Tuổi trẻ Lâm Hà khởi nghiệp trên quê hương

06:06, 03/06/2022
Nhiều thanh niên Lâm Hà sau khi rời ghế nhà trường tại địa phương hoặc các giảng đường đại học ở những thành phố lớn đã quyết định lập nghiệp, khởi nghiệp trên quê hương. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho đoàn viên, thanh niên cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
 
Mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của tuổi trẻ Lâm Hà
Mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của tuổi trẻ Lâm Hà
 
Chị Trần Thị Hồng Hạnh - Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà cho biết, những năm qua các tổ chức Đoàn trên địa bàn đã thường xuyên tuyên truyền, vận động và tạo mọi điều kiện để đoàn viên, thanh niên phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương để lập nghiệp, khởi nghiệp thành công trên quê hương Lâm Hà. Nhiều mô hình kinh tế tập thể cũng như mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn đã được thành lập, hoạt động hiệu quả. 
 
Trong đó, tiêu biểu như anh Đặng Văn Điền, đoàn viên Chi đoàn thôn Tân Hợp, xã Tân Thanh với mô hình trồng bơ 034 trên diện tích 3ha với 500 cây cho thu hoạch trung bình mỗi vụ 50 tấn quả, thu nhập khoảng trên dưới 2 tỷ đồng/năm. Hay mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của anh Nguyễn Huy Minh ở xã Đan Phượng cũng là mô hình khởi nghiệp hiệu quả tại địa phương. Năm 2009, anh Nguyễn Huy Minh tốt nghiệp Khoa Sinh học, Trường Đại học Đà Lạt. Sau khi ra trường, anh đã đi làm cho một số cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn và có thu nhập khá ổn định. Năm 2015, anh đã quyết định quay trở về khởi nghiệp, phát triển kinh tế trên vườn rẫy gia đình. Anh đã quyết định chuyển đổi gần 1ha diện tích cà phê già cỗi của gia đình sang canh tác một số giống cây trồng mới. Trong đó, bên cạnh những cây trồng quen thuộc là cà phê, hồ tiêu, mắc ca thì anh đã mạnh dạn áp dụng trồng những giống cây “không giống ai” như: cây trà dây rừng, rau bò khai, lá bép, bầu đất tím, lỗ bình... Ngoài ra, anh cũng có diện tích hơn 3000 m2 ao nuôi cá và 4 bể nuôi ốc bươu đen. Và tất cả anh đều sản xuất theo hướng hữu cơ đó là nuôi trồng mà không sử dụng hóa chất nhân tạo, kích thích tố, kháng sinh mà chỉ sử dụng phân bón tự nhiên như phân chuồng, phân chim cút ủ với vỏ cà phê, lá cây và các chế phẩm sinh học để chăm sóc cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Do sản xuất, nuôi trồng theo hướng hữu cơ nên, sản phẩm trên khu vườn của nhà nông Nguyễn Huy Minh rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, bình quân mỗi tháng hơn 6.000 m2 diện tích trồng các loại rau rừng đã cho gia đình anh Nguyễn Huy Minh thu nhập khoảng 50 triệu đồng đã trừ chi phí. 
 
Một mô hình khởi nghiệp tiêu biểu nữa của thanh niên Lâm Hà cũng đã được nhiều người biết đến đó là anh Nguyễn Văn Cường ở thôn Tân Trung, xã Tân Hà với Công ty Taxi Lavi do anh sáng lập, điều hành. Tốt nghiệp Khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn, với tấm bằng cử nhân trong tay, anh Nguyễn Văn Cường đã quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp bằng việc kinh doanh vận tải. Hãng taxi Lavi của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Cường hiện nay có hơn 60 đầu xe và tạo công ăn việc làm cho gần 90 đoàn viên, thanh niên địa phương với thu nhập bình quân từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng và doanh thu của doanh nghiệp đạt trung bình 12 tỷ đồng/năm. 
 
Ngoài ra, trên địa bàn Lâm Hà hiện có rất nhiều mô hình khởi nghiệp khác của đoàn viên, thanh niên đã được hình thành, hoạt động hiệu quả như mô hình chăn nuôi bò thịt của anh Ha Săm, thành viên Tổ hợp tác Chăn nuôi bò của thanh niên tổ dân phố B’Nông Rết ở thị trấn Đinh Văn; mô hình nuôi bò thịt và trồng cà mỡ của anh Nông Đức Thuận ở tổ dân phố Hòa Lạc, thị trấn Đinh Văn; mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của anh Hoàng Quốc Thiên ở xã Phi Tô; mô hình sản xuất mật ong của anh Phạm Toản ở xã Hoài Đức; mô hình sản xuất, chế biến cà phê sạch kết hợp du lịch của anh Nguyễn Đức Thành ở xã Gia Lâm…
 
Hiện nay, để đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện Đoàn cũng như các tổ chức Đoàn tại Lâm Hà cũng đã vận động thành lập và duy trì 11 tổ hợp tác phát triển kinh tế, điều hành xoay vòng hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho 40 đoàn viên, thanh niên là thành viên các tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn Lâm Hà cũng phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 01 đề án phát triển kinh tế của thanh niên với số vốn 50 triệu đồng; đồng thời phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện hỗ trợ 8 mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Ngoài ra, Huyện Đoàn Lâm Hà cũng tích cực chủ động liên hệ với công ty, doanh nghiệp tạo đầu ra cho sản phẩm của thanh niên.
 
Thời gian tới, Huyện Đoàn Lâm Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực của cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên về phát triển kinh tế, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là chú trọng truyền thông và nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công của tuổi trẻ trên địa bàn. Huyện Đoàn Lâm Hà cũng sẽ đa dạng các hình thức kết nối ý tưởng khởi nghiệp, tăng cường phối hợp hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo của đoàn viên, thanh niên địa phương”, Bí thư Huyện Đoàn Lâm Hà chị Trần Thị Hồng Hạnh cho biết thêm.
 
DUY DANH