Đạ Tẻh phát triển vùng lúa VietGAP

05:10, 12/10/2021

Hiện nay, huyện Đạ Tẻh đang xây dựng và hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao theo hướng VietGAP...

Hiện nay, huyện Đạ Tẻh đang xây dựng và hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao theo hướng VietGAP. Qua đó, không chỉ giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, mà còn tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng, đồng đều, an toàn cho người sử dụng.
 
Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm lúa gạo Đạ Tẻh
Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm lúa gạo Đạ Tẻh
 
Những năm qua, để tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, huyện Đạ Tẻh đã khuyến khích phát triển mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã An Nhơn, Triệu Hải, Đạ Kho, Đạ Lây, thị trấn Đạ Tẻh với diện tích hơn 600 ha. 
 
Tại cánh đồng sản xuất lúa theo hướng VietGAP xã Đạ Kho, ông Nguyễn Đức Hoàng (Thôn 3) chia sẻ: “Gieo lúa theo kiểu VietGAP, tôi cũng như tất cả các hộ dân trong thôn mới đầu bỡ ngỡ lắm, nhưng được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nông nghiệp hướng dẫn cách quản lý đồng ruộng, ghi chép nhật ký, thời gian sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mặc đồ bảo hộ để bảo vệ sức khỏe... Ngoài ra, để không làm ảnh hưởng tới môi trường đồng ruộng, sau khi bơm thuốc, chúng tôi phải nhặt hết các vỏ chai, bao bì đựng thuốc sâu, không vứt bừa bãi như trước đây. Vụ mùa vừa rồi tôi gieo trồng 1 ha lúa chất lượng cao ST24, sản lượng lúa của gia đình tôi đạt 65 tạ/ha, tăng từ 10 đến 15% so với sản xuất truyền thống. Hiện, sản phẩm đang được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các công ty ở các tỉnh miền Tây với giá bán 7.000 đồng/kg. Những vụ tiếp theo, gia đình tôi vẫn duy trì sản xuất lúa theo VietGAP”.
 
Ông Lê Văn Đông, cán bộ khuyến nông xã Đạ Kho cho biết, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Khi tham gia mô hình, bà con được hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh lúa tổng hợp sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao, gieo cấy tập trung, cấy mạ non, bón phân cân đối nên cây lúa cứng, ruộng thông thoáng. Mật độ sâu, tỷ lệ hại của các đối tượng sâu bệnh thấp hơn…, nhờ đó giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất. Hiện nay xã Đạ Kho phát triển được 50 ha lúa VietGAP, việc xây dựng mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp nông dân trong vùng biết cách quản lý đồng ruộng: Ghi chép nhật ký, sản xuất an toàn. 
 
Tương tự tại cánh đồng xã An Nhơn, ông Lưu Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã cho biết, sản phẩm nếp Quýt được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền “Nếp Quýt Đạ Tẻh” từ năm 2016 và đã có mặt trên bản đồ Gạo đặc sản Việt Nam. Qua đó, xã phát triển được hơn 326 ha lúa nếp Quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất 5,5 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt 1.793 tấn thóc; giá bán 8,5 triệu/tấn. Qua đó, toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm nếp Quýt được kiểm soát chặt chẽ, tăng cường sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đúng thời điểm và bảo đảm thời gian cách ly để tránh tồn lưu hóa chất... Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm tiêu thụ với giá ổn định và cao hơn từ 2 đến 3 lần so với sản xuất truyền thống. Để ổn định đầu ra của sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất, HTX sản xuất Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tâm (xã An Nhơn) đã liên kết với Công ty Cổ phần Phát triển xanh (TP Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm, giúp thành viên HTX và nông dân yên tâm sản xuất. Hiện nay sản phẩm gạo nếp Quýt Đạ Tẻh đã có mặt ở rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, được khách hàng rất ưa chuộng sử dụng. 
 
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giúp người dân nâng cao trình độ canh tác, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, huyện Đạ Tẻh đã thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hoạt động sản xuất lúa của người dân không ngừng tăng cường ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao vào các khâu then chốt và có sự đột phá về chất lượng, hiệu quả, năng suất lúa. Ngoài ra, phương thức canh tác này còn phục hồi được hệ sinh thái trên đồng ruộng, bảo đảm được sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng sản phẩm. Thông qua mô hình giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ và nắm bắt được quy trình sản xuất lúa theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng.
 
“Có thể thấy, phát triển sản phẩm lúa VietGAP là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, phù hợp với xu thế phát triển, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo uy tín, thương hiệu sản phẩm nông sản, từ đó nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Giá bán sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn so với sản phẩm canh tác thông thường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giúp họ gắn bó với đồng ruộng của mình”, ông Hải khẳng định.
 
HOÀNG YÊN