Bảo Lâm: Cà phê bị vàng lá, rụng trái không do chất lượng phân bón

01:05, 31/05/2022
(LĐ online) - Công an huyện Bảo Lâm cùng cơ quan chức năng địa phương đã công bố kết luận theo kết quả giám định chất lượng các mẫu phân bón N-P-K 16-16-8-8s nhãn hiệu KVF (Hàn Việt) của Trung tâm Kỹ thuật Đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đối với 3 bên (người dân, đại lý và đơn vị sản xuất phân bón). 
 
Cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm làm việc với các hộ dân có cà phê bị vàng lá, rụng trái sau khi bón phân
Cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm làm việc với các hộ dân có cà phê bị vàng lá, rụng trái sau khi bón phân
 
Đây là kết quả giám định chất lượng phân bón liên quan đến vụ việc các vườn cà phê của 3 hộ dân tại Thôn 13 (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) bị vàng lá, rụng trái sau khi bón phân N-P-K 16-16-8-8s nhãn hiệu KVF (Hàn Việt).
 
Theo kết quả giám định chất lượng cho thấy, 3 mẫu phân bón N-P-K 16-16-8-8s nhãn hiệu KVF (Hàn Việt) sản xuất bởi Công ty TNHH phân bón Hàn Việt (đóng tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) được cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm lấy tại vườn cà phê của người dân và đại lý cung cấp phân bón M.N (xã Lộc Ngãi). Các mẫu phân bón được lấy giám định thuộc 3 thời điểm sản xuất khác nhau, gồm: Mẫu số 1 sản xuất vào ngày 20/8/2021, mẫu số 2 sản xuất vào ngày 23/9/2021 và mẫu số 3 sản xuất vào ngày 23/10/2021 (được ghi rõ trên bao bì).
 
Kết quả giám định, hai mẫu số 1 và số 3, 6/6 chỉ tiêu đều đạt so với quy chuẩn Quy định số 3191/QĐ-BVTV-PB ngày 15/12/2017 về việc công nhận chất lượng phân bón lưu hành tại Việt Nam của Cục Bảo vệ thực vật. 
 
Đối với mẫu số 2 có 1/6 chỉ tiêu là hàm lượng P2O5hh,% (m/m) không đạt theo quy chuẩn tại Quy định số 3191 của Cục Bảo vệ thực vật. Kết luận cho thấy mẫu phân bón N-P-K 16-16-8-8s nhãn hiệu KVF không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Theo Công an huyện Bảo Lâm, từ kết quả giám định cho thấy, cả 3 mẫu phân bón trên không phải là phân bón giả như người dân phản ánh.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Nhi – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, căn cứ kết quả giám định mẫu phân bón của Trung tâm Kỹ thuật Đo lường chất lượng 3, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cùng Cục Quản lý Thị trường Lâm Đồng tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân cà phê của 3 hộ dân bị vàng lá, rụng trái sau khi bón phân. Từ đó đưa ra kết luận cuối cùng để trả lời cho người dân và các đơn vị liên quan để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên.
 
Về phía Công ty TNHH Hàn Việt, tới đây cũng sẽ làm việc với các hộ dân liên quan để đi đến thỏa thuận thống nhất về hướng giải quyết giữa Công ty, đại lý và người dân.
 
Được biết, Công ty TNHH Phân bón Hàn Việt có 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc, với các sản phẩm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, được sản xuất theo quy trình kỹ thuật đảm bảo quy định công nhận phân bón lưu hành nội bộ tại Việt Nam của Cục Bảo vệ thực vật. Hàng năm, tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Phân bón Hàn Việt cung cấp khoảng 18 – 20.000 tấn (chủ yếu bón cho các loại cây công nghiệp và cây ăn trái).
 
Như Báo Lâm Đồng Online đã thông tin: Trong tháng 4/2022, 3 trong nhiều hộ dân tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm), gồm các hộ: Bà Nguyễn Thị Tài, bà Phạm Thị Yến và ông Trần Văn Quân mua phân bón N-P-K 16-16-8-8s nhãn hiệu KVF (Hàn Việt) tại địa lý M.N về bón cho cà phê. Sau khi bón được hơn 10 ngày thì vườn cà phê của bà Tài, bà Yến và ông Quân xuất hiện tình trạng vàng lá, rụng trái. Vụ việc được 3 hộ dân này trình báo lên chính quyền và cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm để xem xét, xử lý.
 
Ngoài 3 hộ dân nói trên thì nhiều hộ dân khác mua phân bón từ đại lý này về bón cho vườn cà phê nhưng không xảy ra hiện tượng tiêu cực gì.
 
HẢI ĐƯỜNG