Tuyển dụng và giữ chân lao động sau đại dịch

02:08, 01/08/2022
Khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, thương mại, du lịch, văn hóa... đã trở lại trạng thái bình thường và đang có bước phát triển mạnh, thì nhu cầu tuyển dụng và giữ chân người lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dịch vụ lại khó khăn hơn.
 
Người học nghề rang xay cà phê không chỉ phải cảm nhận bằng thị giác, vị giác, khứu giác; mà còn phải tính toán được các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, độ chín… của hạt cà phê
Người học nghề rang xay cà phê không chỉ phải cảm nhận bằng thị giác, vị giác, khứu giác; mà còn phải tính toán được các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, độ chín… của hạt cà phê
 
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Lâm Đồng (Petrolimex), cho biết: 6 tháng đầu năm 2022, do tình hình bất ổn của thế giới, giá xăng dầu tăng, người lao động vất vả, nhưng doanh nghiệp không tăng lợi nhuận… Áp lực công việc và chính sách tiền lương chưa theo kịp thu nhập và mức chi tiêu của xã hội, nên người lao động của Công ty một phần không muốn làm việc nữa, một phần không tuyển dụng được dẫn đến thiếu hụt nhân lực. Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp được tổ chức ngày 20/7, ông Thắng kiến nghị được giúp đỡ để Công ty khắc phục tình trạng trên.
 
Không chỉ Công ty Xăng dầu Lâm Đồng, mà nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung đều gặp tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có chuyên môn, không cần đào tạo lại. Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống liên tục tuyển dụng đầu bếp và phục vụ. Thậm chí, có chủ doanh nghiệp cho biết, không thể mở rộng dù có nguồn khách lớn vì không tìm được người rửa chén bát! Còn đối với các công ty xây dựng, đơn giá tiền lương cho nhân công có tay nghề từ 200-250 nghìn đồng/ ngày công, nhưng thực tế, doanh nghiệp phải trả gấp đôi.
 
Lao động - việc làm và tiền lương là vấn đề mấu chốt trong tuyển dụng và giữ chân người lao động. Người lao động luôn muốn làm việc ở nơi có mức đãi ngộ xứng đáng; trong khi, người sử dụng lao động trả lương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không những là điều kiện tài chính của đơn vị, mà còn liên quan đến vị trí việc làm, thâm niên, có nơi trả lương theo doanh thu thì khống chế mức hoa hồng… Ngoài ra, khi các hoạt động xã hội quay trở lại bình thường, những người lao động có tay nghề có cơ hội tìm kiếm mức thu nhập tốt hơn cũng sẵn sàng bỏ công việc trước đó…
 
Theo công bố của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động và việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước, số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý II/2022 là 50,5 triệu người, tăng 504,6 nghìn người so với quý trước và tăng 701,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,6 triệu người, tăng 762 nghìn người. Bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong quý II năm 2022 được đánh giá là có nhiều khởi sắc. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID -19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, lao động có việc làm tăng mạnh, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ.
 
Triển khai các văn bản của Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID - 19, 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện đào tạo 87 ngành nghề, cung ứng lao động trong tỉnh và các vùng lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… Tuy nhiên, thông qua sàn giao dịch việc làm Lâm Đồng cho thấy, nguồn cung lao động qua các năm đối với lao động có trình độ cao đẳng trở xuống (thuộc khối qua đào tạo của giáo dục nghề nghiệp) chỉ mới đáp ứng số lượng 30-40% cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Do đó, việc đào tạo tại chỗ, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp cũng là một giải pháp được nhiều đơn vị đặt ra.
 
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID - 19 trên địa bàn tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và hỗ trợ 3 doanh nghiệp đào tạo cho 265 lao động với tổng kinh phí hơn 552 triệu đồng. Kết quả này chưa cao mà nguyên nhân là do các doanh nghiệp còn ngại làm thủ tục hành chính và chưa đảm bảo các điều kiện để được hỗ trợ.
 
Vì vậy, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị doanh nghiệp chủ động xem xét các điều kiện của đơn vị và đề xuất việc hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; thông tin tuyển dụng lao động của doanh nghiệp có thể cập nhật thường xuyên đến Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm kết nối cung - cầu ngày càng hiệu quả hơn. Các sở, ban, ngành cũng có thể rà soát nhu cầu đào tạo nhân lực cho việc phát triển của ngành, lĩnh vực; từ đó, đặt hàng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cung ứng lao động cho thị trường lao động, phát triển ngành nghề đặc thù của địa phương…
 
LÊ HOA