Tơ tằm OCOP 4 sao xuất khẩu

05:09, 15/09/2021

Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân (huyện Đạ Tẻh) đang có thị trường rộng mở ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc nhờ xây dựng sản phẩm tơ tằm đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Từ đó, mở ra cơ hội cho tơ tằm Đạ Tẻh phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân (huyện Đạ Tẻh) đang có thị trường rộng mở ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc nhờ xây dựng sản phẩm tơ tằm đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Từ đó, mở ra cơ hội cho tơ tằm Đạ Tẻh phát triển thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
 
Sản phẩm tơ tằm của Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân đạt sản phẩm OCOP 4 sao
Sản phẩm tơ tằm của Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân đạt sản phẩm OCOP 4 sao
 
Trong hơn 10 năm trở lại đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Ðạ Tẻh đã và đang khôi phục, phát triển mạnh mẽ cả về diện tích cũng như số hộ trồng dâu nuôi tằm. Do đó, việc huyện đẩy mạnh chế biến sản phẩm kén tằm để nâng cao giá trị thu nhập cho người dân là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát như hiện nay. 
 
Ông Nguyễn Đình Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân chia sẻ: Được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với nghề trồng dâu nuôi tằm, vì vậy, việc phát triển nghề này giúp cho người dân ở Đạ Tẻh xóa đói giảm nghèo nhanh và làm giàu. Tuy nhiên, sản phẩm kén tằm của người nông dân làm ra tiêu thụ trên thị trường trôi nổi không ổn định, chủ yếu bán cho tư thương bị ép giá nên họ không mạnh dạn đầu tư phát triển.
 
Để giải quyết vấn đề này, vào cuối năm 2018, Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân (Thôn 1, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) chính thức đi vào hoạt động đã tháo gỡ những khó khăn trong thu mua sản phẩm kén tằm, đồng thời thúc đẩy sản xuất tằm tơ Đạ Tẻh phát triển.
 
 Qua đó, Công ty Minh Quân đã đầu tư 15 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng và trang bị hệ thống máy móc gồm 3 dãy máy ươm tơ và 2 dãy máy guồng để làm ra sản phẩm tơ thô. Hệ thống ươm, máy guồng của công ty hoạt động hết công suất, thu mua nguyên liệu tại địa phương khoảng 4 tấn kén tằm/ngày, mang lại sự ổn định trong việc tiêu thụ kén tằm của người trồng dâu nuôi tằm. 
 
Theo ông Chiến, thị trường lụa toàn cầu là lĩnh vực kinh doanh tương đối nhỏ nhưng hấp dẫn trên khắp thế giới. Ngày nay, tơ lụa được đánh giá là một trong những loại vải sang trọng nổi bật nhất trong các sản phẩm dệt và may mặc nhờ những đặc tính tự nhiên của nó. Với nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm lụa trên thế giới, thị trường lụa toàn cầu sẽ đạt được sự tăng trưởng hơn nữa trong vài năm tới. Việc Công ty Minh quân làm ra sản phẩm OCOP tơ tằm và đã được tỉnh công nhận 4 sao mở ra cơ hội phát triển cho ngành trồng dâu nuôi tằm, xây dựng và phát triển thương hiệu Lụa tơ tằm tại địa phương.
 
Từ khi hoạt động, Công ty đã thu mua hàng nghìn tấn kén và sản xuất ra được tơ đạt chất lượng 3A, ngoài sản phẩm bán tơ thô trong nước cho các công ty dệt lụa, mỗi năm công ty còn xuất khẩu khoảng 25 tấn tơ thô sang các thị trường lớn như Ấn Độ, Nhật Bản,Trung Quốc… và được khách hàng đón nhận. Từ đó, giá trị kén tằm của người trồng dâu nuôi tằm ở địa phương được nâng lên từ 15-20%, giúp cho người nông dân có đầu ra ổn định để phát triển nghề. 
 
Chia sẻ về nguồn nguyên liệu đầu vào, ông Chiến cho biết thêm: Hiện nay, người trồng dâu, nuôi tằm ở Đạ Tẻh đã đầu tư chọn giống và kỹ thuật canh tác cây dâu hiệu quả nên năng suất và sản lượng luôn đạt ở mức cao. Công ty đang liên kết với 200 hộ với diện tích 150 ha, đồng thời hợp tác thu mua với các hợp tác xã tại địa phương và đơn vị lân cận. Với sản lượng và chất lượng kén có tại địa phương hiện nay là đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của nhà máy. Trong thu mua kén tằm, Công ty sẽ bảo đảm giá cả theo thị trường hoặc ký kết các hợp đồng cung ứng nguyên liệu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nghề trồng dâu nuôi tằm của huyện phát triển ổn định. Ông Chiến hy vọng: “Hiện nay sản phẩm tơ lụa ở Đạ Tẻh đã có tiếng vang trên thị trường trong và ngoài nước, nguồn nguyên liệu đầu vào với số lượng và chất lượng đảm bảo cho đơn vị sản xuất. Trong tương lai, Công ty Minh Quân phấn đấu, mỗi năm sản xuất ra khoảng 90 tấn sản phẩm tơ thô đạt chất lượng cao cung cấp thị trường xuất khẩu, đồng thời sẽ tạo ra thành phẩm là lụa để cung ứng thị trường trong nước”. 
 
Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Tẻh cho biết, khi cánh cửa “xuất ngoại” cho sợi tơ tằm ở Đạ Tẻh được mở ra đã khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng dâu nuôi tằm, có nguồn thu ổn định, làm giàu và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Công ty Minh Quân trở thành cơ sở ươm tơ lớn nhất huyện Đạ Tẻh, là đơn vị tổ chức tốt khâu liên kết với nông dân để trồng dâu nuôi tằm và bao tiêu sản phẩm, biết gắn kết lợi ích của doanh nghiệp và nông dân. Sản phẩm tơ của công ty đã có mặt tại các nhà máy dệt trong nước và xuất khẩu ra thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc...
 
HOÀNG YÊN