Mối nguy từ những bờ kè, ta luy trong khu dân cư

05:09, 19/09/2022
Những ngôi nhà xây dựng dưới những bờ taluy cao 5, 10 m ở khu vực dân cư khắp nơi trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã hình thành mấy chục năm qua khiến người dân nơm nớp lo lắng bởi luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm khi những bờ ta luy đã được xây từ lâu, nhưng người dân ở phía trên ta luy vẫn liên tục xây dựng nhà ở cao tầng mà không có biện pháp gia cố lại. 
 
Do địa hình đồi dốc nên Đà Lạt thường xảy ra tình trạng sạt lở ta luy
Do địa hình đồi dốc nên Đà Lạt thường xảy ra tình trạng sạt lở ta luy
 
Những vụ sạt lở ta luy ở khu vực dân cư trong thành phố Đà Lạt những năm qua không còn là hiện tượng lạ hay khó lý giải nguyên nhân đối với đa số người dân. Thế nhưng, việc ý thức để phòng tránh những vụ việc tương tự bằng các giải pháp gia cố ta luy khi xây nhà mới thì không được nhiều người dân thực hiện. Trong khi đó, việc giám sát các công trình xây dựng của chính quyền đối với vấn đề an toàn, đặc biệt là những bờ ta luy đã hình thành vài chục năm nay ngăn cách giữa các khu nhà trên cao và dưới thấp không mấy được quan tâm. 
 
Ông Nguyễn Văn Dương, người dân Phường 3, Đà Lạt cho biết: “Phía sau nhà tôi, bờ ta luy được xây dựng từ trước giải phóng. Ngày xưa thì phía trên chỉ là những căn nhà bằng gỗ nhỏ nhưng bây giờ bà con xây dựng nhà cao tầng gần hết. Có lần nhìn thấy họ đào đất làm móng và xây lấn tường nhà chồng lên cả phần ta luy chung chắn sạt lở đất phía sau nhà mình, tôi thấy rất nguy hiểm và lo lắng nhưng cũng chỉ dám nhắc nhẹ hàng xóm một hai câu, mong họ ý thức mà lưu tâm nhưng mà vì lợi ích nhỏ trước mắt và tâm lý mong cho nhà của mình xây tiết kiệm chi phí và nhanh nhất có thể nên họ cũng lơ luôn. Mình cũng không thể làm căng được vì trước đó đã có một số nhà xây chồng lên rồi nên họ cũng cứ nghĩ đơn giản sẽ không sao. Người trước làm được thì người sau cũng phải làm bằng được. Nhưng thời gian vài năm nữa, chắc chắn nhà cửa cứ xây ngày càng cao tầng thì ta luy sẽ yếu dần nên rất nguy hiểm. Chỉ mong sao các cơ quan chức năng có các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn khi làm thủ tục cấp phép xây dựng, phải tìm hiểu kỹ hiện trạng địa hình và kết cấu ta luy nếu có ở từng khu vực dân cư để cải thiện tình hình này”. 
 
Đi một vòng thành phố Đà Lạt, chúng ta rất dễ để nhận thấy có nhiều khu vực đất đồi có độ dốc khá cao trước đây vốn thưa thớt vài căn nhà gỗ, nhà cấp 4 khoảng hơn chục năm trước thì nay đã được người dân san gạt để lấy mặt bằng làm nhà ở. Điều đáng nói là nhiều hộ dân bất chấp cả những yếu tố rủi ro nhìn thấy khá rõ có khả năng về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến khu vực nhà dân đang sống phía dưới khu đất xây dựng của họ đang san gạt nên vẫn nhồi cọc, xây ta luy nhưng các giải pháp xây dựng đó không đảm bảo đủ an toàn bền vững mà chỉ mang tính tạm bợ. Đã có rất nhiều bài học ở những công trình xây dựng bị sạt lở bờ kè hay những khu vực ta luy bị sạt lở đổ sập xuống các căn nhà ở phía dưới do bờ ta luy bị suy yếu theo thời gian như khu vực Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Trỗi, Khe Sanh, Hồ Tùng Mậu… nhưng biện pháp quản lý lâu dài, bền vững thì vẫn còn nhiều điều gây lo lắng. 
 
Ở một số khu vực dân cư người dân khi xây nhà còn tác động làm thay đổi hiện trạng đất, san gạt, đào tầng hầm hay hạ nền nhà theo ý thích một cách rất chủ quan, thiếu nghiên cứu, phân tích khoa học về địa chất xung quanh. Quá trình làm cũng không có các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình xung quanh theo quy định nên tiềm ẩn rất lớn nguy cơ sạt lở, không đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của người dân. Mới đây, ở khu vực Khe Sanh, Đà Lạt, đã có những trường hợp dù có xây dựng ta luy nhưng do địa hình đồi dốc quá cao, các giải pháp xây dựng công trình kiên cố có tải trọng lớn không kèm theo giải pháp xây ta luy chống trượt đất hợp lý nên nhà đang xây dựng chưa hoàn chỉnh thì gặp mưa đất đã sụt lở gây hư hỏng cả công trình. Tại khu vực đường Đặng Thái Thân, Phường 3, Đà Lạt cũng đã từng xảy ra trường hợp khiến người dân “hú hồn” khi hàng xóm hạ nền đất để xây nhà gây sạt lở đất nhà bên cạnh. Và còn rất nhiều những công trình nhà ở, khách sạn xây dựng nhưng các giải pháp thi công ta luy không hợp lý, không đảm bảo an toàn đã dẫn đến bị sạt lở đất, ta luy xuống nhà người khác.
 
Hầu hết các vùng dân cư của Đà Lạt đã có từ rất lâu, mật độ xây dựng trước đây thưa thớt và hầu hết chỉ là những ngôi nhà nhỏ, nên việc đào móng và xây ta tuy thời ấy không thật sự kiên cố. Hiện nay, nhiều gia đình có nhu cầu xây nhà ở lớn hơn, thậm chí xây khách sạn, nhà hàng nên việc gia cố những hệ thống ta luy đã cũ, có từ vài chục năm trước là rất cần thiết. Đây cũng biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng mới và những nhà dân xung quanh. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình có tầng hầm, tường chắn đất và ta luy trên địa bàn từ khả năng chịu lực của tường, biện pháp thi công lấy đất, kiểm tra độ dốc thoát nước trong phạm vi xây dựng để đảm bảo ổn định kết cấu về hạ tầng, tránh những tai nạn do sạt lở đáng tiếc xảy ra, đặc biệt là vào mùa mưa. 
 
Khi cấp phép xây dựng nhà, cần có các giải pháp an toàn cho bờ ta luy của giữa khu nhà trên cao và dưới thấp trong khu vực. Việc cấp phép xây dựng với các giải pháp về ta luy, gia cố ta luy cũng cần minh bạch và phải có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.
 
NGUYỄN NGHĨA