Dự báo thiếu hụt nhân lực thu hoạch cà phê năm 2021

04:10, 19/10/2021

Niên vụ cà phê năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lực lượng lao động thu hoạch cà phê tại địa phương, đặc biệt là nhóm lao động ngoại tỉnh theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ thiếu hụt từ 40 - 50% so với nhu cầu của địa phương.

Niên vụ cà phê năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lực lượng lao động thu hoạch cà phê tại địa phương, đặc biệt là nhóm lao động ngoại tỉnh theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ thiếu hụt từ 40 - 50% so với nhu cầu của địa phương.
 
Toàn tỉnh có khoảng 162.129 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, với sản lượng ước đạt 518.603 tấn cà phê nhân nên sẽ cần gần 8 triệu công thu hái cà phê
Toàn tỉnh có khoảng 162.129 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, với sản lượng ước đạt 518.603 tấn cà phê nhân nên sẽ cần gần 8 triệu công thu hái cà phê
 
Một số giải pháp được các sở, ngành, địa phương triển khai nhằm hạn chế thất thoát, rủi ro cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để đáp ứng hàng triệu lượt lao động phục vụ thu hoạch cà phê trong 2 tháng cuối năm đang thực sự là bài toán nan giải.
 
•  DÂN LO THẤP THỎM
 
Huyện Lâm Hà là huyện có diện tích trồng cà phê lớn thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng (sau huyện Di Linh) với khoảng 39.847 ha, trong đó diện tích kinh doanh năm nay vào khoảng 38.000 ha.
 
Những ngày này, trên tuyến Quốc lộ 27, từ khu vực đèo Chuối giáp ranh huyện Đam Rông về thị trấn Đinh Văn, đã thấy xuất hiện hình ảnh xe máy chở người lao động mang theo lương thực thu hoạch cà phê tại một số vườn cà phê chín sớm. Ông Trần Văn Công (57 tuổi, người dân xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà) có thâm niên hơn 20 năm làm cà phê cho biết, năm nay cà phê Robusta tại địa phương đa số sẽ bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 11. Cái khó của niên vụ này, theo ông Công, đối với vườn cà phê diện tích nhỏ 3 sào tới 1 ha, người nhà tự thu hái thời gian kéo dài hơn hoặc đổi công, trả giá cao hơn để thu hút nhân công địa phương. Tuy nhiên, gia đình ông có tới hơn 6 ha cà phê thì việc thuê lao động chủ yếu là người ngoại tỉnh hiện nay rất khó tìm.
 
“Tôi nghe các cấp chính quyền có quy định mới, người dân từ vùng xanh vào Lâm Đồng không phải cách ly y tế tập trung nên cũng mừng. Nhưng tối qua khi gọi điện cho nhóm lao động hơn 10 người tại Phú Yên hẹn đầu tháng 11 lên làm thì họ vẫn còn e dè, chưa dám nhận vì Lâm Hà tình hình dịch còn phức tạp. Nếu không thuê được lao động, tôi cũng chưa biết cách nào xoay trở vì người dân ở đây nhà nào cũng có vườn cà phê, một lúc thuê số lượng hơn 10 người hái liên tục hơn nửa tháng thời điểm này gần như không thể”- ông Công chia sẻ.
 
Theo các chủ vườn tại xã Phú Sơn, trung bình một 1 ha cà phê cần 10 đến 15 lao động thu hoạch trong thời gian 10 ngày. Do vậy, nhu cầu cần nhân công của các chủ vườn tại đây rất lớn khi bước vào thu hoạch rộ. Giá thu hoạch cà phê đầu mùa là 90.000 đồng/tạ tươi nhưng do thiếu hụt người thu hoạch, hiện giá đã tăng lên 130.000 tới 150.00 đồng/tạ. Cũng như ông Công, người dân tại đây có diện tích vườn lớn, cần tìm người làm trước 15 - 20 ngày nhưng gần như chưa thuê được đủ số lượng theo nhu cầu, đặc biệt với lao động ngoại tỉnh.
 
Tương tự tại huyện Bảo Lâm với khoảng 34.000 ha cà phê, câu chuyện tìm người thu hoạch khi vụ mùa đã cận kề đang là chuyện “thời sự” của người dân nơi đây. Năm nay người hái cà phê công nhật theo người dân tầm 300.000 tới 350.000 đồng/công, hái khoán tầm 1.200 tới 1.400 đồng/kg cà tươi nhưng số lượng người làm cũng không được nhiều. “Cuối năm dịch vẫn còn nguy hiểm nên người hái thì ít, người đi thuê lại nhiều. Nếu mình không thu xếp thuê được người thì lúc không thu hoạch kịp, cà phê chín quá sẽ bị rụng, hao hụt sản lượng. Trong khi nếu tình hình nhân công thiếu quá thì bắt buộc sẽ phải đẩy giá thuê hái tăng cao hồ so với mọi năm” - ông Nguyễn Văn Linh, người dân xã B’Lá, huyện Bảo Lâm nhận xét.
 
•  HUY ĐỘNG LAO ĐỘNG BẰNG CÁCH NÀO?
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thống kê tới ngày 31/8, vụ mùa năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 173.660 ha cà phê. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh khoảng 162.129 ha, năng suất bình quân 32 tạ/ha, sản lượng ước đạt 518.603 tấn cà phê nhân (tương đương 2.342.186 tấn cà phê tươi).
 
Qua rà soát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng dự kiến nhân công lao động phục vụ nhu cầu thu hoạch cà phê niên vụ 2021 khoảng 7.869.230 công. Thời gian thu hoạch cà phê sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng cuối năm 2021.
 
Tình hình thực tế cho thấy, lực lượng lao động thu hái cà phê tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50%, số còn lại chủ yếu là lao động đến từ ngoại tỉnh. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thuê lao động từ ngoài tỉnh về Lâm Đồng để thu hoạch cà phê là rất khó thực hiện. 
 
Trước những khó khăn nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã đề ra giải pháp bảo đảm nhân công cho vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề xuất các địa phương nói chung, đặc biệt là các huyện có diện tích cà phê lớn như Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng… tiến hành rà soát, thống kê diện tích, dự báo sản lượng cà phê thu hoạch trên từng địa bàn.
 
Qua đó, các địa phương cần nắm chắc tổng diện tích, sản lượng và nguồn lao động của từng hộ dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các hộ gia đình neo đơn, các hộ có người mắc kẹt ở vùng dịch. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ thành lập các tổ, đội, nhóm hộ để thực hiện đổi công. Mặt khác, các địa phương cũng cần rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có nhu cầu thu hái cà phê để giới thiệu cho nông dân thỏa thuận, thuê mướn hợp lý.
 
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Lâm Đồng, thực hiện chỉ đạo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trung tâm đã liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan để dán thông báo, thống kê số lượng hộ dân thiếu lao động,… để có phương án cụ thể, nhằm kết nối lao động các địa phương trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu người dân trong đợt thu hoạch cà phê chính vụ 2021. Người lao động trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đăng ký, tìm việc có thể liên hệ qua nhiều hình thức như đăng ký qua websiter: vieclamlamdong.vn hoặc qua zalo, facbook của trung tâm qua số điện thoại: 0918 007 245. Tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến qua kết nối ứng dụng zalo của trung tâm, số điện thoại: 0918 007 245.
 
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ngày 15/10, UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trong đó cho phép cách ly, theo dõi y tế tại nhà đối với người đến từ vùng nguy cơ cao. Như vậy, Lâm Đồng sẽ cho phép người đến từ các tỉnh, thành khác thuộc khu vực cấp 1, cấp 2 được vào địa phương và không phải thực hiện cách ly tập trung. Đối với người đến từ khu vực nguy cơ cao (cấp 3, cấp 4) được cách ly tại nhà nếu đảm bảo một số điều kiện. Việc này sẽ tạo điều kiện cho lao động tại những vùng xanh, bình thường mới và vùng nguy cơ trung bình có thể vào Lâm Đồng, gỡ một phần nút thắt, đáp ứng nhu cầu nhân công lao động của người dân khi mùa thu hoạch chính vụ cà phê đã gần kề.
 
C.THÀNH