hệ thống suối và hồ, đập thủy điện, thủy lợi có dung tích lớn như: hồ Suối vàng, Đạ Khai. Bên cạnh đó, toàn huyện có 3 công trình thủy lợi nhỏ với tổng dung tích 500.000 m3. 
 
Trước mùa mưa bão, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các hồ đập, các điểm trọng yếu có nguy cơ sạt lở, ngập úng. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình kênh mương, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các tuyến đường giao thông, những khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở… bằng các giải pháp như nạo vét, khơi thông dòng chảy tránh tình trạng ngập lụt gây ảnh hưởng đến công trình. 
 
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ trụ sở các cơ quan, đơn vị và các khu vực dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt… để có biện pháp cảnh báo, di dời người dân đến nơi an toàn. Thực hiện chặt hạ, tỉa cành, mé nhánh những cây có nguy cơ ngã đổ trên các tuyến đường giao thông, khu dân cư tập trung, trụ sở các cơ quan, trường học. 
 
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho Nhân dân thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; các phương pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với một số loại tình huống khi có thiên tai xảy ra để người dân chủ động thực hiện đã được các cấp, ngành chức năng của huyện thực hiện. 
 
Ngoài ra, UBND huyện Lạc Dương cũng đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc, vật tư sẵn sàng ứng phó khắc phục sự cố sạt lở đất, bảo đảm cho các tuyến đường giao thông luôn thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại cho Nhân dân. Thực hiện cắm biển cảnh báo tại các khu vực xung yếu, khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt… để người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh. 
 
Theo ông Hoàng Xuân Hải, từ các nguồn kinh phí huy động, UBND huyện đã tiến hành mua sắm thêm các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn mới như phao tròn, áo phao cứu sinh, phao bè loại nhẹ, các bộ nhà bạt rộng 16,5 m2 đảm bảo chất lượng phục vụ công tác PCTT& TKCN… Ngoài ra, các đơn vị như: Phòng Kinh tế - Hạ tầng, ngành Y tế huyện cũng đã xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo đầy đủ lương thực, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu để kịp thời phục vụ nhu cầu người dân khi có tình huống ngập lụt cục bộ xảy ra.
 
Hiện Lạc Dương đang bước vào cao điểm của mùa mưa, do đó UBND huyện đã phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, ngành chức năng tổ chức lực lượng trực ban 24/24 giờ, theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của thiên tai, cập nhật đầy đủ số liệu tình hình thời tiết, thiên tai. Thông tin kịp thời đến địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai có biện pháp chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ và 3 sẵn sàng” . 
 
Các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn như quân đội, công an trên địa bàn huyện cũng đã sẵn sàng lực lượng xung kích, đảm bảo việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn, xử lý kịp thời các tình huống thiên tai khẩn cấp xảy ra trên địa bàn, đảm bảo tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
 
HOÀNG SA