Dự án gây thiệt hại tài nguyên rừng - vấn đề dư luận quan tâm

05:11, 17/11/2021

Những năm qua, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã xảy ra tình trạng dự án đầu tư của các doanh nghiệp để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm khiến dư luận quan tâm...

Những năm qua, trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã xảy ra tình trạng dự án đầu tư của các doanh nghiệp để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm khiến dư luận quan tâm. Qua kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt bồi thường tương xứng với giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng, đồng thời chỉ đạo xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm. 
 
Do nhiều vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng, một trong những dự án đầu tư về rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Bảo Lâm đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi
Do nhiều vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng, một trong những dự án đầu tư về rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Bảo Lâm đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi
 
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã rà soát, kiểm tra, xác định kết quả UBND tỉnh xử lý 10 dự án đầu tư gây thiệt hại tài nguyên rừng huyện Bảo Lâm trong năm 2017. Trong đó, gồm 4 dự án buộc phải thu hồi và đền bù tài nguyên rừng. Cụ thể, Công ty TNHH TM-DV Gia Linh trong quá trình thực hiện dự án có hành vi khai thác rừng, phá rừng trái phép, lấn chiếm đất của người dân đang sản xuất, thực hiện không đúng nội dung giấy chứng nhận đầu tư… Bởi vậy vào ngày 4/2/2009, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ dự án này với tổng diện tích gần 280 ha. Tiếp theo, Công ty CP Nam Nam với tổng diện tích dự án gần 120,4 ha rừng, nhưng đã để rừng bị phá 18,8 ha, trữ lượng lâm sản thiệt hại gần 1.371,5 m3. Kết quả xử lý ngày 31/3/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 1475/UBND-LN buộc Công ty CP Nam Nam bồi thường giá trị tài nguyên rừng với gần 1,4 tỷ đồng. Và đến ngày 10/7/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ban hành Quyết định số 1511/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ dự án gần 120,4 ha rừng của Công ty CP Nam Nam vừa nêu. 
 
Đáng kể, trong ngày 6/5/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng lúc ban hành 2 quyết định buộc bồi thường giá trị tài nguyên rừng với số tiền gần 12 tỷ đồng đối với Công ty TNHH An Nguyễn và gần 4,6 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Kỹ thuật nhựa Khang Thịnh. Căn cứ xử phạt do 2 công ty này không thực hiện đúng phương án đầu tư, để rừng bị phá với diện tích lần lượt gần 31,5 ha (lâm sản thiệt hại gần 4.271 m3 ) và gần 11,3 ha (lâm sản thiệt hại gần 1.614 m3). Và từ những vi phạm này, đến ngày 10/7/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ban hành 2 quyết định thu hồi toàn bộ diện tích dự án đầu tư hơn 162 ha rừng của Công ty TNHH An Nguyễn và 130 ha rừng của Công ty TNHH kỹ thuật nhựa Khang Thịnh. 
 
Còn lại 6 dự án đầu tư gây thiệt hại về tài nguyên rừng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định trong năm 2018 buộc 6 công ty chủ thể phải bồi thường các số tiền tương ứng với diện tích rừng bị phá như: Công ty TNHH Sơn Phú Nông gần 4,5 tỷ đồng (gần 26,4 ha rừng bị phá, lâm sản thiệt hại gần 2.123,5 m3); Công ty TNHH An Phú Nông hơn 305,7 triệu đồng (3.300 m2 rừng bị phá, 9 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm); Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên hơn 3,7 tỷ đồng (hơn 23,8 ha rừng bị phá, 58,5 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, 77,8 ha trồng cây không đúng phương án); Công ty TNHH An Việt Thế Kỷ 21 với hơn 1,4 tỷ đồng (hơn 33,6 ha rừng bị phá, lâm sản thiệt hại gần 2.587 m3). Riêng Công ty TNHH Minh Tú không chỉ bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng gần 26,5 triệu đồng (gần 2,3 ha rừng bị phá, lâm sản thiệt hại hơn 97,2 m3), mà còn phải trồng bổ sung các loài cây lâm nghiệp phù hợp trên diện tích đất lâm nghiệp tại dự án đã trồng cây nông nghiệp và cây công nghiệp; đảm bảo trồng đúng, đủ mật độ để phát triển thành rừng. Ngoài ra, Công ty CP Hà Phong có trách nhiệm lập kế hoạch gửi chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan của huyện Bảo Lâm tạo điều kiện phối hợp giải tỏa diện tích đất dự án do các hộ lấn chiếm trồng cà phê hơn 133,2 ha... 
 
“Liên quan đến việc để xảy ra các vụ vi phạm tại các dự án đầu tư nêu trên, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm đã tổ chức họp kiểm điểm tập thể, cá nhân trong công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án liên quan đến rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn và đề xuất cấp thẩm quyền kỷ luật khiển trách 1 công chức (ông Trần Huy Tiến - Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm), kiểm điểm trách nhiệm 4 công chức (ông Bùi Văn Ngọc - nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, ông Đỗ Văn Hiểu, ông Nguyễn Công Quang, Nguyễn Văn Tuyên là các kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm)”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết.
 
VĂN VIỆT