Cần bình ổn giá thịt lợn những tháng cuối năm

05:11, 17/11/2021

Cuối năm thường được xem là thời điểm "vàng" để người dân tái đàn lợn phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán...

Cuối năm thường được xem là thời điểm “vàng” để người dân tái đàn lợn phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, bà con nông dân cũng như doanh nghiệp không khỏi thấp thỏm bởi giá lợn đang ở mức thấp, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi ngày một leo thang.
 
Giá thịt lợn hơi đang ở mức 50.000 đồng/kg nhưng tại các chợ, siêu thị giá vẫn đang ở mức cao
Giá thịt lợn hơi đang ở mức 50.000 đồng/kg nhưng tại các chợ, siêu thị giá vẫn đang ở mức cao
 
Hơn 10 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, ông Trần Văn Hoa (47 tuổi, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng) cho biết từ năm 2019 tới nay, giá lợn không ổn định, liên tục tăng giảm, rất khó để người nông dân dự đoán. Như gia đình ông Hoa với quy mô 10 con lợn nái và 200 con lợn thịt, thời điểm dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ giữa năm 2019 đến tháng 3/2020 làm 70% tổng đàn nhiễm bệnh, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. 
 
Sau thời gian dịch bệnh giá lợn tăng mạnh, có lúc lên khoảng 100.000 đồng/kg lợn hơi. “Thấy giá tăng mình phấn chấn tái đàn mạnh, mặc dù giá thức ăn tăng cao nhưng một phần mình chủ động được về mặt con giống. Nhưng không thể ngờ, từ giá 70 - 75.000 đồng/kg những tháng đầu năm, trong tháng 10 và đầu tháng 11, giá lợn đã giảm xuống một nửa, chỉ còn dưới 49.000 - 52.000 đồng/kg, có lúc giữa tháng 10 giá giảm xuống còn 36.000 đồng/kg. Với mức giá xuất chuồng này, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt cộng thêm chi phí thuốc thú y, nhân công, trung bình mỗi con lợn xuất chuồng, gia đình tôi lỗ khoảng 1,5 triệu đồng” - ông Hoa ngán ngẩm.
 
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Duy Hùng, chủ một trại lợn với quy mô gần 1.000 con ở xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng) cho biết mặc dù giá lợn đang ở mức thấp, nhưng tâm lý người dân như ông vẫn cố gắng tái đàn với hi vọng thị trường tết giá sẽ khởi sắc ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg lợn hơi. Ông Hùng chia sẻ việc tái đàn dịp cuối năm ông không áp dụng ồ ạt, chỉ ở mức cầm chừng. “Để phòng, chống dịch bệnh, tôi tái đàn theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh. 1 tháng qua tôi đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi lợn C.P Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng để có nguồn giống sạch” - ông Hùng cho hay.
 
Theo nhiều người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Đức Trọng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá lợn giảm sâu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu thụ thấp trong khi nguồn cung cao, hơn nữa việc vận chuyển phức tạp, khó khăn cũng khiến thương lái “ngại” thu mua. Hiện nay, giá lợn mặc dù giảm dưới giá thành chăn nuôi nhưng giá thức ăn không hề giảm, vẫn ở mức cao. Do đó, hầu hết người dân, doanh nghiệp bán lợn xuất chuồng ở mức 50.000 - 55.000 đồng thời điểm này đều lỗ vốn.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến hết tháng 9/2021, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là 419.839 con, tăng 6% so với cùng kỳ 2020. Theo kế hoạch tới cuối năm, đàn lợn tăng lên khoảng 431.250 con. Trong đó, địa phương có số lượng chăn nuôi lớn nhất là huyện Lâm Hà, Đức Trọng và Đạ Tẻh,… Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng nhận định, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhờ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, cơ cấu lại tổng đàn và phương thức chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi vẫn giữ vững được đà tăng trưởng, cơ cấu đàn phát triển tương đối hợp lý, chất lượng giống nâng cao. 
 
Nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm cuối năm và đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp cũng như khuyến khích, có cơ chế tạo điều kiện cho nông dân tái đàn, tăng đàn. Ngoài lợn, dự kiến đến thời điểm cuối năm 2021 đàn vật nuôi cả tỉnh đạt khoảng 556.950 con. Với số lượng tổng đàn vật nuôi hiện có, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực phẩm tiêu dùng cho người dân trong tỉnh, xuất bán ra thị trường các tỉnh cũng như đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
 
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song song với tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ cho gia súc, gia cầm, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y bảo đảm theo quy định cũng như tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vắc xin không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục khuyến cáo người chăn nuôi tính toán kỹ việc duy trì đàn lợn với số lượng hợp lý. Tăng cường các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi của lợn và đẩy mạnh việc tự phối trộn thức ăn dựa trên các nguyên liệu sẵn có để hạ giá thành sản xuất. Đặc biệt là triển khai các biện pháp nhằm tập trung liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất.
 
Trong khi đó, theo Sở Công thương Lâm Đồng, thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương cũng như UBND tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đang triển khai các giải pháp nhằm bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng.
 
Cụ thể, Sở Công thương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc sở và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn để bảo đảm cân đối cung cầu. Riêng đối với các siêu thị, đơn vị quản lý chợ, hệ thống cửa hàng tiện lợi Sở Công thương yêu cầu niêm yết công khai giá bán thịt lợn tại địa điểm kinh doanh. Đồng thời, Thanh tra Sở Công thương sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong việc thực hiện quy định về giá với mặt hàng thịt lợn, xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, ép giá,... gây mất ổn định thị trường.
 
C.PHONG