Đà Lạt với Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam''

05:11, 18/11/2021

Đà Lạt vừa là thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa công nghệ, tiêu dùng; đồng thời là nơi cung cấp rau, hoa, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chế biến từ rau, củ, quả cho cả nước...

Đà Lạt vừa là thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa công nghệ, tiêu dùng; đồng thời là nơi cung cấp rau, hoa, sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chế biến từ rau, củ, quả cho cả nước. Từ đó, Đà Lạt có nhiều thuận lợi triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Việc triển khai đến cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng được quan tâm nhằm tạo ra sản phẩm hàng Việt có mẫu mã đẹp, chất lượng, giá cả cạnh tranh.
 
Tháng 3 hàng năm, UBND thành phố Đà Lạt ban hành kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng, tuyên truyền về “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Đồng thời, Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành phố thường xuyên chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nắm thông tin giá cả thị trường, xử lý nghiêm minh và thông báo rộng rãi các thông tin về hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường lành mạnh trong kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt đã tiến hành kiểm tra hơn 378 lượt trên các lĩnh vực, đã phát hiện 416 vụ vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 236 cơ sở kinh doanh trên địa bàn và đề xuất phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 1,157 tỷ đồng. 
 
Đặc biệt, thành phố cũng chỉ đạo triển khai công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của thành phố như nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho nhóm sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông, nhãn hiệu chứng nhận Hồng Đà Lạt, Dâu tây Đà Lạt, đang tạo lập nhãn hiệu chứng nhận Atisô Đà Lạt; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, chương trình sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
 
Trong việc thực hiện Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, về với người tiêu dùng, đến vùng sâu, vùng xa, địa phương đã xây dựng được nhiều thương hiệu, hàng hóa, sản phẩm OCOP... được thị trường tiêu dùng, ưa chuộng. Đến nay, đã cấp được 462 nhãn hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành. Riêng, Cà phê Cầu Đất đã cấp được 22 nhãn hiệu, cấp 40 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” và 20 nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”.
 
Về sản phẩm OCOP: Năm 2019, Đà Lạt đã có 48 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng. Năm 2020, thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Đà Lạt với 29 sản phẩm như hồng, trà, cà phê, đông trùng hạ thảo, dâu tây... của 14 đơn vị. Kết quả có 3 sản phẩm đề xuất phân hạng 5 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao, 10 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2021, có 7 sản phẩm được đánh giá, công nhận và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Đà Lạt. 
 
Hằng năm thành phố đều tổ chức phát động đợt cao điểm “Tết Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, qua đó, quán triệt vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thành phố tự giác thực hiện ưu tiên mua sắm hàng Việt, góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết, hình thành thói quen mua sắm văn minh, tiết kiệm khi sử dụng hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam.
 
Cùng với tình hình chung cả nước, hiện nay thị trường hàng hóa ở Đà Lạt rất đa dạng, phong phú, trong đó có không ít là sản phẩm nhập ngoại có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh so với hàng hóa trong nước. Đây là thách thức lớn cho các sản phẩm Việt tiêu thụ trên thị trường. 
 
Ông Nguyễn Quang Hải - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Lạt cho biết: Qua cuộc vận động này, ý thức của người tiêu dùng đã có những chuyển biến tích cực, từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ mua sắm, sử dụng hàng Việt của Nhân dân có chiều hướng tăng với tỷ lệ trên 85%. Kết quả khảo sát, tỷ lệ hàng Việt Nam tiêu thụ chiếm 90% tại các siêu thị, công ty, HTX thương mại - dịch vụ; riêng tại các chợ, các điểm bán lẻ của tiểu thương trên địa bàn thành phố chiếm từ 60 - 70%. Việc duy trì chương trình bình ổn giá thông qua các điểm bán các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn các phường, xã hàng năm đã có tác dụng thiết thực trong việc tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp cận với hàng hóa mang thương hiệu Việt. Nhất là các mặt hàng phục vụ tết, tạo môi trường giao lưu giữa các doanh nghiệp và Nhân dân, giúp người dân được tiếp cận trực tiếp với thương hiệu, doanh nghiệp Việt. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bình ổn thị trường và phát triển mạng lưới thương mại tiện ích văn minh.
 
NGUYỆT THU