Đơn Dương: Nỗ lực duy trì sản xuất trong tình hình dịch bệnh

05:11, 22/11/2021

Mặc dù diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, song, việc sản xuất của nông dân Đơn Dương vẫn được duy trì...

Mặc dù diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, song, việc sản xuất của nông dân Đơn Dương vẫn được duy trì, việc giao thương hàng hóa luôn được địa phương tạo điều kiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại của bà con nông dân, bảo đảm không để đứt gãy các chuỗi sản xuất và nguồn cung cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
 
Nông dân tập trung chăm sóc vụ Đông - Xuân
Nông dân tập trung chăm sóc vụ Đông - Xuân
 
•  VỪA CHỐNG DỊCH, VỪA DUY TRÌ SẢN XUẤT
 
Sau khi phát hiện chùm ca lây nhiễm COVID-19 tại khu vực thôn Suối Thông B2, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, huyện Đơn Dương đã thiết lập vùng cách ly y tế tại khu vực này với quy mô 54 hộ dân. Những ngày địa phương có dịch, ông Lê Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn cho biết, bên cạnh việc phối hợp với các ngành chức năng thực hiện điều tra, truy vết, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, xã cũng đã thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại khu vực cách ly y tế và hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực này; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch. 
 
Cùng với các nhiệm vụ phòng, chống dịch, xã Đạ Ròn cũng quan tâm đến việc sản xuất của người dân. Là địa phương chủ yếu chăn nuôi bò sữa, hiện tại trên địa bàn xã có 350 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn khoảng hơn 5.000 con. Theo ông Tiến, mặc dù dịch bệnh đang phức tạp nhưng tình hình chăn nuôi của bà con tại địa phương vẫn ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều.
 
“Thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa ở địa phương đều có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sữa tươi với các doanh nghiệp. Nhờ đó, việc sản xuất và đầu ra tiêu thụ sữa của bà con ổn định; trong thời điểm dịch, giá sữa tươi vẫn được thu mua mức giá bình ổn từ 12.000 đồng đến 14.000 đồng/kg”, ông Tiến cho hay. 
 
Tương tự, nhờ có hợp đồng liên kết với các công ty, doanh nghiệp nên giá cả và đầu ra của Hợp tác xã (HTX) rau sạch VietGAP Lạc Lâm tương đối ổn định. Ông Nguyễn Hữu Đoàn - Giám đốc HTX rau sạch VietGAP Lạc Lâm cho biết, trong thời điểm dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam diễn biến phức tạp, nhiều công ty thực hiện “3 tại chỗ”, công suất chế biến, tiêu thụ giảm nên các đơn hàng của HTX cũng giảm theo. Tuy nhiên, hàng hóa của HTX vẫn tiêu thụ được, đặc biệt khi dịch còn phức tạp, các mặt hàng nông sản khác bị rớt giá thì giá các loại rau, củ của HTX được thu mua với giá như trên hợp đồng đã ký. 
 
“HTX rau sạch VietGAP Lạc Lâm đang liên kết sản xuất với 18 hộ nông dân. Thời điểm này, các nhà vườn đang tập trung sản xuất vụ Đông - Xuân, mong tình hình sản xuất, thị trường rau, củ cuối năm ổn định để người dân ổn định lại thu nhập”, ông Đoàn chia sẻ. 
 
•  THÍCH ỨNG VỚI DỊCH BỆNH
 
Bà Tou Prong Nai Khoan - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương cho biết, vừa tăng cường phòng, chống dịch, vừa duy trì phát triển sản xuất là một trong những nhiệm vụ kép mà huyện đặt ra. Mặc dù, thời gian qua trên địa bàn huyện xảy ra nhiều đợt dịch COVID-19, nhưng với sự chủ động, linh hoạt ứng phó, tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn được duy trì ổn định, các mặt hàng nông sản đều được tiêu thụ. 
 
Đối với các hộ trong khu vực phong tỏa được địa phương phát phiếu luân phiên ra đồng, do đó việc sản xuất được đảm bảo. Riêng vấn đề thu hoạch và vận chuyển nông sản đối với khu vực này còn gặp khó khăn, do phải qua nhiều khâu trung gian, tuy nhiên hiện tại cũng không có hàng tồn đọng. 
 
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, có thời điểm giá các mặt hàng nông sản xuống thấp, khiến một số hộ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến thu nhập. Song, đến thời điểm hiện tại, giá cả của các nông sản chủ lực đã tăng trở lại, nông dân phấn khởi khôi phục sản xuất, đảm bảo cung ứng cho thị trường cuối năm. 
 
Đặc biệt, trong khi giá cả các mặt hàng nông sản dễ biến động do ảnh hưởng dịch bệnh thì giá sữa bò tại địa phương vẫn được thu mua với mức giá ổn định từ 12.000-14.500 đồng/kg. Theo bà Tou Prong Nai Khoan, có được điều này là nhờ các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện đều duy trì ký kết hợp đồng mua bán sữa tươi nguyên liệu với các doanh nghiệp thu mua sữa. Ngành chăn nuôi bò sữa đang mang lại thu nhập khá và ổn định cho nông dân trên địa bàn huyện. 
 
Để duy trì ổn định sản xuất cũng như đảm bảo nguồn cung nông sản cho thị trường trong và ngoài tỉnh trong tình hình dịch bệnh, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá sản xuất nông nghiệp trong điều kiện vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Phòng cũng sẽ triển khai các phương án sản xuất nông nghiệp cụ thể cho những tháng cuối năm; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, nông nghiệp hữu cơ; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, khuyến khích người dân mở rộng các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị nông sản, nhằm ổn định đầu ra, giá cả, giảm thiểu rủi ro cho bà con nông dân. 
 
NHẬT QUỲNH