Bảo vệ rừng - bắt đầu từ công tác cán bộ (bài cuối)

01:07, 29/07/2022
[links()]
 
Bài cuối: Kỷ cương, phép nước đồng thời với bản lĩnh và nghĩa vụ
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “Công tác cán bộ qua thực tiễn ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt”.
 
Lực lượng kiểm lâm ở lại trong rừng sâu để kiểm tra, truy quét “lâm tặc”(tháng 2/2022)
Lực lượng kiểm lâm ở lại trong rừng sâu để kiểm tra, truy quét “lâm tặc”(tháng 2/2022)
 
QUYẾT ĐỊNH SINH MỆNH RỪNG TỪ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
 
Trong công tác cán bộ, cốt lõi tuyển chọn và bố trí vị trí việc làm người vừa đảm bảo tinh thông nghề nghiệp, đủ năng lực, đồng thời có đạo đức và phẩm chất. Đối với những lĩnh vực khó khăn, phức tạp như quản lý, bảo vệ rừng còn cần hội tụ những yếu tố như bản lĩnh, chịu khó, tự chịu trách nhiệm cao nhất… Địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, lực lượng chuyên trách mỏng, đối tượng lâm tặc manh động, thủ đoạn tinh vi càng rất cần những cán bộ lãnh đạo như thế. Rất cần nêu gương kịp thời và xứng đáng những cán bộ làm tốt. Thực tiễn đã có nhiều tấm gương tốt về công tác quản lý, bảo vệ rừng của hệ thống chính trị các cấp và các đơn vị trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Nhiều cán bộ, nhân viên ngành Kiểm lâm, chủ rừng thực tâm với công việc, chịu nhiều vất vả, gian khổ và nguy hiểm. Nếu trong ngành Giáo dục có câu “càng yêu nghề bao nhiêu càng yêu người bấy nhiêu” thì với ngành Lâm nghiệp có thể hiểu “càng yêu nghề bao nhiêu càng yêu rừng bấy nhiêu”. Có lẽ, khái niệm “trồng người” và “trồng rừng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đặt bên cạnh nhau càng nhắc nhở hậu thế về vai trò quan trọng của hai trọng trách này như thế nào.  
 
Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung ương luôn nhấn mạnh trong chỉ đạo“địa phương nào để mất rừng, người đứng đầu chính quyền địa phương đó, từ cấp tỉnh, đến cấp huyện và cấp xã phải chịu trách nhiệm”. Chủ trương hàng tháng, hàng quý, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã phải đi kiểm tra rừng không chỉ là trách nhiệm của những người đứng đầu mà quan trọng là “lắng nghe tiếng nói của rừng”, kịp thời nắm sát thực tình hình hệ sinh thái rừng để bồi đắp kiến thức trong quản lý, chỉ đạo thích ứng và sáng tạo. Đây cũng là quá trình trui rèn về đạo đức, phẩm chất của nhà quản lý ở tầm vĩ mô, nhà quản trị rừng ở tầm vi mô. Chỉ khi lãnh đạo thực sự lội rừng, leo núi, vượt suối, đến tận những điểm nóng hay tiềm ẩn nguy cơ rừng bị phá được thường xuyên thì mới hình dung thực chất điều gì đang diễn ra trong đại ngàn… Có “ăn với rừng, ngủ với rừng” mới cảm nhận hết sự gian khổ của người gác rừng để chia sẻ với họ. Có đủ bản lĩnh vào những nơi đầu suối đỉnh non, nơi sơn lâm chướng khí và cả những sào huyệt đầu nậu phá rừng mới nhận biết được tính manh động, tinh vi, xảo quyệt của lâm tặc; sự lợi dụng việc quản lý thiếu chặt chẽ của nhà đầu tư và cả những người có trách nhiệm lùi vào bóng tối đang tâm tiếp tay cho đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Thực tế những cánh rừng vùng giáp ranh, cả những tiểu khu rừng trong các đô thị, hay ven đô đã và chưa chấm dứt nạn phá rừng, xâm hại tài nguyên thiên nhiên. Những khái niệm dân gian thường ví như “đường thông rừng thoáng”, “xanh vỏ (bìa rừng), đỏ lòng (lõi rừng)” thật sự là tâm trạng xót xa và bức xúc về hiện trạng mất rừng, mất đất lâm nghiệp.
 
Đã đến lúc hãy nói “không” cụm từ “rừng gỗ tự nhiên Việt Nam” trong sử dụng vật liệu gỗ và trước hết cán bộ cần nêu gương. Điều này càng đúng khi trước đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên từ năm 2016! Người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị giao ban với các tỉnh vùng Tây Nguyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên đã yêu cầu: “Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, phát triển cây công nghiệp bằng thâm canh trên diện tích đã có”. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương Tây Nguyên tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phục hồi rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. 
 
Tang vật lâm sản khai thác trái phép của “lâm tặc” tập kết tại cơ quan kiểm lâm
Tang vật lâm sản khai thác trái phép của “lâm tặc” tập kết tại cơ quan kiểm lâm
 
•  NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG TIẾP TỤC LÀ CÚ HÍCH MỚI VÀ MẠNH 
 
Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và công tác phòng, chống tiêu cực. Thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII, tháng 5/2022, Ban Bí thư ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Hiện, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã thành lập và triển khai hoạt động. 
 
Một trong 4 Nghị quyết do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành là Nghị quyết số 21-NQ/TW khóa XIII, ngày 16/6/2022, về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Nghị quyết nhấn mạnh đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Để thực hiện, Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; đồng thời yêu cầu coi trọng tự kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng; kết hợp kiểm tra, giám sát thường xuyên với kiểm tra, giám sát theo chuyên đề. 
 
Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung gồm: việc thực hiện Điều lệ Đảng, chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ, sinh hoạt Đảng, thực hiện nhiệm vụ công tác, trách nhiệm nêu gương, quy định về những điều đảng viên không được làm… Tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên đối với tổ chức cơ sở đảng. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra cấp ủy cơ sở về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kịp thời xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Theo tinh thần này, đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, chúng ta có quyền đặt niềm tin mãnh liệt về tính hiệu quả để rừng Việt Nam cũng như khu vực Tây Nguyên có bước chuyển biến mạnh về chất! 
 
PHAN MINH ĐẠO