Cấp nước đô thị: Cần nguồn đầu tư công cho hệ thống hồ đập

05:10, 12/10/2021

Nước sạch và điện là những dịch vụ thiết yếu của cư dân, đặc biệt là cư dân vùng đô thị...

Nước sạch và điện là những dịch vụ thiết yếu của cư dân, đặc biệt là cư dân vùng đô thị. Nhiều công ty cấp nước trong tỉnh đang rất cần sự hỗ trợ từ nguồn đầu tư công để xây dựng hệ thống hồ đập cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước hoạt động.
 
Thi công đường ống nước tại Di Linh
Thi công đường ống nước tại Di Linh
 
  ĐƯA NƯỚC SẠCH ĐẾN NGƯỜI DÙNG 
 
Với 53 cán bộ, công nhân đang làm việc, hiện Công ty Cổ phần Cấp nước và Xây dựng Di Linh đang cấp nước đến 10 nghìn hộ dân tại thị trấn Di Linh và các xã vùng ven tiếp giáp với thị trấn, trong đó riêng thị trấn có hơn 8 nghìn hợp đồng sử dụng dịch vụ. 
 
Dù dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng đến không ít cuộc sống của người dân và các doanh nghiệp nhưng trong những tháng đầu năm nay, theo Giám đốc Nguyễn Khắc Dũng, đơn vị ông vẫn ổn định sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của Công ty trên 11,4 tỷ đồng, đã nộp ngân sách nhà nước trên 1,65 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 753,7 triệu đồng, đảm bảo cuộc sống cho người lao động làm việc tại đây.
 
Không dừng lại ở việc cấp nước trong vùng đô thị trung tâm thị trấn Di Linh, Công ty lâu nay còn làm việc với UBND huyện Di Linh để mở rộng việc cấp nước đến các xã Hòa Ninh, Hòa Nam, Đinh Trang Hòa, Tân Châu, Liên Đầm, Đinh Lạc và Tân Nghĩa.
 
“Điểm thuận lợi của chúng tôi là trung tâm các xã này đều nằm trên các trục lộ chính, chỉ cần đầu tư lắp đường ống nước dọc theo các trục đường là có thể cung cấp nước cho các vùng trung tâm xã vốn nay đã đô thị hóa rất cao, dân cư tập trung đông” - ông Dũng cho biết. 
 
Khi triển khai chương trình mở rộng này, Công ty Cấp nước Di Linh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng trong chương trình cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới. “Chúng tôi đang nỗ lực đưa nước sạch đến cho khoảng trên 2.500 hộ dân trong huyện nữa” - ông Dũng khẳng định.
 
Một doanh nghiệp khác, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước (CP CTN) Lâm Đồng cũng cho biết, hiện đơn vị đang nỗ lực nâng cao chất lượng nước đến với khách hàng trong tỉnh. 
 
Là đơn vị cấp nước đô thị lớn nhất hiện nay tại Lâm Đồng, trong 17 hệ thống cấp nước đô thị của tỉnh, Công ty CP CTN Lâm Đồng đã quản lý đến 11 hệ thống, cung cấp nước sạch cho trên 84.500 hộ dân trong toàn tỉnh, bao gồm hệ thống cấp nước thành phố Đà Lạt, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Lâm Hà, Đơn Dương, Đam Rông và Đạ Huoai. 6 nhà máy cấp nước đô thị còn lại thuộc các công ty cổ phần cấp nước và xây dựng cấp huyện của các huyện quản lý và khai thác.
 
Chỉ riêng tại Đà Lạt, Công ty CP CTN Lâm Đồng đã có đến 5 nhà máy cấp nước đang hoạt động, khai thác nước mặt tại hồ Đan Kia, hồ Đa Thiện, hồ Chiến Thắng, hồ Tuyền Lâm với tổng cộng trên 66.400 hộ khách hàng đăng ký. Theo ông Trần Hoàng - Trưởng phòng Kế hoạch và Kinh doanh của Công ty CTN Lâm Đồng, việc cấp nước sạch đã phủ đến gần 95% số hộ dân tại thành phố Đà Lạt, kể cả những xã vùng ven như Tà Nung, Xuân Trường, Trạm Hành. 
 
Còn trên địa bàn toàn tỉnh, theo ông Hoàng, hầu hết các vùng đô thị đông dân ở trung tâm huyện, các nơi tập trung đông dân Công ty đều đã cho khảo sát, chỗ nào nếu được đơn vị sẽ tiến hành xây dựng nhà máy cấp nước đến dân. Tuy nhiên, có những vùng mật độ dân cư thấp, thưa thớt thì khó xây dựng nhà máy vì chi phí rất cao, khó hoàn vốn. “Hiện chúng tôi chưa tính đến việc mở rộng mà tập trung nâng cao chất lượng nước cho các nhà máy đang có hiện nay để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn” - ông Hoàng cho biết.
 
  CẦN NGUỒN ĐẦU TƯ CÔNG CHO HỆ THỐNG HỒ ĐẬP 
 
Trong 17 nhà máy cấp nước đô thị đang hoạt động hiện nay tại Lâm Đồng, lớn nhất hiện nay chính là 5 nhà máy tại thành phố Đà Lạt, có công suất thiết kế 63 nghìn m3/ngày đêm, hiện đang khai thác trên 61.200 m3/ngày đêm cho khách hàng tại thành phố Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương. 
 
Đứng nhì tỉnh là nhà máy nước tại đô thị Bảo Lộc với công suất thiết kế 11.300 m 3/ngày đêm, hiện khai thác ở mức trên 9.500 m 3/ngày đêm. Kế tiếp là Nhà máy nước Di Linh với công suất thiết kế 5.600 m3/ngày đêm, khai thác trên 4.700 m 3 ngày đêm; 2 nhà máy nước tại thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm và thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên cũng khá lớn với công suất thiết kế trên 3.700 m 3/ngày đêm, khai thác trên 2.000 m 3 mỗi ngày đêm. Các nhà máy còn lại trong tỉnh có công suất thiết kế từ 500 - 3.000 m 3/ngày đêm. 
 
Điều đáng nói hiện nay chính là tỷ lệ thất thoát nước còn khá cao trong các hệ thống cấp nước đô thị trong tỉnh. Nhiều nguyên do cho việc thất thoát này, đó là đường ống cũ lắp đặt đã lâu bị rò rỉ, do vỡ đường ống… nên mức thất thoát trung bình thường trên dưới 20%, trong đó cao nhất là đô thị Bảo Lộc với tỷ lệ thất thoát đến 28%; tại thị trấn D’Ran, Đơn Dương thất thoát 26,4%; Đà Lạt thất thoát 25%; thấp nhất tại thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương với tỷ lệ 18,1%.
 
Cùng đó, tỷ lệ cung cấp nước cho các cộng đồng dân cư đô thị cũng không đồng nhất trong tỉnh. Đà Lạt có tỷ lệ cấp nước đến người dân cao nhất với gần 95%; thị trấn Bằng Lăng, Đam Rông với 86,4%; thị trấn Di Linh với khoảng 78 - 85%. Tuy nhiên, cũng có những nơi tỷ lệ cấp nước đến người dân còn khá thấp như tại Bảo Lộc mới chỉ đạt 53%; tại thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương chỉ đạt 38%; thị trấn Mađaguôi, Đạ Huoai chỉ đạt 36,7%. 
 
Về nguồn nước thô, trong 17 nhà máy cấp nước đô thị này, có nhà máy đang sử dụng nguồn nước mặt từ hồ đập thủy lợi (như 5 nhà máy nước tại Đà Lạt cùng các nhà máy nước tại Đạ Huoai, Đam Rông, thị trấn Đạ Tẻh, Phước Cát - Cát Tiên), nhưng cũng có không ít các nhà máy đang sử dụng vừa nước mặt lẫn nước ngầm (như tại Bảo Lộc, thị trấn Cát Tiên - huyện Cát Tiên) và có nhà máy hoàn toàn sử dụng nước ngầm (như thị trấn Di Linh, Hòa Ninh - Di Linh; thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương và thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng). 
 
Sử dụng nước mặt hay nước ngầm trong sản xuất nước sạch đều có điểm thuận lợi và hạn chế của nó. Như với nước mặt, đó là việc sử dụng nước trong các hồ đập thủy lợi có sẵn, nguồn nước dồi dào, tương đối ổn định, các nhà máy chỉ trả một khoản phí nhất định cho đơn vị quản lý theo từng m3 nước thô. Tuy nhiên, điểm không thuận lợi là nhiều hồ đập thủy lợi nằm gần các đô thị lớn hiện nay, như tại Đà Lạt, Bảo Lộc chẳng hạn, đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
 
Nước mặt từ các hồ đập ô nhiễm có nguyên nhân do nước thải sinh hoạt chưa được xử lý chảy vào; do ảnh hưởng bởi lượng hóa chất tồn dư từ phân bón, hóa chất trừ sâu trong canh tác nông nghiệp từ đầu nguồn. Hiện nay trong toàn tỉnh mới chỉ có Đà Lạt xây dựng được nhà máy xử lý nước thải nhưng cho đến nay theo Công ty CP CTN Lâm Đồng cho biết, lượng nước thải thu gom và xử lý của nhà máy này còn rất hạn hẹp, chỉ đạt mức từ 7.000 - 8.000 m 3/ngày đêm trong tổng số trên 60.000 m 3 nước cấp mỗi ngày đêm. Điều này có nghĩa, vẫn còn một lượng rất lớn nước thải sinh hoạt hằng ngày đang đưa ra môi trường ngấm vào đất, ra sông, suối chảy vào các hồ đập trở lại.
 
Với nguồn nước thô là nước ngầm, điểm thuận lợi là suất đầu tư thấp, tuy nhiên lưu lượng nước ngầm không lớn để nâng công suất khi cần và việc khai thác quá mức của các nhà máy cấp nước từ nước ngầm sẽ gây nguy cơ tụt nguồn nước ngầm của tỉnh, gây tác động lâu dài đến cả một vùng đất. Chính vì vậy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra lộ trình trong 4 năm tới, trong đó, đến năm 2025, các nhà máy nước trong tỉnh cần phải chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang sử dụng nước mặt. 
 
Để thực hiện việc chuyển đổi này, theo ông Dũng, Nhà máy cấp nước Di Linh đang lên phương án chuyển sang dùng nước hồ Ka La trên địa bàn cấp cho thị trấn Di Linh và các xã. Cái khó theo ông Dũng là hồ nước Ka La cách thị trấn đến 8 km, phải cần nguồn đầu tư rất lớn để xây dựng nhà máy và phát triển hệ thống ống nước để đưa nước về, trong khi nguồn lực của công ty có hạn. “Chúng tôi đang tìm cách giải quyết vấn đề này” - ông Dũng cho biết. 
 
Theo ông Nguyễn Quốc Tuyến, Giám đốc Công ty CPCTN và Xây dựng Bảo Lộc, chính vì suất đầu tư xây dựng hồ đập và phát triển đường ống nước đến khu dân cư rất lớn cho nên nhiều nhà đầu tư lâu nay thường tỏ ra không mặn mà vì thu hồi vốn chậm. “Những nơi đang sử dụng nước ngầm rất cần có nguồn đầu tư công xây dựng hồ đập thủy lợi, đảm bảo nguồn nước an toàn thì việc chuyển đổi từ nước ngầm sang nước mặt mới thực hiện được” - ông Tuyến cho biết. 
 
VIẾT TRỌNG