Tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai

06:09, 13/09/2022
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai, cơ quan chức năng các địa phương đã triển khai công tác phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ; đồng thời, thành lập tổ phản ứng nhanh xử lý tại chỗ, thống nhất các xã giáp ranh cùng nhau phối hợp xử lý khi phát hiện khai thác, vận chuyển, bơm cát trái phép trên địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên.
 
Công ty TNHH Phượng Hùng đang khẩn trương di dời bãi tập kết cát về đúng nơi quy định
Công ty TNHH Phượng Hùng đang khẩn trương di dời bãi tập kết cát về đúng nơi quy định
 
Những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Đồng Nai vẫn còn diễn ra khá phức tạp. Mặc dù, các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, rà soát, xử lý các đối tượng khai thác tài nguyên trái phép, nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn thường xuyên xảy ra. 
 
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cát Tiên, hiện, trên địa bàn huyện đang có 2 doanh nghiệp được phép khai thác cát trên sông Đồng Nai với 4 tàu đăng ký hoạt động là DNTN Xuân Hà và Công ty Cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai. Ghi nhận tại DNTN Xuân Hà, hiện, đơn vị này được cấp phép khai thác cát thuộc phạm vi xã Quảng Ngãi, thị trấn Cát Tiên, chiều dài đoạn sông khai thác 5.500 m, thời hạn cấp phép đến ngày 27/4/2023 (có gia hạn thêm), công suất khai thác 15.000 m 3/năm. Tổng diện tích đất sử dụng làm kho bãi là 7.691 m 2; trong đó, có 232 m 2 đất ở nông thôn, 4.000 m 2 đất sản xuất kinh doanh và 3.459 m 2 đất trồng cây hàng năm khác. DNTN Xuân Hà hiện cũng đang đăng ký 2 phương tiện tàu khai thác hút cát.
 
Ông Tống Văn Định - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cát Tiên cho biết, qua kiểm tra tại bãi tập kết cát, DNTN Xuân Hà có lắp đặt 1 trạm cân trọng tải 80 tấn đang hoạt động; 4 mắt camera giám sát tại bãi tập kết đang hoạt động; lắp đặt biển báo đăng ký của doanh nghiệp và 1 nhà làm việc tại bãi tập kết. Hồ sơ, sổ sách của doanh nghiệp cũng thể hiện về cơ bản, DNTN Xuân Hà đã chấp hành các quy định trong lĩnh vực khai thác cát trên sông Đồng Nai.
 
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện Cát Tiên vẫn còn hàng chục phương tiện tàu hút cát không có giấy phép neo đậu, sẵn sàng thực hiện các hành vi hút cát trái phép. Điều này đặt ra nhiều khó khăn thách thức trong công tác quản lý tại địa phương. Theo ông Tống Văn Định, để tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai, UBND huyện Cát Tiên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cũng như kế hoạch thực hiện nhằm chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng trốn thuế, thất thu thuế trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn huyện. Đồng thời, huyện Cát Tiên cũng đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh về tình hình hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an huyện trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Cát Tiên.
 
Trong khi đó, tại huyện Đạ Tẻh hiện cũng đang có 2 doanh nghiệp với 4 tàu hút cát được phép hoạt động trên sông Đồng Nai. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã chấp hành thực hiện tốt các quy định trong quá trình hoạt động. Ông Vũ Văn Lân - Giám đốc Công ty TNHH Phượng Hùng cho biết, hiện, Công ty đang được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác cát trên sông Đồng Nai với công suất khai thác là 10.000 m 3/năm. Đối với hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai hiện nay, Công ty đã tuân thủ tuyệt đối theo các quy định được cấp phép như: độ sâu khai thác trung bình 3 m; thời gian khai thác trong ngày từ 7h - 11h và từ 13h - 17h trong ngày, không khai thác vào ban đêm. Riêng tại 2 bãi khai thác chính, Công ty đều đã xây dựng nhà điều hành, lắp đặt hệ thống trạm cân cũng như hệ thống camera được kết nối với dữ liệu máy tính sẵn sàng cung cấp cho Chi cục Thuế khu vực để giám sát, quản lý khối lượng cát, sỏi mua bán tại bến, bãi; cung cấp cho UBND huyện và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải để quản lý tải trọng xe và các nội dung liên quan khác theo quy định. Ngoài ra, đối với các lỗi vi phạm trước đó, Công ty cũng đã khẩn trương khắc phục.
 
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên sông Đồng Nai, nhất là địa phận huyện Đạ Tẻh ngày càng có chuyển biến rõ rệt. Đối với các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác, UBND huyện Đạ Tẻh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra và yêu cầu thực hiện nghiêm túc theo giấy phép, ký cam kết trong hoạt động khai thác như thời gian, số lượng tàu khai thác, lắp đặt trạm cân trong bãi tập kết… Qua đó, đề xuất Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng như tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
 
Để tăng cường quản lý khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai, UBND huyện Đạ Tẻh sẽ tiếp tục duy trì đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát; kịp thời giải tỏa, ngăn chặn các bãi có hiện tượng tập kết, vận chuyển cát trái phép. Đồng thời, căn cứ kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành để tổ chức họp bàn, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của của các cá nhân, đơn vị cũng như các cơ quan có liên quan trong công tác quản lý khoáng sản. Mặc khác, tiếp tục đôn đốc hai đơn vị khai thác cát tại huyện Đạ Tẻh khẩn trương khắc phục các sai phạm, hoàn thành các thủ tục theo quy định để hoạt động khai thác cát đi vào hoạt động đúng theo quy định, nhằm đảm bảo nguồn cung trên thị trường, khắc phục tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn. 
 
HOÀNG SA