Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sêrêpốk: Nỗ lực quản lý, bảo vệ rừng

06:06, 21/06/2022
Đóng chân trên địa bàn huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, địa bàn rộng, giáp ranh với các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk…, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sêrêpốk thời gian gần đây đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn các vụ vi phạm lâm luật. 
 
Cán bộ kiểm lâm và các hộ nhận khoán phối hợp tuần tra quản lý, bảo vệ rừng
Cán bộ kiểm lâm và các hộ nhận khoán phối hợp tuần tra quản lý, bảo vệ rừng
 
Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Sêrêpốk quản lý hơn 50. 996 ha, trong đó có 21.914 ha rừng phòng hộ, 29.051 ha rừng sản xuất. Đơn vị hiện có 51 cán bộ, viên chức và người lao động làm việc tại 3 phòng chuyên môn và 10 trạm quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) đóng chân trên địa bàn 6 xã. Địa bàn quản lý rộng, địa hình chia cắt bởi sông, suối, giao thông đi lại khó khăn, cùng với đó là tình hình di dân tự do khá phức tạp cũng khiến công tác QLBVR gặp nhiều khó khăn… Trước tình hình đó, Ban QLRPH Sêrêpốk đã có nhiều văn bản chỉ đạo các trạm QLBVR tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bám rừng, phối hợp chặt chẽ với các hộ dân nhận khoán QLBVR bám rừng để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ vi phạm lâm luật xảy ra. Ban QLRPH Sêrêpốk phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên, thường xuyên nhắc nhở cán bộ viên chức ngoài việc chấp hành và thực hiện nghiêm nội quy, quy chế trong công tác QLBVR còn phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, vượt khó, gắn bó với công việc được giao, đồng thời, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa đơn vị với chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn. Hiện nay, tất cả các trạm QLBVR đều có nhật trình công tác ghi cụ thể hằng ngày, tuần, tháng để báo cáo tình hình cụ thể khi họp giao ban về công tác QLBVR của đơn vị. Giữa các trạm cũng có kế hoạch phối hợp thường xuyên và chặt chẽ để ngăn chặn các phương tiện vào rừng trái phép và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau khi phát hiện có sự việc xảy ra.
 
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phương - Trạm trưởng Trạm QLBVR Liêng S’Rônh, Ban QLRPH Sêrêpốk cho biết: Để khắc phục những hạn chế thời gian trước đây và nâng cao hiệu quả công tác QLBVR giai đoạn hiện nay, công tác giao khoán QLBVR cho các hộ dân được đơn vị quan tâm chỉ đạo rất quyết liệt. Ngoài việc thường xuyên tổ chức phối hợp với các tổ nhận khoán thực hiện tuần tra, Trạm còn đặc biệt quan tâm đến việc thăm nắm tình hình và kịp thời báo cáo với cấp trên những tâm tư tình cảm và cả những dự báo diễn biến tình hình ở khu vực mà Trạm được giao quản lý theo từng thời điểm để kịp thời có phương án xử lý, ngăn ngừa các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Bên cạnh đó, Ban QLRPH Sêrêpốk hiện đã triển khai thành lập các tổ cơ động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, về công tác QLBVR đến người dân, đặc biệt là người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng…
 
Ban QLRPH Sêrêpốk hiện đang thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng - theo Chương trình chi trả dịch vụ mội trường rừng - với diện tích hơn 31.319 ha/6 xã với 1.069 hộ/113 tổ và 3 đơn vị tập thể đang nhận khoán, bảo vệ rừng. Bình quân mỗi năm, Ban QLRPH Sêrêpốk đã hoàn thành việc chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 17 tỷ đồng cho các đơn vị, hộ nhận khoán. Nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng này cũng đã góp phần nâng cao trách nhiệm, nhận thức trong công tác QLBVR của người dân.
 
Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, công tác QLBVR ở khu vực này hiện cũng còn rất nhiều khó khăn. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Văn Phong - Phó Trưởng Ban QLRPH Sêrêpốk, cho biết: Hiện nay, đội ngũ những người làm công tác QLBVR của Ban đang hết sức nỗ lực và trách nhiệm để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, mong muốn của rất nhiều cán bộ, nhân viên, những người làm công tác QLBVR là các ngành chức năng quan tâm và sớm có giải pháp ổn định cho số đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do, có giải pháp để hỗ trợ thêm thu nhập cho những người làm công tác QLBVR... Bởi hiện nay, công tác QLBVR gặp rất nhiều áp lực do giá đất ngày càng tăng cao, những người phá rừng, lấn chiếm đất rừng thì ngày càng tinh vi và liều lĩnh nên công việc của những người làm công tác QLBVR đòi hỏi không chỉ phải đầu tư nhiều thời gian mà cả tâm huyết, và sức khoẻ.
 
Điểm qua những diễn biến thời gian qua cho thấy, thách thức trong công tác QLBVR hiện nay ở Ban QLRPH Sêrêpốk vẫn còn rất lớn, nhưng điều đáng mừng là trong 6 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng do đơn vị quản lý đã được chăm sóc, bảo vệ khá tốt. Trong 6 tháng đầu năm, không xảy ra vụ nổi cộm hay điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đạt được kết quả đó một phần nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của đơn vị, cùng với sự nỗ lực cố gắng của cán bộ làm công tác QLBVR. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, rừng Sêrêpốk tiếp tục được quản lý và bảo vệ tốt, nhằm góp phần cùng với các vùng khác trong tỉnh khôi phục bảo vệ đa dạng tài nguyên môi trường rừng, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
NGUYỄN NGHĨA