Tổ hợp tác - hướng giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn

05:04, 04/04/2022
Nhằm giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực và một trong số đó là mô hình tổ hợp tác (THT) góp phần quan trọng vào việc tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn. 
 
THT trồng dâu nuôi tằm chuyên phân phối vật tư nông nghiệp, cung ứng con giống, thu mua kén của Hội LHPN Đạ M’rông
THT trồng dâu nuôi tằm chuyên phân phối vật tư nông nghiệp, cung ứng con giống, thu mua kén của Hội LHPN Đạ M’rông
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông cho biết: Để tăng mức thu nhập ổn định, và tạo điều kiện sinh hoạt cho chị em trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận khoa học kỹ thuật dễ dàng hơn, Hội LHPN huyện khuyến khích hội viên thành lập và tham gia các THT tại địa phương. Đến nay, huyện Đam Rông đã và đang duy trì 3 THT với 40 thành viên. Các THT đang hoạt động phần lớn đều gắn với lĩnh vực nông nghiệp như: nuôi heo đen, trồng dâu nuôi tằm tại xã Đạ K’nàng và Đạ M’rông. 
 
Được thành lập gần 4 năm nay, THT sản xuất trồng dâu nuôi tằm chuyên phân phối vật tư nông nghiệp, cung ứng con giống, thu mua kén của hội viên Hội LHPN xã Đạ M’rông đã phát huy hiệu quả việc liên kết chị em hội viên cùng nhau phát triển kinh tế. Chị K’Jôn - thành viên của THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm cho hay: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng được vài sào cà phê để có thu nhập ổn định hằng năm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, cà phê có giá thành thấp, ngay khi đó, tôi được biết Hội LHPN xã thành lập THT nên tham gia và trở thành một trong những thành viên đầu tiên của tổ. 
 
Theo chị K’Jôn: “Tham gia THT sản xuất trồng dâu, nuôi tằm, gia đình có thu nhập ổn định, nhanh thu hồi vốn và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để chị em hội viên phát triển kinh tế. Hiện nay, mỗi tháng, gia đình thu về khoảng 8 triệu đồng, sau khi trừ chi phí”.
 
Tương tự, tại xã Đạ K’nàng, THT trồng dâu nuôi tằm đang dần trở nên thu hút đối với chị em sau hơn 2 năm thành lập. Với tổng diện tích gần 7 ha trồng dâu nuôi tằm, ngoài việc huy động hội viên vào THT, Hội LHPN xã còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân các nguồn vốn vay ưu đãi, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm cho hội viên; liên kết với các đơn vị thu mua để bao tiêu sản phẩm kén tằm ổn định. Qua đó, góp phần giúp chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đây cũng là mô hình triển khai thí điểm chương trình cho THT vay tín dụng với số vốn là 1.150 triệu đồng từ nguồn vốn của UBND tỉnh.
 
Theo đánh giá của Hội LHPN xã Đạ K’nàng: Thông qua các hoạt động THT hội viên phụ nữ ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường; trao đổi, chia sẻ lợi ích trong công việc, tăng cường mối quan hệ làng xóm, cộng đồng… Qua một thời gian hoạt động, THT đã phát huy hiệu quả gắn kết hội viên nông dân trong phát triển sản xuất, góp phần tăng năng suất và giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập. Hiện tổng thu nhập của chị em hội viên từ 8 đến 12 triệu đồng cho mỗi tháng nuôi một đến hai hộp tằm.
 
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông cho rằng, việc thành lập các THT đóng vai trò nhất định trong thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là với các gia đình tại huyện vùng sâu Đam Rông. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của THT đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho tổ viên, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Những năm gần đây, thu nhập của các thành viên trong từng tổ ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng; trừ chi phí, mỗi năm lợi nhuận bình quân ước đạt 35 - 40 triệu đồng/năm. 
 
“Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của THT vẫn còn những hạn chế; trong đó, hoạt động sản xuất chỉ dừng lại ở mức độ học tập, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau nên thường bị động trong đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của các tổ viên” - chị Thuyên thông tin thêm.
 
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông: Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tham mưu với các nghành chức năng của huyện nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm; song song với đó, đẩy mạnh giá thành lên cao. Đây cũng là một trong những hiệu quả từ những mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ để từ đó tạo sự đoàn kết, gắn bó, đồng thời, đã phát huy vai trò của Hội Phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của hội viên phụ nữ.
 
THÂN THU HIỀN