Lớp tình thương trong đại dịch

06:11, 12/11/2021

Dịch bệnh hoành hành, những học sinh của các lớp tình thương ở thành phố Đà Lạt cũng phải học trực tuyến với sự nỗ lực giúp đỡ rất lớn từ các giáo viên tình nguyện tại Nhà dòng Don Bosco.

Dịch bệnh hoành hành, những học sinh của các lớp tình thương ở thành phố Đà Lạt cũng phải học trực tuyến với sự nỗ lực giúp đỡ rất lớn từ các giáo viên tình nguyện tại Nhà dòng Don Bosco.
 
Thầy Nguyễn Võ Hà Anh cùng các bài tập do cô giáo giao về nhà cho học sinh làm và nộp về lớp cho các cô sửa, chấm điểm
Thầy Nguyễn Võ Hà Anh cùng các bài tập do cô giáo giao về nhà cho học sinh làm và nộp về lớp cho các cô sửa, chấm điểm
 
•  SỸ SỐ GIẢM
 
Ngay trong Nhà dòng Don Bosco, Phường 2, thành phố Đà Lạt từ năm 2003 đến nay, đã duy trì một ngôi trường với các lớp học tình thương cho những học sinh tại Đà Lạt có hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường trong các lớp học bình thường được. 
 
Những lớp học tình thương này, như thầy Hiệu trưởng Nguyễn Võ Hà Anh cho biết, lâu nay đã chuyển tên thành “lớp linh hoạt”, vừa nhẹ nhàng, tránh mặc cảm cho các em, vừa phản ánh đúng việc dạy và học nơi đây khá linh hoạt để các học sinh có thể bắt kịp kiến thức theo khả năng của mình. 
 
Trong năm học 2021 - 2022, trường có 152 học sinh, trong đó lớp 1 có 36 học sinh, lớp 2 có 31; lớp 3 có 36 ; lớp 4 có 32 và lớp 5 có 17 học sinh; dạy học tại đây có 7 giáo viên trong các bộ môn, hầu hết là các giáo viên đã về hưu, đến nhận lớp dạy tại đây với tấm lòng thiện nguyện, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn là chính.
 
“Sỹ số học sinh này so với năm ngoái đã giảm đi nhiều. Vì đa số gia đình các em ở đây đều là người từ vùng khác đến làm ăn sinh sống, khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố một số gia đình đã về quê, đến nay nhiều em vẫn chưa thể trở lại” - thầy Anh cho biết. 
 
Từ đầu năm học này, theo thầy Anh, các trường học tại Đà Lạt do ảnh hưởng dịch bệnh nên chuyển sang dạy học trực tuyến, chính vì vậy, các lớp học linh hoạt ở Nhà dòng Don Bosco cũng phải tuân thủ việc này.
 
 “Dịch bệnh bùng phát cộng với hoàn cảnh gia đình các em học sinh rất nhiều khó khăn, lớp linh hoạt Don Bosco cũng như các thầy cô đều cố gắng chọn những phương thức phù hợp với điều kiện của từng em để dù không đến lớp nhưng các em vẫn tiếp cận được kiến thức, duy trì việc học một cách tốt nhất” - thầy Anh chia sẻ.
 
Theo thầy Anh, nhiều năm nay nhà trưởng chỉ có học sinh bậc tiểu học, khi học xong bậc tiểu học nơi đây các em có thể chuyển sang học trung học cơ sở tại Trường Tư thục Là San dạy nghề thuộc Nhà Dòng mở tại Đà Lạt. Tại trường Tư thục Là San này các em có thể vừa học văn hoá vừa học nghề nơi đây.
 
Với bậc tiểu học, do các em không đi học trực tiếp hằng ngày được mà học trực tuyến nên năm học này nhà trường đã bỏ bớt các môn như Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng Anh, Tin học…, chỉ dạy phần kiến thức cơ bản cho các em gồm môn Toán và Tiếng Việt. 
 
Em Phạm Tố Uyên, học sinh lớp 5 đang làm bài tập cô giao
Em Phạm Tố Uyên, học sinh lớp 5 đang làm bài tập cô giao
 
•  NỖ LỰC CỦA CÁC THẦY CÔ GIÁO
 
“Em thấy ổn ạ, em học thấy có hiệu quả” - đó là chia sẻ của em Phạm Tố Uyên, 11 tuổi, học sinh lớp 5, lớp linh hoạt Don Bosco khi chúng tôi đến thăm và đặt câu hỏi về việc học trực tuyến ra sao trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Hiện Uyên ở với mẹ trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, trong một căn phòng trọ mà nhà em mới chuyển đến.
 
Vì dịch bệnh nên mẹ Uyên không có việc làm, ở nhà trông trẻ kiếm sống qua ngày. Mẹ Uyên có một chiếc điện thoại thông minh có thể kết nối Zalo, phương tiện duy nhất giúp Uyên liên lạc với giáo viên cho các bài học ở nhà. 
 
Uyên cho biết cô giáo chủ nhiệm chia lớp theo từng nhóm nhỏ với các khung giờ khác nhau để phù hợp với điều kiện của từng em. “Cô sẽ gọi học Zalo theo từng nhóm, mỗi nhóm một giờ khác nhau, cứ 2 bạn một nhóm ạ. Em học từ 3 giờ rưỡi đến 5 giờ rưỡi” - Uyên cho biết. Cứ sáng thứ Sáu hàng tuần Uyên sẽ lên lớp nộp lại bài tập cho cô và nhận bài tập mới cho tuần kế tiếp. Nếu chưa hiểu bài em và các bạn trong lớp có thể gọi trực tiếp cho cô để hỏi; mỗi lần làm bài tập hay đọc viết cô giáo đều yêu cầu học sinh chụp hình lại gửi cho cô để sửa lỗi. 
 
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 5, lớp Tố Uyên đang học: “Dạy và học trực tuyến gặp khá nhiều khó khăn bởi vì trong lớp có một số em tiếp thu rất chậm. Trực tiếp tại lớp còn khó huống chi việc dạy trực tuyến như thế này”. Nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh bất khả kháng, cô phải vừa dạy vừa “dỗ” học sinh, vận động phụ huynh cố gắng duy trì việc học của con em dù không đến lớp được. “Tôi cứ mong dịch sớm qua đi, cô trò gặp nhau, khi đó sẽ có điều kiện để giúp các em nắm vững bài học hơn, giúp các em có nền tảng kiến thức để có cơ hội tiếp tục lên học trung học cơ sở năm sau” - cô Thu hy vọng.
 
Nhưng với các lớp nhỏ hơn, việc dạy trực tuyến khó hơn nhiều. Như cô giáo Hồ Thị Thu Lý - giáo viên chủ nhiệm lớp 2, việc dạy và học trực tuyến của lớp cô tốn rất nhiều thời gian so với học trực tiếp và khả năng các em tái mù chữ rất cao. Cô Lý cũng chia lớp thành hai nhóm, một nhóm nhà có truyền hình thì học truyền hình theo chuẩn chung, cô sẽ dành thời gian ôn lại những kiến thức các em đã học trên truyền hình, đặt câu hỏi để biết được các em nắm bài đến đâu. Còn nhóm thứ hai, nhà các em không có truyền hình thì cô phải dạy kỹ hơn qua điện thoại. 
 
Để kiểm tra bài, như tiết tập đọc, cô Lý sẽ đọc mẫu trước, sau đó nhờ phụ huynh quay lại quá trình các em đọc theo và gửi về cho cô qua Zalo để xem tốc độ đọc cũng như cách phát âm của từng học sinh thế nào để có thể sửa kịp thời. Hay như kỹ năng tính toán, các em ghi bài và làm vào vở bài tập toán, mỗi thứ ba hàng tuần phụ huynh sẽ mang vở lên lớp để cô xem và chấm điểm trực tiếp. Nếu em nào yếu quá, thì phải yêu cầu phụ huynh đưa em trực tiếp lên lớp để cô giải thích kỹ hơn.
 
Cũng như cô Thu lớp 5, cô Lý cũng phải chia giờ sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh nhà các em. Như em Trần Thị Hồng Ngọc, một học sinh trong lớp ở trọ trên đường Hoàng Diệu, Phường 5, do nhà Ngọc chỉ có một chiếc điện thoại có kết nối Zalo của bố em, là anh Trần Ngọc Duy (35 tuổi) làm thợ xây dựng. Muốn học Ngọc phải đợi cho đến buổi tối bố đi làm về em mới có điện thoại để học. Mỗi ngày Ngọc học từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối, em học rất chăm với sự giúp đỡ của bố. “Dù học trực tuyến nhưng tôi thấy con học hiệu quả lắm, đúng giờ đúng giấc nữa, cô giáo giảng bài rõ ràng” - anh Ngọc nói
 
Theo thầy giáo Hà Anh, dù học trực tuyến còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung học sinh trong các lớp linh hoạt từ đầu năm học đến nay đều tích cực học tập. “Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em đã có nhiều thiệt thòi, không thể đến lớp học bình thường như mọi học sinh cùng lứa tuổi khác nên Nhà Dòng cùng các cô giáo luôn cố gắng hết sức giúp các em học hành, mong các em có một tương lai tươi sáng hơn” - thầy Anh chia sẻ.
 
Nhà Dòng nơi trường đứng chân lâu nay theo thầy Anh cũng nỗ lực vận động trong và ngoài tỉnh, nhưng do dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến mọi mặt xã hội nên sự ủng hộ giúp đỡ từ các nhà hảo tâm cũng như các mạnh thường quân giảm hẳn so với mọi năm. “UBND Phường 2 vừa rồi có hỗ trợ đồng phục gồm 40 áo khoác và áo len, một số nhà hảo tâm khác trong thành phố trong tỉnh cũng ủng hộ sách, bút cho các em. Cùng đó, gia cảnh gia đình các em cũng hết sức khó khăn do mất việc, do không về quê được nên Nhà Dòng cũng vận động nhà hảo tâm giúp đỡ các gia đình được ít nhiều” - thầy Anh cho biết. 
 
“Chúng tôi sẽ cố gắng, nỗ lực hết sức, làm sao duy trì được việc học một cách tốt nhất để các em nắm được kiến thức, không bị mù chữ dù là trong mùa dịch” - thầy Anh chia sẻ.
 
Phóng sự: TRẦN THẢO - VIẾT TRỌNG