Lạc Dương: Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

07:06, 27/06/2022
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), huyện Lạc Dương đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp theo phương châm “bốn tại chỗ” chủ động, ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai. Qua đó, góp phần giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
 
UBND huyện Lạc Dương chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo tại các vị trí xung yếu, thông báo cho Nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn
UBND huyện Lạc Dương chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo tại các vị trí xung yếu, thông báo cho Nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn
 
Những năm gần đây, tình hình thiên tai trên địa bàn huyện Lạc Dương có diễn biến phức tạp, mưa, bão, lũ ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nguy cơ có thể đe dọa đến sự an toàn về tính mạng, tài sản của Nhân dân; nhất là nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. 
 
Chính vì vậy, mỗi khi mùa mưa lũ về, hàng trăm hộ dân sinh sống tại các xã xung yếu như Đưng K’Nớ, xã Lát lại cảm thấy bất an bởi tình trạng sạt lở đất liên tục xảy ra trên địa bàn. Ghi nhận tại xã Đưng K’Nớ, hiện trên địa bàn xã đang tồn tại hàng chục điểm sạt lở, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân mỗi khi mùa mưa lũ đến. Ông Thân Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết: Hiện, địa phương có hơn 50 hộ gia đình đang sinh sống tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời khi mùa mưa lũ đến. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ dân này không thuộc đối tượng được bố trí tái định cư nên vẫn chưa có quỹ đất để giải quyết nhu cầu của họ. 
 
Ngoài ra, một số điểm sạt lở lớn trên địa bàn xã như sau lưng trụ sở làm việc của UBND xã Đưng K’Nớ, đường giao thông nông thôn từ Thôn 2 xuống thôn Đưng Trang bị rửa trôi, xói mòn, đường Trường Sơn Đông (đoạn từ ngã ba Đông Trường Sơn) cũng bị sạt lở 1 điểm lớn với chiều dài khoảng 20 m, chiều cao từ 10 - 12 m; ngoài ra, còn sạt lở các điểm nhỏ làm vùi lấp các mương, gây xói mòn mặt đường...
 
Theo ông Thân Văn Hữu, xã Đưng K’Nớ có địa chất chủ yếu là đất sét pha cát, độ dốc cao nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài. Do đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do sạt lở đất gây ra, phương án tốt nhất được xã đề ra là cần tăng cường cảnh báo nguy hiểm đến các hộ dân. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của xã cũng đã phân công cán bộ túc trực 24/24h để thường xuyên theo dõi, kiểm tra diễn biến thời tiết, thiên tai và các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá xảy ra trên địa bàn, kịp thời cảnh báo cho Nhân dân di chuyển đến nơi an toàn. 
 
Đồng thời, UBND xã Đưng K’Nớ cũng đã xây dựng và thực hành công tác PCTT&TKCN theo phương châm "4 tại chỗ"; xây dựng phương án sơ tán dân cư ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn như trụ sở, trường học, trạm xá hoặc những nhà kiên cố, an toàn trong vùng lân cận; hiệp đồng với các đơn vị đóng chân trên địa bàn để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống cấp bách…
 
Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: Ngoài nỗi lo xảy ra sạt lở đất thì nguy cơ lũ ống, lũ quét, ngập lụt trên địa bàn huyện Lạc Dương cũng rất đáng ngại. Hiện, trên địa bàn huyện đang có 2 hệ thống sông chính, phía Bắc có sông Krông Nô, phía Đông có sông Đa Nhim, cùng rất nhiều hệ thống sông, suối và hồ, đập thủy điện, thủy lợi có dung tích khá lớn như: hồ Suối Vàng, hồ Đạ Khai, hồ Đan Kia, hồ Số 7 thị trấn Lạc Dương với dung tích hồ chứa từ vài trăm ngàn đến cả chục triệu khối. 
 
Với tinh thần “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, lấy phòng là chính”, huyện Lạc Dương đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Trong đó, Phòng Nông nghiệp huyện chủ trì và phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa trên địa bàn trước mùa mưa lũ. Trên cơ sở đó, xác định các vị trí xung yếu, hư hỏng cần phải sửa chữa, khắc phục trước mùa mưa lũ. Đồng thời, tham mưu cho các xã, thị trấn xây dựng lực lượng đội xung kích phòng, chống thiên tai; tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tuần tra, canh gác. Đối với những điểm có nguy cơ xảy ra các sự cố thiên tai, UBND huyện đã chỉ đạo các xã cắm biển cảnh báo, thông báo cho Nhân dân biết phạm vi ảnh hưởng để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn.
 
Theo ông Hoàng Xuân Hải, hiện nay, đang bước vào cao điểm mùa mưa, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét là rất cao. Do vậy, người dân cần thường xuyên theo dõi, chia sẻ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để biết tình hình mưa trên địa bàn, biết nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra. Luôn cảnh giác, lắng nghe bất cứ tiếng động khác lạ nào, kể cả tiếng cây gãy. Chú ý sự thay đổi của dòng nước đang từ trong chuyển sang đục cũng là dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất. Nếu quan sát thấy có dấu hiệu nguy cơ sạt lở đất xảy ra, ngay lập tức phải di dời, bên cạnh đó phải thông báo cho chính quyền địa phương để có sự hỗ trợ kịp thời. 
 
HOÀNG SA