Nhiều hộ dân tại xã Lát còn thiếu nước sạch sinh hoạt

06:05, 23/05/2022
Nhiều năm nay, nguồn nước sinh hoạt chính của cả trăm hộ dân trên địa bàn xã Lát (huyện Lạc Dương) là từ nước giếng tự đào. Tuy nhiên, một số nơi vào mùa khô, nguồn nước thường thiếu hụt, trong khi chất lượng nước giếng tự đào không đảm bảo.
 
Ông K’Long và các hộ dân xung quanh Khu tái định cư thôn Đạ Nghịt phải dùng nước giếng có màu ngả vàng để sinh hoạt nhiều năm qua
Ông K’Long và các hộ dân xung quanh Khu tái định cư thôn Đạ Nghịt phải dùng nước giếng có màu ngả vàng để sinh hoạt nhiều năm qua
 
Theo báo cáo tình hình tư tưởng Nhân dân và dư luận xã hội tháng 4/2022 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng: Người dân tại Khu tái định cư ở Đạ Nghịt (xã Lát) phản ánh, từ hơn 10 năm nay nhiều hộ dân vẫn đang sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt... Để có nguồn nước sạch sinh hoạt, các hộ dân ở đây phải làm mọi cách như vay vốn ngân hàng khoan giếng nước với số tiền hàng chục triệu đồng, rồi đấu nối sử dụng chung. Tuy nhiên, trong này nguồn nước giếng khoan vẫn có mùi hôi, hay đóng phèn, giặt quần áo thì bị ố vàng, cặn rất nhiều. Bà con rất mong cơ quan, chính quyền địa phương hỗ trợ cung cấp nguồn nước sạch để bà con sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.
 
Ông Liêng Trang Ha Hoàng - Trưởng thôn Đạ Nghịt cho biết, hiện nay, khu vực thôn tái định cư có 44 hộ dân với 140 nhân khẩu. Tất cả người dân tại đây từ năm 2018 dùng nguồn nước suối dẫn từ đầu nguồn hướng mỏ đá Phường 7 (TP Đà Lạt) về thôn do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, các đơn vị, địa phương hỗ trợ. Sau đó ít năm, nguồn nước suối không đủ dùng vào mùa khô, trong khi hệ thống bồn nước và máy bơm xuống cấp nên người dân đã chủ động đào giếng khoan ngay tại khu vực đỉnh đồi, nơi người dân được bố trí tái định cư.
 
Theo ông Ha Hoàng, hiện nay, riêng khu tái định cư có 4 giếng khoan người dân vay mượn tiền ngân hàng để thuê đào với giá thành từ 70 tới 100 triệu/giếng. Giếng sâu 250 - 300 m, trong đó, có 1 giếng được một cá nhân tại thôn hỗ trợ 40 triệu đồng tiền mua bộ lọc. Các giếng khoan này các hộ tự đào sau đó chia sẻ nguồn nước cho 40 hộ dân quanh khu vực dùng chung. Trung bình mỗi tháng, mỗi hộ đóng 50.000 - 70.000 đồng tiền điện cho 4 hộ dân có giếng đào.
 
“Ngoài 1 giếng lớn nhà ông Ha Kim có bộ lọc nước sạch cấp nước cho 20 hộ xung quanh, còn lại 3 giếng nước bơm lên có màu vàng, nhiễm phèn không đảm bảo chất lượng nước” - ông Ha Hoàng cho hay.
 
Trong khi đó, ông K’Long (52 tuổi), hộ dân tại Khu tái định cư thôn Đạ Nghịt cho biết, gia đình ông về định cư tại đây năm 2019. Cách đây 3 năm, ông vay ngân hàng 70 triệu đồng khoan giếng ngay trước sân nhà. Tuy nhiên, nước bơm lên vào mùa khô cũng như mùa mưa có màu ngà đục, không trong nhưng gia đình ông K’Long và 10 hộ dân xung quanh vẫn dùng nước này nấu cơm, phục vụ sinh hoạt thường nhật.
 
Không chỉ có các hộ dân tại khu vực khu tái định cư nằm trên đỉnh đồi, theo ghi nhận dọc trục đường chính vào trung tâm UBND xã Lát, hầu hết người dân nơi đây đều dùng nguồn nước giếng đào để sinh hoạt trong nhiều năm qua. Mặc dù không xuất hiện tình trạng thiếu hụt nước vào mùa khô như các hộ dân tại khu tái định cư nhưng một số hộ không tránh khỏi việc nguồn nước giếng bị nhiễm phèn, nước ngả màu vàng đục, không đảm bảo chất lượng. Được biết, đầu năm 2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng khi về tiếp xúc cử tri khu vực xã Lát, huyện Lạc Dương đã trực tiếp xuống Khu tái định cư thôn Đạ Nghịt để ghi nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng người dân phản ánh về vấn đề nguồn nước sạch tại địa phương.
 
Trao đổi với Báo Lâm Đồng, ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, UBND huyện thời gian qua đã trích 500 triệu đồng giao các đơn vị, địa phương lập thủ tục nghiên cứu, khảo sát đường ống, hướng tuyến để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân trên địa bàn xã Lát. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10 tỷ đồng và nhiều khả năng sẽ được xúc tiến thi công cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Với hệ thống cung cấp nước sạch đang được huyện Lạc Dương quan tâm triển khai, có trên 90% người dân xã Lát được sử dụng nước sạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
 
CHÍNH PHONG