Khai thác cát, đá trái phép dọc sông Đạ Dâng

05:12, 28/12/2021

Thời gian qua, khu vực ven sông Đạ Dâng và Tiểu khu 243, thuộc địa phận xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật đang diễn ra lén lút, khiến người dân tại đây bày tỏ bức xúc vì đường sá cũng như nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng.

Thời gian qua, khu vực ven sông Đạ Dâng và Tiểu khu 243, thuộc địa phận xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật đang diễn ra lén lút, khiến người dân tại đây bày tỏ bức xúc vì đường sá cũng như nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng.
 
Nhiều vị trí sông Đạ Dâng tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà bị khai thác cát trái phép
Nhiều vị trí sông Đạ Dâng tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà bị khai thác cát trái phép
 
Theo ghi nhận, trung tuần tháng 12/2021, các tàu hút cát cùng thuyền chở cát chạy ngược xuôi các vị trí dọc hai bên bờ sông Đạ Dâng, thuộc lòng hồ Thủy điện Đạ Chomo để khai thác cát. Sông Đạ Dâng, đoạn từ đập thủy điện chạy ngược lên hướng giáp ranh với xã Lát, huyện Lạc Dương, bị đào bới nham nhở, dòng chảy nhiều vị trí đã thay đổi, nước quanh năm đục ngầu bùn đất. Cát được khai thác đưa lên tập kết bên bờ sông, thuộc địa phận xã Phi Tô, sau đó xe tải lớn của các doanh nghiệp từ TP Đà Lạt và huyện Lâm Hà xuống chở đi tiêu thụ.
 
Theo người dân nơi đây, tình trạng khai thác cát trên sông Đạ Dâng, đoạn chảy ra địa phận xã Mê Linh và Phi Tô, huyện Lâm Hà đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng chưa thể ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Không chỉ khai thác cát lậu, qua bên kia bờ sông Đạ Dâng, các dãy núi thuộc Tiểu khu 243 (xã Phi Tô, huyện Lâm Hà) chúng tôi còn ghi nhận gần 10 điểm nhỏ lẻ đang khai thác đá trái phép. Mỗi địa điểm khai thác đá ít thì có 3-4 người, điểm nhiều lên tới vài chục người. 
 
Đá được chủ các khu mỏ thu mua lại từ các thợ được thuê chẻ dao động khoảng 2.000 đồng/viên, chở lên TP Đà Lạt bán tới tay người tiêu dùng trung bình 6.000 đồng/viên, kích thước 20x30 cm. Mỗi ngày, một người thợ chẻ đá lành nghề có thể chẻ được khoảng 300 viên. Vị trí tác động tại các địa điểm khai thác đá bất hợp pháp ở Tiểu khu 243, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà có diện tích từ vài sào tới cả ha. Để phục vụ việc khai thác, vận chuyển đá ra khỏi các khu mỏ, nhiều địa điểm đã được “chủ đầu tư” lát đá chẻ lên mặt đường.
 
Người dân địa phương cho biết, đá khai thác trái phép được các doanh nghiệp chở lên TP Đà Lạt qua hướng xã Mê Linh hoặc ngược theo sông Đạ Dâng, lên địa phận xã Lát, huyện Lạc Dương sau đó vòng ra Đà Lạt. Các hộ dân hai bên đường chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì xe quá khổ, quá tải chở khoáng sản trái phép đi qua. Các con đường liên thôn luôn trong tình trạng bụi bặm, tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Điển hình nhất là tuyến đường từ trung tâm xã Mê Linh đi thôn Hang Hớt mặc dù mới được trải nhựa nhưng nhiều vị trí đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường in hằn các bánh xe chở vật liệu xây dựng, xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ gà”.
 
Trước đó, cung đường ĐT 725, đoạn từ TP Đà Lạt đi huyện Lâm Hà, lâu nay vốn được xem là cung đường chuyên chở vật liệu xây dựng từ các mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có rất nhiều mỏ lậu tại không ít địa phương của huyện Lâm Hà ngược lên TP Đà Lạt. Trong khi làn đường từ Đà Lạt đi huyện Lâm Hà, mặt đường còn khá đẹp thì làn đường chiều từ huyện Lâm Hà lên TP Đà Lạt lại xuất hiện nhiều điểm chắp vá do đường sá hư hỏng.
 
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Lâm Hà, những ngày qua đơn vị đã tiến hành kiểm tra, vào cuộc xác minh. Bước đầu, lực lượng chức năng huyện Lâm Hà phát hiện có nhiều vị trí người dân tự ý khai thác đá chẻ làm vật liệu xây dựng. Một lượng lớn đá thành phẩm vẫn còn ở hiện trường. Trên sông Đạ Dâng, tình trạng khai thác cát bất hợp pháp xảy ra tại một số vị trí, nhất là khu vực lòng hồ Thủy điện Đạ Chomo. Lực lượng chức năng huyện Lâm Hà đã lập biên bản vi phạm đối với những người liên quan đến hành vi khai thác đá và cát trái phép. Hiện Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Lâm Hà vẫn đang phối hợp với UBND một số xã trên địa bàn tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý những trường hợp khai thác khoáng sản trái pháp luật.
 
Trong năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước với hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, mới đây, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu một số địa phương chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản cát, đá. UBND tỉnh đánh giá một số địa phương quản lý tình trạng khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ, còn để xảy ra khai thác trái phép, không phép, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là hoạt động khai thác đất san lấp, cát, sỏi lòng sông, suối, vàng, thiếc, cao lanh... gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.
 
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ra chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn. UBND tỉnh chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp chính quyền, sở, ngành, đồng thời nêu rõ, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép hoặc thành lập bến, bãi tập kết khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu.  
 
C.PHONG