Giải pháp bình ổn thị trường xăng, dầu

05:03, 25/03/2022
Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức vừa qua đã tạo được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và Nhân dân. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. 
 
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu trực tuyến Lâm Đồng.
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu trực tuyến Lâm Đồng.
 
Theo đó, rất nhiều vấn đề nóng liên quan đến giá xăng tăng, thổi giá đất, bất cập trong quản lý quy hoạch, đấu giá bất động sản... được ĐBQH chất vấn các bộ, ngành Trung ương, các thành viên Chính phủ. Theo chỉ đạo chung: Trong lúc khó khăn, phải áp dụng biện pháp cấp bách để phát triển kinh tế và hỗ trợ người dân - Đó là biện pháp được Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo thời gian tới...
 
Nhóm vấn đề được các ĐBQH quan tâm trên cơ sở kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước đó là: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
 
Mới đây nhất, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12.2022 trên cơ sở các ý kiến ĐBQH tại phiên chất vấn. Theo đó, giảm 50% so với mức thuế hiện hành đối với xăng (giảm 2.000 đồng/lít) và dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn (giảm 1.000 đồng/lít); giảm 70% so với mức thuế hiện hành đối với dầu hỏa (giảm 700 đồng/lít) từ ngày 1/4/2022. Điều này đã góp phần quan trọng bình ổn thị trường xăng, dầu. 
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, theo quy định của Luật Giá thì xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, đời sống và giá bán xăng, dầu được Nhà nước quản lý, điều hành nhằm bảo đảm bình ổn giá cả. Trước bối cảnh thị trường xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao trong thời gian qua, để bảo đảm cân đối cung - cầu mặt hàng xăng, dầu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về thuế.
 
Các sắc thuế hiện hành áp dụng đối với mặt hàng xăng, dầu hiện nay gồm: thuế nhập khẩu (đối với xăng, dầu nhập khẩu), thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng), thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng (không thu phí, lệ phí đối với xăng, dầu). Từ cơ cấu các chính sách thuế đối với xăng, dầu nêu trên thì giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc đề xuất với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá xăng, dầu, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện giá xăng, dầu thế giới tăng cao. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc này chắc chắn sẽ làm giảm thu ngân sách, đặt ra áp lực cân đối ngân sách của Chính phủ nhưng Bộ Tài chính với tinh thần chia sẻ với người dân, doanh nghiệp; cùng với đó, Bộ Công thương cũng rất quan tâm đến vấn đề này. 
 
Trong bối cảnh tới đây, giá xăng, dầu thế giới có thể còn tiếp tục tăng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần phải sử dụng các công cụ khác để hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng, dầu, giữ giá xăng, dầu trong nước ổn định.
 
Ngay sau phiên chất vấn và cuộc họp thông qua nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định quản lý, điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới; đồng thời, có đủ các giải pháp để bảo đảm giá bán xăng, dầu hợp lý phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của Nhân dân, kiểm soát lạm phát, rà soát điều chỉnh phù hợp các khoản thuế phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức chi phí, định mức hao hụt, định mức lợi nhuận, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu để bình ổn giá thị trường và các giải pháp khác về kinh tế, an sinh xã hội. Trong đó, lưu ý tới các giải pháp bảo đảm nguồn lực, cân đối ngân sách, tiếp tục thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường và phát triển bền vững.
 
HÀ NGUYỆT