Giá cước vận tải tăng theo giá xăng, dầu

06:06, 23/06/2022
Giá xăng, dầu tăng cao chưa từng có trước nay đã tác động trực tiếp đến lĩnh vực vận tải cùng nhiều ngành nghề kinh doanh khác. Một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã buộc phải điều chỉnh giá cước để bù đắp chi phí, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, việc này đã làm người dân, khách hàng phải trả giá cước phí cao hơn từ 20.000 tới 90.000 đồng so với giá cũ.
 
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa gặp nhiều khó khăn khi giá xăng, dầu liên tục lập đỉnh mới
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa gặp nhiều khó khăn khi giá xăng, dầu liên tục lập đỉnh mới
 
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công thương - Tài chính, giá xăng, dầu tăng liên tiếp lần thứ 7 từ đầu năm tới nay. Tại thị trường trong nước, kỳ điều chỉnh giá ngày 21/6 xác lập kỷ lục mới. Cụ thể, giá xăng bán lẻ trong nước tiếp tục tăng: Xăng E5 RON92 tăng thêm 190 đồng/lít, từ 31.110 đồng/lít lên mức 31.300 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 500 đồng/lít, từ mức 32.370 đồng/lít lên mức 32.870 đồng/lít. Dầu diesel tăng 990 đồng/lít, từ mức 29.020 đồng/lít lên mức 30.010 đồng/lít. Dầu hỏa là 28.780 đồng một lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazut là 20.730 đồng một ký, tăng 380 đồng.
 
Ông Trần Văn Lộc, tài xế vận tải hành khách loại xe 45 chỗ giường nằm chạy theo tuyến cố định Lâm Đồng - TP Hồ Chí Minh cho biết, xăng dầu leo thang kỷ lục đã tác động rất lớn đến vận tải hành khách. Đơn cử, mới đây, hãng xe của ông Lộc chạy đã tiến hành tăng giá cước vận chuyển từ 220.000 đồng lên 250.000 đồng/vé. Việc tăng giá vé này đa phần cũng được người dân ủng hộ khi hầu hết các hãng xe khách lớn đều tăng từ 10-15%. Dù vậy, theo ông Lộc, doanh nghiệp của ông cũng chỉ mang tính chất cầm chừng, chưa đủ bù chi phí. 
 
“Nếu sắp tới giá xăng, dầu lập đỉnh mới, khả năng chúng tôi phải cho 2 đầu xe tạm nghỉ vì thu không đủ bù chi” - ông Lộc cho hay.
 
Ông Dương Kim Thế Tuyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy, đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi, với hơn 500 đầu xe hoạt động cho biết, công ty bắt buộc phải tăng 1.000 đồng/km (từ 13.300 đồng lên 14.300 đồng/km) khi giá xăng, dầu liên tục tăng thời gian qua để bù lỗ một phần. Trong khi đó, với tuyến cố định TP Đà Lạt - sân bay Liên Khương, công ty tăng 20.000 đồng/chuyến cả xe 4 chỗ và 7 chỗ để hỗ trợ một phần chi phí khó khăn của tài xế, người lao động. 
 
Bên cạnh đó, theo ông Tuyên khi giá xăng, dầu tăng đến mức kỷ lục khiến hoạt động taxi chịu ảnh hưởng đáng kể. Do đó, vừa qua, hãng Lado Taxi đã nhập khoảng 50 xe điện VF e34 với mục tiêu hướng tới việc xe taxi hoạt động ít phát thải, giảm gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tối ưu được chi phí xăng, dầu.
 
Tương tự, trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, thư vận, giá xăng, dầu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các đơn vị. Ông Lương Văn Dũng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Lâm Đồng cho biết, cước thu chính hàng hóa vận chuyển cho khách hàng không thay đổi nhưng đơn vị buộc phải điều chỉnh tăng từ 10% lên 17% phụ thu phí xăng, dầu để giảm bớt khó khăn thu nhập của đội ngũ công nhân viên. Bên cạnh đó, đơn vị đã ra thông báo tới khách hàng tạm thời không tiếp nhận vận chuyển các loại hàng hóa cồng kềnh, chiếm diện tích cho tới khi giá, xăng dầu hạ nhiệt trở lại. Riêng trong mảng thư vận cấp 2 từ huyện đi huyện, cấp 3 từ huyện đi xã trên địa bàn toàn tỉnh, theo ông Dũng quá trình vận chuyển giá xăng tăng đã đội chi phí lên cao, khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn.
 
Bà Hoàng Thị Trâm (46 tuổi, ngụ Phường 9, TP Đà Lạt) là người thường di chuyển bằng xe khách Đà Lạt đi TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện hành khách đi hãng xe nào cũng thấy tăng giá, không ít thì nhiều. Theo bà Trâm, nếu đi xe lẻ loại 24 chỗ giá cước tăng từ 20.000 tới 50.000 đồng/chuyến, xe giường nằm như hãng lớn hiện đã tăng lên 270.000 đồng/chuyến, xe giường nằm cao cấp là 310.000 đồng.
 
“Sau khi xăng, dầu tăng quá cao chúng tôi cũng thông cảm với các hãng xe phải điều chỉnh tăng giá cước bởi không chỉ chi phí đi lại mà các mặt hàng khác cũng đã tăng giá. Tuy nhiên, nếu cứ đà tăng giá cước liên tục theo giá xăng, dầu thì chắc chắn người dân đi lại sẽ thêm phần khó khăn” - bà Trâm bộc bạch.
 
Theo các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn, cú sốc về giá tăng không đơn thuần là giá xăng, mà do giá dầu diesel DO tăng thêm 2.630 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít. Đây là loại nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa. Trước những khó khăn về giá xăng, dầu tăng cao, một số hãng xe chạy tuyến Lâm Đồng - các tỉnh phía Bắc đã phải cắt giảm số chuyến để chạy cầm chừng, bởi nếu tiếp tục chạy thì càng thua lỗ. Thậm chí, một số hãng xe cũng phải tạm dừng chạy một số chuyến hoặc bán bớt xe để trả nợ ngân hàng và bù lỗ.
 
Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng giá cước do giá xăng, dầu lập đỉnh mới liên tục. Tuy nhiên, việc tăng giá cước này sẽ được quyết định tùy theo tuyến, loại xe và cơ quan chức năng sẽ quản lý chặt chẽ vấn đề này. Trước đó, Sở Giao thông vận tải đã gửi văn bản tới các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn yêu cầu triển khai thực hiện niêm yết, kê khai giá cước tuyến vận tải bằng xe ô tô cố định, xe buýt cố định và bằng xe taxi.
 
C.THÀNH