Bảo vệ rừng giáp ranh vẫn còn nan giải

05:12, 24/12/2021

Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực,...

Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm tra khu vực rừng giáp ranh, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác phối hợp cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi, cần khắc phục để nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
 
Thời gian qua, có thể nói rằng, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ rừng đã được các cơ quan, đơn vị chủ rừng và chính quyền huyện, xã giáp ranh của 2 tỉnh phối hợp thực hiện khá tốt. Các địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về QLBVR và Luật Lâm nghiệp; tổ chức cho người dân sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, không vi phạm Luật Lâm nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Lực lượng chức năng các địa phương cấp huyện, cấp xã trong vùng giáp ranh thời gian qua đã tổ chức tuần tra, truy quét bảo vệ rừng với thái độ rất kiên quyết, góp phần từng bước đẩy lùi tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tại vùng giáp ranh. Đơn cử, huyện Đơn Dương đã ban hành 24 kế hoạch, tổ chức 188 đợt kiểm tra QLBVR vùng giáp ranh, phát hiện, xử lý 5 vụ vi phạm; huyện Đức Trọng ban hành 6 kế hoạch kiểm tra truy quét vùng giáp ranh với 55 lượt người tham gia, phát hiện 31 vụ vi phạm QLBVR khu vực giáp ranh, thu giữ nhiều tang vật, phương tiện vi phạm…
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên công tác QLBVR ở khu vực giáp ranh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Các hành vi phá rừng, khai thác, mua bán, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh vẫn còn xảy ra và có diễn biến phức tạp; những vụ vi phạm phức tạp, quy mô lớn chưa được cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; công tác phối hợp chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ, chưa được duy trì thường xuyên nên khi hết đợt truy quét thì tình hình vi phạm lại tiếp tục xảy ra.
 
Nguyên nhân khiến tình trạng QLBVR ở những khu vực này vẫn còn khó khăn do điều kiện địa hình ở những khu vực này rất phức tạp, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, lực lượng kiểm lâm lại mỏng; phương tiện, công cụ thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu công tác; trong khi đó, đời sống người dân khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh phần lớn còn nhiều khó khăn; việc xử lý các đối tượng vi phạm, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật nghiêm. Bên cạnh đó, đây lại là khu vực có nhiều loại gỗ quý nên các đối tượng vi phạm thường rất liều lĩnh, tinh vi. Các đối tượng thường dùng xe độ chế để vận chuyển lâm sản, bố trí người canh phòng, cảnh giới lực lượng chức năng nên việc tuần tra phát hiện gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó việc quản lý nhân khẩu hộ khẩu, quản lý, xử lý các loại xe ô tô, mô tô độ chế, hoán cải vẫn chưa chặt chẽ. Đặc biệt, một số đơn vị chủ rừng và các xã vùng giáp ranh trách nhiệm chưa cao, thiếu tích cực, có lúc có nơi chưa quyết liệt, chưa chủ động trong công tác QLBVR...
 
Để nâng cao hiệu quả công tác QLBVR giáp ranh trong thời gian tới, tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp có hiệu quả, trong đó, chú trọng đến các hộ dân sống gần rừng, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng; rà soát, xác định và yêu cầu các đối tượng trước đây đã tham gia phá rừng, khai thác lâm sản trái phép ký cam kết không tham gia phá rừng, khai thác rừng trái phép; xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, đặc biệt là đối tượng đầu nậu, cầm đầu. Củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao trách nhiệm, đạo đức, phẩm chất của lực lượng QLBVR theo hướng đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo về công cụ hỗ trợ, cùng phối hợp với lực lượng công an và Nhân dân tham gia QLBVR. Phối hợp, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, ưu tiên đầu tư các dự án phát triển nông, lâm nghiệp trong cộng đồng dân cư vùng giáp ranh; định hướng, hướng dẫn Nhân dân sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất ổn định, nâng cao thu nhập, giảm sức ép vào rừng.
 
Tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí, phương tiện, kỹ thuật (lắp đặt camera) và điều kiện sinh hoạt cần thiết cho lực lượng thực hiện công tác QLBVR tại các chốt bảo vệ rừng vùng giáp ranh và một số vị trí trọng yếu vùng giáp ranh để quản lý, giám sát phục vụ công tác điều tra, xử lý đối tượng vi phạm các quy định QLBVR ở vùng giáp ranh; kiểm tra, rà soát việc quản lý sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân tại khu vực giáp ranh theo quy định; quản lý chặt chẽ, kịp thời lập hồ sơ xử lý đối với các sai phạm, vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh; tổ chức bàn giao diện tích đất xây dựng chốt bảo vệ rừng tại thực địa theo chủ trương của UBND tỉnh.
 
NGUYỄN NGHĨA