Để COVID-19 sớm trở thành bệnh lưu hành

05:06, 10/06/2022
Hiện nay, trên phạm vi toàn cầu ghi nhận số ca COVID-19 mắc mới giảm liên tục, số ca nhiễm nặng và tử vong cũng giảm, trong khi tỷ lệ bao phủ vắc xin tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành.
 
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại TP Đà Lạt
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại TP Đà Lạt
 
Lâm Đồng ghi nhận từ 7h00 ngày 7/6 đến 7h00 ngày 8/6 trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện 10 ca COVID-19 mới. Hiện đang cách ly 96 trường hợp; trong đó, cách ly tại cơ sở y tế 6 người và cách ly tại nhà 90 người. Đến ngày 8/6, tổng số ca bệnh COVID-19 phát hiện trong tỉnh là 92.347 ca; trong đó, ra viện 92.090 ca, tử vong 145 ca, về địa phương khác 16 ca.
 
Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đến ngày 5/6, tỷ lệ bao phủ vắc xin trên dân số 1 mũi đạt 86,42%; đủ 2 mũi đạt 79,43 %. Tỷ lệ bao phủ vắc xin trên người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi đạt 99,99%; đủ 2 mũi đạt 99,30%. Tỷ lệ tiêm liều bổ sung đạt 92,15%; tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt 45,7%; tiêm liều nhắc lại lần 2 đạt 3,3%.
 
Tiêm vắc xin cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi 1 mũi đạt 99,74%; tiêm đủ 2 mũi đạt 97,01%. Tiêm vắc xin cho trẻ em từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi 1 mũi đạt 53,35%; tiêm đủ 2 mũi đạt 0,39%.
 
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn tỉnh. Từ đầu tháng 3/2022 đến nay số ca mắc bệnh COVID-19 có xu hướng giảm từng ngày. Nếu như trước đây có ngày ghi nhận hơn 3.000 ca mắc, đến nay số ca mắc mới không đáng kể. Số ca tử vong giảm từ ngày 3 ca xuống còn 1 ca và những tháng gần đây liên tục không ghi nhận ca tử vong mới. Toàn tỉnh có 145 bệnh nhân COVID -19 tử vong, chiếm tỷ lệ 0,11%, tỷ lệ này rất thấp so với tỷ lệ tử vong trên toàn quốc 0,4%, số trường hợp tử vong tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin. 
 
Tình hình dịch bệnh COVID -19 đã được đẩy lùi do Lâm Đồng đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, an toàn, hiệu quả và phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để không bỏ sót đối tượng tiêm chủng, đặc biệt với người nguy cơ cao. 
 
Năng lực đáp ứng từ hệ thống y tế đã trụ vững, các cơ sở điều trị của tỉnh đã có 6.095 giường điều trị bệnh nhân COVID-19, mặt khác hiện nay công tác cách ly điều trị tại nhà cũng làm giảm tải áp lực đối với ngành Y tế. Ngoài ra, ngành Y tế đã bảo đảm đủ thuốc điều trị, không để thiếu thuốc; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các bệnh viện chủ động mua thuốc điều trị; phân bổ, hỗ trợ kịp thời thuốc điều trị cho các địa phương; đối với các loại thuốc thiết yếu, có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu.
 
Sở Y tế Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022 - 2023 với mục tiêu bảo đảm kiểm soát dịch hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do dịch COVID-19 góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19, đến hết quý 2 năm 2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiếp tục triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm. Hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022. Tổ chức tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế.
 
Kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch COVID-19. Mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá. Thực hiện giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn. Giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn mức trung bình của cả nước.
 
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 100% trung tâm y tế các huyện, thành phố, trạm y tế tuyến xã, y tế tại các cơ sở giam giữ, bệnh xá trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được tăng cường năng lực để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong phòng, chống dịch... 
 
Bên cạnh đó, bảo đảm thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch để người dân được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch giúp người dân hiểu, đồng thuận, tạo niềm tin xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện. Tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều sử dụng mã QR để quản lý thông tin người ra vào và hướng dẫn người dân thực hiện việc khai báo thông tin theo yêu cầu của cơ quan chức năng để thực hiện phòng, chống dịch. 100% các cơ sở tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, kết quả điều trị của các cá nhân.
 
Để đạt mục tiêu bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của Nhân dân thì 100% người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; 100% các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp; 100% các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch an toàn và tổ chức học trực tiếp hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
 
Các hoạt động phòng, chống dịch được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả; có sự điều chỉnh phù hợp với biến chủng vi rút và diễn biến dịch; luôn luôn đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan; trong khi triển khai các biện pháp đáp ứng, phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới vẫn phải sẵn sàng triển khai các biện pháp đáp ứng, phòng, chống dịch trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
 
Vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong; tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao. Các biện pháp phòng, chống dịch mang tính bền vững trên cơ sở đề cao tính trách nhiệm của mỗi cá nhân, hộ gia đình và sự thích ứng linh hoạt của cơ quan, xí nghiệp, tổ chức, có sự điều chỉnh nhằm làm giảm mật độ người tập trung, tăng sự thông khí trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn phòng. 
 
Tăng cường công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới; duy trì đánh giá cấp độ dịch và biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với diễn biến tình hình dịch. Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay và kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn toàn tỉnh, dự báo trong năm 2023 dịch bệnh tiếp tục được đẩy lùi, số người mắc tiếp tục giảm so với năm 2022. 
 
AN NHIÊN