Tình trạng ''hạ độc'' cây rừng diễn biến phức tạp

04:09, 21/09/2022
Tình trạng “ken” cây, khoan lỗ vào thân, sau đó đổ hóa chất khiến cây rừng chết đứng nhằm chiếm dụng đất để sản xuất nông nghiệp, sang nhượng trái phép gia tăng, diễn biến phức tạp tại Đức Trọng. Điều này gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng xấu trong dư luận. 
 
Lực lượng chức năng đo đếm diện tích rừng bị ken cây, đổ hóa chất để xác định mức độ vi phạm của đối tượng
Lực lượng chức năng đo đếm diện tích rừng bị ken cây, đổ hóa chất để xác định mức độ vi phạm của đối tượng
 
  NHIỀU VỤ NỔI CỘM
 
Tiểu khu 267C có địa hình phức tạp, nằm sát với thành phố Đà Lạt nên tình trạng mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép diễn ra phức tạp.
 
Nhìn từ Quốc lộ 20 lên khu vực này, trông có vẻ rừng vẫn còn xanh, nhưng nếu đi sâu vào trong lõi của rừng thì chỉ còn thấy đất trống và cà phê của người dân mọc lên. Tại đây, số cây rừng nằm rải rác, lá ngả màu vàng úa, cháy khô, loang lổ. Kiểm tra các gốc thông chết, chúng tôi phát hiện hầu hết bị “bức tử” bằng cách khoan lỗ, đổ hóa chất, “ken” gốc. Người dân sinh sống tại đây cho biết, do địa thế cánh rừng rất đẹp, nằm ngay bên trên cao tốc Liên Khương - Prenn, giáp khu vực đất rừng Phường 3, TP Đà Lạt nên việc người dân lấn chiếm rồi sang nhượng trái phép diễn ra nhiều.
 
Ngày 3/8, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Hiệp An phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã, Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Đại Ninh tuần tra, kiểm tra rừng tại khu vực khoảnh 1, Tiểu khu 267C thì phát hiện 1 vị trí phá rừng trái pháp luật.Qua đo đếm, lực lượng chức năng ghi nhận 21 cây thông 3 lá bị vạt gốc, nằm rải rác trên diện tích 2.750 m 2. Ông Hoàng Đình Hà, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Hiệp An cho biết, qua điều tra, đấu tranh, 2 đối tượng vi phạm đã thừa nhận hành vi của mình. Hành vi của các đối tượng đủ cấu thành xử lý hình sự nên Hạt Kiểm lâm đang phối hợp với Công an huyện Đức Trọng và các đơn vị liên quan củng cố hồ sơ để làm cơ sở xử lý theo quy định.
 
Trước đó, tại khoảnh 7, Tiểu khu 365 xã Ninh Loan, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ phá rừng bằng hình thức chặt hạ và “ken” xung quanh 25 gốc cây thông, diện tích thiệt hại trên 1.100 m 2 rừng tự nhiên. Cạnh đó, Tiểu khu 366 cũng bị tác động 141 cây thông bằng hình thức “ken” và chặt hạ với tổng diện tích là trên 6.700 m 2. Hiện, công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. 
 
Đó chỉ là một trong số các vụ có tính chất nổi cộm được chuyển qua công an điều tra khởi tố, bởi nhiều đối tượng phá rừng rất tinh vi, các đối tượng thường thực hiện theo kiểu "vết dầu loang". 
 
  KIÊN QUYẾT XỬ LÝ
 
Theo Hạt Kiểm lâm Đức Trọng, tình trạng phá rừng bằng hình thức “ken”, khoan gốc cây để bơm chất hóa học gây chết cây, rất khó phát hiện; các đối tượng chủ yếu lén lút thực hiện vào ban đêm, các ngày nghỉ, ngày lễ. Với thủ đoạn tinh vi này, sau thời gian 15 ngày, cây rừng héo lá, chết dần. 
 
Ông Vương Anh Dũng - Phó Trưởng Ban QLRPH Đại Ninh cho biết, trong thời gian qua, tình hình phá rừng, “ken” cây, lấn chiếm đất rừng để làm rẫy diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là các khu vực xã Hiệp An, Ninh Loan, Liên Hiệp, đường vào Sacom... và các khu vực có dự án đang triển khai như: hồ Ma Am, hồ Sóp, hồ Ta Hoét... Đơn vị đã bố trí cán bộ để quản lý, tuy nhiên hiện nay, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, địa bàn quản lý quá rộng, nằm rải rác, xen kẽ với rẫy của người dân, nên có những vụ việc chưa kịp thời bắt được đối tượng vi phạm.
 
Ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng thông tin, từ đầu năm nay, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chức năng đã phát hiện, lập biên bản 17 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 27 vụ, tương đương 61,4% so cùng kỳ 2022. Tuy số vụ vi phạm giảm so cùng kỳ, nhưng mức độ thiệt hại tăng mạnh; tỷ lệ số vụ vi phạm chưa phát hiện được đối tượng còn cao. 
 
Ông Hoàng nhìn nhận, hiện nay, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chưa có giải pháp bố trí lực lượng đủ mạnh để mật phục bắt quả tang đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, không kịp thời kiểm tra phát hiện, ngăn chặn từ đầu các vụ vi phạm phá rừng để lập biên bản chuyển cho cơ quan chức năng điều tra, tham mưu, xử lý dẫn đến việc điều tra, xử lý sau đó kém hiệu quả. 
 
Quan điểm của huyện là kiên quyết xử lý vi phạm, tuyệt đối không để vụ việc vi phạm phức tạp xảy ra trên địa bàn. Đối với các vụ việc đã phát hiện đối tượng đủ yếu tố cấu thành tội thì đưa ra xét xử lưu động và áp dụng mức hình phạt nghiêm minh để tăng tính răn đe, giáo dục cộng đồng. Đồng thời, không bao che cho bất cứ trường hợp nào liên quan đến phá rừng, đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng nhưng không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý…
 
HOÀNG YÊN