Đam Rông: Chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

06:11, 24/11/2021

Nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, trong năm 2021, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đam Rông đã có nhiều chuyển biến tích cực khi giảm cả 3 tiêu chí về vi phạm Luật Lâm nghiệp. 

Nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, trong năm 2021, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn huyện Đam Rông đã có nhiều chuyển biến tích cực khi giảm cả 3 tiêu chí về vi phạm Luật Lâm nghiệp. 
 
Lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng huyện Đam Rông tiến hành dựng trại qua đêm trong rừng
Lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng huyện Đam Rông tiến hành dựng trại qua đêm trong rừng
 
Ghi nhận tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Sêrêpốk, từ đầu năm đến nay, trên diện tích rừng do đơn vị quản lý đã xảy ra 22 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với tổng diện tích rừng thiệt hại là 6,80 ha, khối lượng lâm sản là 86,466 m3. Theo đó, giảm 51,11% về số vụ và giảm 45,90% về diện tích so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số vụ đã xác định được đối tượng là 18 vụ, chiếm 81,82%, số vụ chưa xác định được đối tượng là 4 vụ, chiếm 18,18%. 
 
Ông Đặng Đình Túc - Trưởng Ban QLRPH Sêrêpốk cho biết: Để có được những kết quả tích cực này, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tiến hành thực hiện 94 đợt kiểm tra, truy quét nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp và vận chuyển lâm sản trái phép. 
 
Ngoài ra, đơn vị đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên công tác quản lý, bảo vệ rừng như: Thành lập các tổ cơ động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng; đồng thời, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa đơn vị với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn.
 
Bên cạnh đó, để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, công tác giao khoán QLBVR cho các hộ dân cũng được Ban chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Hiện, Ban đang quản lý với diện tích rừng hơn 31.319 ha/6 xã với 1.069 hộ/113 tổ và 3 đơn vị tập thể đang nhận khoán bảo vệ rừng. Riêng năm 2020, Ban đã hoàn thành việc chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 17 tỷ đồng cho các hộ dân. 
 
Ông Mai Chí Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông cho biết: Một trong những nét nổi bật trong công tác QLBVR trên địa bàn huyện Đam Rông trong thời gian qua là các đơn vị chức năng của huyện đã quyết liệt kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ vi phạm, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện công tác giải tỏa rừng bị phá, giải quyết dứt điểm các điểm nóng về lấn chiếm đất rừng. 
 
Nhờ đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đam Rông trong năm 2021 đã giảm trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, trong năm 2021, các ngành chức năng của huyện đã phát hiện và lập biên bản 60 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp bao gồm: 27 vụ có chủ và 33 vụ vắng chủ, giảm 39 vụ, tương đương với 39,40% về số vụ so với cùng kỳ năm 2020; tổng diện tích thiệt hại 9,69 ha, giảm hơn 6,3 ha, tương đương với 39,43% so với cùng kỳ; tổng khối lượng lâm sản thiệt hại ước hơn 360,9 m3, giảm 163,1 m3, tương đương với 31,13% so với cùng kỳ. 
 
Theo nhận định của Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, một trong những vấn đề gây khó khăn, thách thức và áp lực trong công tác QLBVR hiện nay trên địa bàn huyện đó là nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại, giá đất tại một số khu vực tại địa phương đang không ngừng tăng cao, kéo theo tình trạng người dân bất chấp vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. 
 
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác QLBVR, đặc biệt là dịp cuối năm, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra rừng, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Phấn đấu đến hết năm 2021, giảm 20% vụ vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp, giảm 20% diện tích rừng và 20% khối lượng lâm sản thiệt hại, giảm 30% số vụ vi phạm không xác định được đối tượng vi phạm so với năm 2020. Tham mưu, đề nghị chủ rừng và chính quyền địa phương giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm, phá rừng đạt tối thiểu 70% diện tích. Tiếp tục thực hiện quản lý tốt diện tích rừng hiện có, phấn đấu nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ trên 65%.
 
Phối hợp, tham mưu Huyện ủy, UBND huyện Đam Rông chỉ đạo quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác QLBVR; tăng cường, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện xuống cơ sở trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ QLBVR nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác QLBVR. 
 
Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cả về nội dung, hình thức; phối hợp với Mặt trận, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền về công tác bảo vệ, phát triển rừng; tập trung đối với cộng đồng dân cư sống gần rừng, ven rừng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với cơ quan Công an huyện thường xuyên mời các đối tượng sống bằng nghề rừng lập bản cam kết không vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Khoanh vẽ, xác định ranh giới, lập cam kết đối với các hộ có nương rẫy gần rừng không lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp…
 
HOÀNG SA - THÂN HIỀN