Môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện

05:01, 21/01/2022
Đã có không ít các mô hình bảo vệ môi trường xuất hiện, hoạt động hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh những năm gần đây, hầu hết do các đoàn thể tổ chức thực hiện và từng bước được nhân rộng ở cơ sở, góp phần không nhỏ để cải thiện môi trường sống nông thôn.
 
Một hộ gia đình đầu tư xây dựng hệ thống hầm biogas để sử dụng trong chăn nuôi tại huyện Đạ Tẻh.
Một hộ gia đình đầu tư xây dựng hệ thống hầm biogas để sử dụng trong chăn nuôi tại huyện Đạ Tẻh.
 
  GIẢM LƯỢNG RÁC THẢI RA MÔI TRƯỜNG 
 
Trong tháng 3/2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đạ Huoai đã phối hợp với chính quyền địa phương cho ra mắt mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại Tổ dân phố 6, thị trấn Madaguôi, Đạ Huoai.
 
Với 240 gia đình trong tổ đăng ký tham gia qua quá trình vận động, đây là mô hình điểm đầu tiên tại huyện Đạ Huoai về phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã cử người tham gia cùng chi hội và chính quyền cơ sở đến tận các nhà dân để vận động, phát tờ rơi hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, đồng thời trao tặng các gói chế phẩm sinh học giúp người dân xử lý rác hữu cơ.
Đối tượng chính trong đợt vận động này là phụ nữ, những người chủ nhân quan trọng trong gia đình, thông qua đó để tác động đến toàn bộ các thành viên còn lại trong nhà. Việc phân loại rác thải tại nguồn được Hội Phụ nữ huyện lồng ghép với tiêu chí 3 sạch trong Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” của Hội, góp phần xây dựng nông thôn mới hiện nay tại huyện. 
 
“5 không” trong cuộc vận động của Hội là không đói nghèo, không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; còn “3 sạch” là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
 
Các hộ gia đình đăng ký tham gia được yêu cầu phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nhà, tách rác thải nhựa, chai lọ ra khỏi rác để xử lý hoặc tái sinh; các phụ phẩm nông nghiệp hữu cơ được tách riêng, có thể xử lý ngay tại vườn nhà như chôn lấp hay để vào hố ủ phân sinh học bón cho cây trồng. Mục tiêu của mô hình này nhằm hạn chế lượng rác thải sinh hoạt đưa ra môi trường hằng ngày gây ô nhiễm, giảm tải cho việc xử lý rác thải sinh hoạt tập trung hiện nay. Sau khi triển khai tại đây, Hội Phụ nữ huyện cho biết sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình ra các xã và thị trấn trong huyện.
 
Trước đó, tại huyện Đạ Tẻh, trong năm 2019 cũng đã từng bước thực hiện thí điểm chương trình phân loại rác thải tại nguồn trong các vùng nông thôn và tiến đến áp dụng toàn huyện, và đây là huyện tiên phong tại Lâm Đồng thực hiện chương trình này. 
 
Mục tiêu như Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết, đó là xử lý rác thải hữu cơ tại chỗ; giảm lượng rác thải trong đó có rác thải nhựa đưa ra môi trường. Việc phân loại rác thải tại hộ gia đình được thực hiện trong toàn huyện nhưng chú trọng vào vùng nông thôn vì nhiều gia đình có đất vườn rộng, có thể xử lý rác thải hữu cơ để biến rác thành phân bón phục vụ cho canh tác. Hằng năm, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác thải tại gia đình cho người dân ở tất cả các xã với hàng nghìn lượt người tham gia, chủ yếu là phụ nữ. 
 
Tại Đơn Dương, theo ông Hoàng Công Hiếu, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường, lâu nay huyện cũng giao cho Mặt trận Tổ quốc huyện cùng các đoàn thể các cấp triển khai các mô hình bảo vệ môi trường cảnh quan trong các khu dân cư; phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong cộng đồng để xây dựng các mô hình đường hoa, mô hình thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, thu gom rác thải nhựa; thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng; tổ chức ra quân Ngày Chủ nhật xanh định kỳ trong tuần thứ 2 hằng tháng; tổ chức các buổi ra quân tuyên truyền vệ sinh môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để nâng cao nhận thức cộng đồng. 
 
  MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN ĐƯỢC CẢI THIỆN
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã trong những năm gần đây ngày càng được quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật vận hành hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi kinh doanh được các cấp chú trọng. 
 
Trong trồng trọt, các cấp, các ngành liên quan trong tỉnh lâu nay đã mở rộng mô hình thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng, nơi sản xuất; khuyến khích người dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sử dựng các sản phẩm sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp. 
 
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành chức năng tỉnh cũng chỉ đạo tiếp tục mở rộng các mô hình xử lý môi trường, làm hầm biogas theo công nghệ mới, thực hiện qui hoạch các vùng, đưa chăn nuôi ra khỏi các khu dân cư, tránh ảnh hưởng đến môi trường sống; vận động hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện thường xuyên vệ sinh chuồng trại, vệ sinh môi trường chung quanh; tiêu độc khử trùng, xây dựng chuồng trại kiểu mới, xây tường cách ly, sử dụng sinh phẩm để xử lý chất thải. 
 
Về thu gom rác thải sinh hoạt, chính quyền các xã đã chỉ đạo các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi… vận động người dân phân loại rác thải và xử lý chất thải hữu cơ tại nhà làm phân bón, thu gom rác thải về xử lý tại các bãi rác chung của huyện. Các nghĩa trang trong tỉnh cũng đang từng bước được chỉnh trang theo quy hoạch. 
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2022, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn, tạo nên những vùng nông thôn “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng và triển khai một số mô hình xử lý môi trường để áp dụng, tổ chức thu gom xử lý rác thải nông nghiệp ngay tại đồng ruộng, nơi sản xuất; tăng cường thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật; xử lý rác thải phù hợp với đặc thù từng địa phương; nhân rộng, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đầu tư các cơ sở xử lý rác thải, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.
 
VIẾT TRỌNG