Tăng cường quản lý an toàn giao thông đường thủy

06:04, 06/04/2022
Để bảo đảm an toàn giao thông thủy trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các cấp, ngành chức năng đã và đang tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động giao thông đường thủy, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
 
Công an huyện Cát Tiên phát hiện và tạm giữ 2 tàu hút cát không phép trên địa bàn
Công an huyện Cát Tiên phát hiện và tạm giữ 2 tàu hút cát không phép trên địa bàn
 
Lâm Đồng có 3 con sông chính là sông Đa Nhim, sông Krông Nô, sông Đồng Nai; có nhiều suối, hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh du lịch trên cả 12/12 huyện, thành phố. Hiện nay, trên tất cả các địa bàn các huyện, thành phố đều có hoạt động giao thông đường thủy nội địa, với các hoạt động thủy nội địa chính như: vận tải đường thủy nội địa; kinh doanh du lịch; khai thác khoáng sản; thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên các tuyến đường thủy nội địa chính như: sông Đồng Nai thuộc hai huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên giáp với huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) và huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước); sông Đa Nhim thuộc 4 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh; sông Krông Nô, thuộc huyện Đam Rông giáp huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk).
 
Về phương tiện giao thông thủy nội địa, hiện, toàn tỉnh có 29 tàu hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai ở hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đối với tàu hoạt động nạo vét bùn, cát lòng hồ, tại huyện Đơn Dương có 9 tàu; Lâm Hà có 5 tàu; Đức Trọng có 2 tàu; Di Linh có 6 tàu; Bảo Lâm có 2 tàu. Số phương tiện kinh doanh du lịch, vận tải khách du lịch tập trung chủ yếu tại thành phố Đà Lạt với 8 ca nô (hồ Xuân Hương 5 chiếc; thung Lũng Tình Yêu 3 chiếc); 57 tàu chở khách du lịch ở hồ Tuyền Lâm (50 chiếc đang hoạt động, 7 chiếc hư hỏng đang sửa chữa), tất cả ca nô và tàu chở khách du lịch đều có đăng ký, đăng kiểm và 158 chiếc Pedalo (phương tiện đạp nước) phục vụ du lịch.
 
Trung tá Đỗ Quốc Hùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy - Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong những năm gần đây, tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, vào cuộc của các ban, ngành, địa phương. Nhờ đó, tai nạn giao thông đường thủy nội địa không xảy ra. Tuy nhiên hiểu biết, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của người dân chưa cao. Tình trạng sử dụng phương tiện giao thông thủy tự chế, thiếu các dụng cụ cứu sinh, cứu đắm để vận chuyển người và phục vụ sản xuất nông nghiệp phổ biến trên nhiều tuyến sông, suối, hồ. Thêm vào đó, người điều khiển phương tiện thủy không có các chứng chỉ chuyên môn chiếm tỷ lệ cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy. Việc quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy hiện gặp nhiều khó khăn…
 
Do đó, công tác đảm an toàn giao thông thủy trên địa bàn tỉnh đã được Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng và các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thì công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm được Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy xem là một trong những giải pháp rất quan trọng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường thủy. Ngoài ra, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và Ban Chỉ đạo An toàn giao thông tỉnh cũng thường xuyên thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, cùng phối hợp với các địa phương để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. 
 
Riêng trong năm 2021, Đội đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho 32 lượt chủ phương tiện; phát 770 tờ rơi tuyên truyền đến người tham gia giao thông đường thủy; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa cho 27 phương tiện thủy, chủ bến cát, bến đò chở khách ngang sông; phát hiện, lập biên bản 12 trường hợp vi phạm, chuyển kho bạc nhà nước thu hơn 37,5 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động 1 tàu. Đồng thời, trao tặng 40 áo phao cho người điều khiển tàu, thuyền và người đi đò tại huyện Cát Tiên. 
 
Bên cạnh đó, qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục nhắc nhở các chủ phương tiện không neo đậu tàu thuyền gần khu vực cầu, cống nhằm bảo đảm an toàn cho người, tài sản và phương tiện khi tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa; các quy định về bến bãi, phương tiện chở khách, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người quy định, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn; kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện an toàn hoạt động. 
 
Theo Trung tá Đỗ Quốc Hùng, để siết chặt hoạt động an toàn giao thông đường thủy, thời gian tới, Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy sẽ tăng cường công tác kiểm tra đột xuất về giao thông đường thủy nội địa trên toàn tỉnh. Đặc biệt, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng cũng đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện thủy vận chuyển hành khách, hàng hóa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chở quá tải trọng, không đăng ký, đăng kiểm, không cấp phép rời bến…
 
Riêng đối với các địa phương như: thành phố Đà Lạt, Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Cát Tiên, Đạ Tẻh nơi có bến thủy nội địa hoạt động, chúng tôi đề nghị các cấp, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân chấp hành các quy định khi đi trên tàu, thuyền. Ngoài ra, phải kiểm tra, xử lý các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng không phép cũng như xử lý việc tàu thuyền chở quá tải trọng, hành khách không mặc áo phao - Trung tá Hùng cho hay. 
 
HOÀNG SA