Lạc Dương: Chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

06:01, 11/01/2022
Để triển khai tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã tăng cường công tác chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm cùng các địa phương có rừng trên địa bàn nhằm tăng cường triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Qua đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn do đơn vị quản lý đã giảm đáng kể.
 
Trên những diện tích rừng bị phá, Ban QLRPHĐN Đa Nhim đã nhanh chóng tiến hành giải tỏa và trồng lại rừng, khoanh nuôi tái sinh
Trên những diện tích rừng bị phá, Ban QLRPHĐN Đa Nhim đã nhanh chóng tiến hành giải tỏa và trồng lại rừng, khoanh nuôi tái sinh
 
Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (QLRPHĐN) Đa Nhim hiện đang quản lý hơn 40.689 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, với 49 tiểu khu nằm trên địa bàn 5 xã gồm: Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais, Lát, Đưng K’nớ và thị trấn Lạc Dương. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 23.176,2 ha, rừng sản xuất là 17.380,6 ha, diện tích có rừng ngoài lâm nghiệp là 132,5 ha. 
 
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Lạc Dương và cấp trên, thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã tăng cường công tác phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và các xã trên địa bàn triển khai nhiều biện pháp bám nắm địa bàn, tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Các trạm quản lý, bảo vệ rừng phụ trách các xã đã phát huy tốt vai trò của mình, nhất là tích cực tham mưu cho chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp để quản lý và bảo vệ rừng một cách hiệu quả.
 
Ghi nhận tại các xã Đạ Chais, Đạ Sar, Đa Nhim, là những địa phương “nóng” về tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là tình trạng phá rừng bằng hình thức ken cây, đổ hóa chất làm cho cây chết để lấn chiếm đất rừng lấy đất sản xuất. Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, tại 2 xã Đạ Chais và Đa Nhim, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn đã giảm đáng kể, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến rõ nét. 
 
Trong khi đó, mặc dù xã Đạ Sar vẫn đang là “điểm nóng” về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép, song chuyển biến bước đầu là hầu hết các vụ việc đều được đơn vị kịp thời điều tra làm rõ đối tượng vi phạm, đề xuất lên các cấp, ngành chức năng để xử lý theo đúng thẩm quyền. 
 
Ông Hoàng Văn Tiềm - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar cho biết: Hiện đơn vị đang quản lý trên 9.779 ha rừng, với các tiểu khu 98, 99, 115, 116, 118, 132, 133, 134, 135. Trong năm 2021, trên địa bàn xã Đạ Sar đã xảy ra 17 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với tổng diện tích rừng bị vi phạm hơn 0,9 ha, khối lượng lâm sản bị thiệt hại là 133,17 m3. So với năm 2020, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn đã giảm đáng kể.
 
Theo ông Hoàng Văn Tiềm, để tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, đơn vị đã huy động 100% quân số ngày, đêm đóng chốt, tuần tra giữ rừng. Bên cạnh đó, các tổ, trạm đã đồng hành cùng hàng trăm hộ dân nhận khoán tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng theo lịch đã phân công, nhất là vào ban đêm, các ngày nghỉ, ngày lễ, mỗi đợt từ 3 đến 5 ngày trên lâm phần được giao quản lý. Ngoài ra, tại các điểm xung yếu, đơn vị lập chốt trực 24/24h để canh giữ, ngăn chặn lâm tặc xâm hại rừng. Đồng thời, tham mưu tốt cho chính quyền địa phương triển khai nhiệm vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng. 
 
Ông Đinh Hữu Đạo, Phó Trưởng Ban QLRPHĐN Đa Nhim cho biết: Trong năm 2021, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo rất quyết liệt cho đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là xử lý vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Tất cả các vụ phá rừng đủ điều kiện khởi tố, chúng tôi đều nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ gửi các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 
 
Riêng trong năm 2021, trên lâm phần do đơn vị quản lý đã xảy ra 48 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với tổng diện tích rừng bị thiệt hại 3,15 ha, khối lượng lâm sản bị tác động, thiệt hại là 355,15 m3. So với cùng kỳ năm 2020 giảm 4 vụ, diện tích tác động giảm 2,06 ha, lâm sản tác động, thiệt hại giảm 68,112 m3. Trong đó, đã có 47 vụ xác định được đối tượng vi phạm.
 
Theo ông Đinh Hữu Đạo, để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái phép, Ban QLRPHĐN Đa Nhim đã thực hiện nhiều phương án, cách làm mới như: Phân công lịch trực cụ thể cho viên chức của trạm và các hộ nhận khoán để thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra rừng, chốt trực và mật phục; phân công cán bộ phụ trách tiểu khu thực hiện việc trực trạm, phải đủ lực lượng để xử lý khi có các vụ việc xảy ra. 
 
Đặc biệt, ở những khu vực được coi là điểm nóng về vi phạm, các trạm QLBVR tổ chức cho nhân viên phụ trách tiểu khu cùng với các tổ, hộ nhận khoán tăng cường thực hiện việc tuần tra, kiểm tra vào các thời điểm chiều tối, ban đêm và sáng sớm, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, bắt quả tang các đối tượng vi phạm; bám sát quần chúng nhân dân, nắm bắt tình hình, thông tin để kịp thời và cương quyết truy tìm các đối tượng vi phạm.
 
Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được đơn vị quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, lồng ghép các nội dung tuyên truyền trong các buổi họp thôn, xóm, họp tổ nhận khoán hàng tháng, lồng ghép trong các buổi tuần tra, kiểm tra rừng. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân đối với vai trò, tác dụng của rừng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Riêng trong năm 2021, đơn vị đã lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp tổ nhận khoán thu hút 3.374 lượt người tham gia.
 
Bên cạnh đó, để phát triển rừng, tăng diện tích rừng, đơn vị đã tiến hành trồng rừng sau giải tỏa, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung trên diện tích 47,41 ha với 86.328 cây xanh các loại; trồng mới gần 5.000 cây Mai anh đào để làm dải phân cách xanh giữa đất lâm nghiệp giáp ranh với diện tích canh tác nông nghiệp trên tổng chiều dài 16 km…
 
HOÀNG SA