Chuyện giúp nhau giảm nghèo ở Thôn Liêng Krắc 1

06:09, 07/09/2022
Vẫn còn đó những khó khăn, song bức tranh kinh tế ở Thôn Liêng Krắc 1 (xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông) đang dần thấy nhiều mảng màu tươi sáng.
 
Các đoàn viên, thanh niên trong Tổ hợp tác Trồng dâu nuôi tằm Thôn Liêng Krắc 1 trao đổi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc trồng dâu. Ảnh: Thu Hiền
Các đoàn viên, thanh niên trong Tổ hợp tác Trồng dâu nuôi tằm Thôn Liêng Krắc 1 trao đổi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc trồng dâu. Ảnh: Thu Hiền
 
“Cũng như nhiều thôn khác trong xã, bà con Thôn Liêng Krắc 1 đang chú trọng phát triển cây dâu tằm, nguồn thu của các hộ gia đình từ đó cũng dần nâng lên”, ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đạ M’rông đã không giấu nổi vui mừng khi chia sẻ với chúng tôi như thế trong câu chuyện về Thôn Liêng Krắc 1.
 
Thôn có gần 130 hộ dân, với gần 700 nhân khẩu. 100% gia đình trong thôn theo đạo Công giáo. Cư dân ở Thôn Liêng Krắc 1 đa phần là bà con dân tộc M’nông. Suốt cả một hành trình dài, bà con nơi đây chỉ quẩn quanh với một ít diện tích sản xuất lúa, bắp và cà phê… cùng tư duy sản xuất còn lạc hậu, chậm thay đổi nên Liêng Krắc 1 cũng là một trong những thôn khó khăn nhất ở xã Đạ M’rông. 
 
Với sự định hướng của lãnh đạo huyện Đam Rông và nỗ lực triển khai chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, cây dâu, con tằm dần chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất, nuôi trồng trên địa bàn xã Đạ M’rông nói chung và thôn Liêng Krắc 1 cũng không là ngoại lệ.
 
Là một trong những người đi đầu ở Thôn Liêng Krắc 1, năm 2016, chàng thanh niên Ndu Ha Eo mạnh dạn bắt tay vào trồng dâu, nuôi tằm với sự hỗ trợ đắc lực từ xã Đạ M’rông. Thời điểm đó, việc nuôi tằm đang hoàn toàn xa lạ ở buôn làng, Ndu Ha Eo đã phải mất rất nhiều công sức để thuyết phục gia đình trong việc chuyển đổi 2,8 sào đất cà phê sang trồng dâu. Với hướng chuyển đổi hoàn toàn lạ lẫm này, ban đầu, Ndu Ha Eo không tránh khỏi thất bại. Nhưng với sự đồng hành từ phía xã, anh đã không bỏ cuộc và tiếp tục kiên trì. Để rồi sau một thời gian ngắn, Ndu Ha Eo có thành quả đầu tay, với 10 triệu đồng từ một hộp tằm nuôi. “Một lứa nuôi tằm 15 ngày có thu nhập bằng một vụ bắp trong 4 tháng”, Ha Eo quả quyết. Và kết quả ấy còn giúp anh thuyết phục được gia đình mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dâu lên tới 8.000 m 2 và thường xuyên nuôi gối đầu các lứa tằm, cho thu bình quân trên 100 kg kén/tháng. 
 
Hiện, Ndu Ha Eo đã nâng diện tích trồng dâu lên 5.000 m 2 và nuôi gối đầu các lứa tằm. Cách làm này vừa giúp tăng năng suất, vừa quay vòng được nguồn lá dâu, bảo đảm cung cấp đủ thức ăn cho 2 lứa tằm/tháng, mỗi tháng bình quân Ha Eo thu được khoảng 100 kg kén.
 
Với thành công của mình và mong muốn buôn làng ngày càng phát triển, suốt nhiều năm qua, Ndu Ha Eo đã vận động, hướng dẫn gần 10 hộ dân trong thôn thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm để xóa đói, giảm nghèo. Việc trồng dâu, nuôi tằm ở Liêng Krắc 1 ngày càng có nhiều tiến triển tích cực là cơ sở để Ndu Ha Eo ấp ủ và quyết tâm thực hiện dự định thuê đất để trồng dâu, nuôi thêm tằm và sẽ mở vựa thu mua, để kén của người dân làm ra không bị thương lái ép giá.
 
Từ câu chuyện của những người tiên phong như Ndu Ha Eo mà Liêng Krắc 1 ngày càng có nhiều người thành công với hướng đi trồng dâu, nuôi tằm và Liêng Hót Ha Brúi là một ví dụ. Nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế gấp 6 - 7 lần so với canh tác cây lúa và các loại hoa màu khác, anh Liêng Hót Ha Brúi đã mạnh dạn bỏ cây lúa, bắp chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Và diện tích 2.000 m2 dâu cùng với trên 200 m 2 nhà tằm thuộc sở hữu hiện nay, cộng thêm kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm đã thuần thục nên gia đình anh thu về gần 100 kg kén mỗi tháng. Đó cũng là động lực quan trọng để anh tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất. Và cũng như Ndu Ha Eo, anh Liêng Hót Ha Brúi cũng không ngại ngần chia sẻ, giúp đỡ để ngày càng có nhiều hơn nữa bà con ở Liêng Krắc 1 có thêm thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống gia đình nhờ con tằm, cây dâu.
 
Đại diện lãnh đạo xã Đạ M’rông cho biết, để hỗ trợ bà con Thôn Liêng Krắc 1 sản xuất hiệu quả, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân tập trung phát triển kinh tế. Trong đó chú trọng các nội dung như: áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng với các mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng hoa màu, chuyển đổi sử dụng giống lúa lai cho năng suất cao, giống cà phê cao sản và triển khai các mô hình chăn nuôi bò sinh sản và chuyển đổi diện tích đất cằn cỗi dọc sông, suối để trồng dâu, nuôi tằm... Và thực tiễn những mô hình này đã phát huy hiệu quả thiết thực góp phần quan trọng giúp bà con dần thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. 
 
Từ một thôn nghèo của xã Đạ M’rông, đến nay, số hộ nghèo ở Thôn Liêng Krắc 1 đã giảm xuống còn 44 hộ và số hộ cận nghèo còn 40 hộ. Đây là niềm vui lớn của cả xã Đạ M’rông, đồng thời là động lực quan trọng để bà con người dân tộc M’nông ở Thôn Liêng Krắc 1 tiếp tục giúp đỡ, động viên và cùng nhau thi đua lao động, sản xuất.
 
HOÀNG MY