Cần quan tâm xử lý tình trạng thả chó rông gây nguy hiểm cho người đi đường ở đô thị

06:05, 17/05/2022
Đã có rất nhiều người phải tự đi chích ngừa, tự điều trị vết thương mà không biết phải bắt ai chịu trách nhiệm do bất ngờ bị những con chó thả rông gây ra giữa đường. Tuy nhiên, việc người dân thả rông chó ở đô thị vẫn khá phổ biến và việc xử lý vấn nạn này lâu nay vẫn còn bị xem nhẹ khiến nhiều người khóc dở, mếu dở vì gặp tai nạn không biết kêu ai. 
 
Tình trạng chó thả rông diễn ra khá phổ biến tại nhiều khu chung cư trên địa bàn TP Đà Lat. Ảnh: Hồng Hải
Tình trạng chó thả rông diễn ra khá phổ biến tại nhiều khu chung cư trên địa bàn TP Đà Lat. Ảnh: Hồng Hải
 
Tình trạng người nuôi chó nhưng không quản lý chặt chẽ, không rọ mõm, không xích, hay chỉ xích chó vào ban đêm để đề phòng trộm chó, còn ban ngày thả rông để canh nhà, hoặc nuôi chó nhốt trong nhà nhưng mỗi ngày lại thả chó chạy rông 1, 2 giờ đồng hồ để chó đi phóng uế bừa bãi, hoặc để chó không bị cuồng chân đã trở thành chuyện hết sức bình thường của không ít người dân sống ở đô thị. Ngay tại một khu dân cư thuộc khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, nơi có hàng trăm hộ kinh doanh cà phê, lưu trú, quán ăn thì việc thả rông chó vẫn trở thành chuyện phổ biến và đã gây rất nhiều vụ việc dở khóc, dở cười mà người gặp nạn cũng chẳng biết phải đòi bồi thường như thế nào, đành phải tự an ủi là gặp xui xẻo nhưng vẫn còn may là không bị quá nặng nên tự lo đi băng bó vết thương hay đi chích ngừa dại.
 
Chị Hà Giang, một vị khách Đà Nẵng đến Đà Lạt du lịch, khi đang chở bạn trên chiếc xe gắn máy thuê của chủ cơ sở lưu trú vào khu vực đường Đặng Thái Thân, Phường 3, TP Đà Lạt để uống cà phê thì một chú chó nhỏ ở đâu vừa được chủ thả xích bất ngờ lao vọt ra đường khiến chị không kịp tránh, va phải chú chó, té ngã xuống đường. Quần áo rách tươm, chân tay rướm máu, nhìn quanh thì chẳng biết ai là chủ con chó. Lồm cồm bò dậy, chị và bạn được người đi đường hỗ trợ lau chùi vết thương, sau khi định thần lại, chị Giang cùng bạn tự đưa nhau đi mua thuốc rồi về khách sạn băng bó vết thương và an ủi nhau “xui nhưng vẫn còn hên vì chỉ bị thương ngoài da”.
 
Trường hợp khác trong khu dân cư vào ngày cuối tuần, một số người cho con cái ra đầu hẻm tập xe đạp cùng bạn bè, trong khi đó các nhà khác thì thả chó ra cho chó chơi cho đỡ cuồng chân, bọn trẻ hiếu động nên chạy nhảy và chọc ghẹo chó và một đứa nhỏ chẳng may bị chó cắn nhẹ vào chân khóc ầm ĩ, thế là cả xóm nhốn nháo, gia đình sau khi không nỡ mắng vốn hàng xóm thì tự chở con đi chích ngừa dại. Một trường hợp khác, anh Đinh Huy, từ TP Hồ Chí Minh chạy xe ô tô lên Đà Lạt du lịch cuối tuần. Đang bon bon trên đường, bất ngờ xe của anh không kịp tránh nên tông phải 1 con chó đang chạy rông bị gãy chân. Vừa xuống xe xem tình hình như nào thì anh bị chủ của chú chó từ trong nhà chạy ra mắng xối xả là đi vào khu dân cư mà chạy quá nhanh, cán gãy cả chân con chó nhà anh vừa thả ra. Tình huống dở khóc, dở cười nhưng vì là người nơi khác đến du lịch không muốn phiền phức tranh cãi với người địa phương nên anh Huy đành đưa cho chủ chú chó ít tiền để đưa chó đi băng bó vết thương mặc dù xét về luật thì anh không sai mà do chú chó rượt nhau chạy loạn xạ ngoài đường khiến anh không tránh kịp.
 
Tương tự, chị N.T.N, ở Đà Lạt đang chạy xe gắn máy rất chậm trên trục đường 3 Tháng 4 thì phát hiện phía trước một con chó ở đâu trên vỉa bè đang bị người dân buôn bán bên đường dùng đá ném đuổi đi vì chạy vào quán của họ. Do bị ném đá đuổi đi nên con chó hoảng sợ chạy loạn xạ từ lề đường bên kia băng thẳng sang đường bên này, mặc dù đã đi rất chậm do nhìn thấy cảnh người dân đang đuổi chó nhưng chị N.T.N vẫn bị con chó do hoảng, tông thẳng vào bánh xe trước. Chị té lăn ra đường, chân vướng vào bánh xe trước và không may bị gãy xương chân trái. Người ném chó sợ quá trốn mất, còn chủ con chó thì chẳng biết ở đâu bắt đền. “Với lại lúc đó bị gãy chân đau quá chỉ lo nhờ người gọi xe đưa đi lên bệnh viện cấp cứu chứ ai còn nghĩ đến chuyện bắt đền” - chị N. T. N chia sẻ. Lần đó chị N.T.N cho biết chị đã phải mất 3 tháng bó bột và tập luyện để có thể đi lại bình thường.
 
Còn rất nhiều cảnh éo le khác gặp phải trên đường chính, đường hẻm do các hộ dân sống trong vùng thả chó chạy rông khắp nơi gây ra. Thế nhưng, những trường hợp như vậy lâu nay cũng chẳng biết kêu ai, trách ai mà hầu hết chỉ biết cảm thán là do xui. Biết rằng, việc xử lý chó thả rông khá khó khăn nhưng thiết nghĩ, khi đô thị đang ngày càng trở nên đông đúc, mật độ giao thông cũng tăng cao thì cần có thêm những chế tài xử lý nghiêm việc thả rông chó mèo ngoài đường. Những con vật này khi hoảng sợ rất dễ trở nên hoảng loạn, chạy loạn xạ khi nghe tiếng ồn hay bị xua đuổi. Công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc nuôi chó và không được thả rông vì có nguy cơ gây ra những tai nạn đáng tiếc cho người đi đường hay hàng xóm cũng cần phải được quan tâm bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và cả phổ biến các chế tài xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
NGUYỄN NGHĨA