Đa dạng hình thức tuyên truyền an toàn giao thông

05:10, 18/10/2022
Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh cùng với Công an 12 huyện, thành phố đã thực hiện nhiều chuyên đề, cao điểm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Trong đó, trọng tâm là công tác tuyên truyền, góp phần ổn định tình hình trật tự ATGT trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Công tác tuyên truyền an toàn giao thông ngày càng được chú trọng, đổi mới
Công tác tuyên truyền an toàn giao thông ngày càng được chú trọng, đổi mới
 
Qua gần 3 tháng triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm ATGT dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kéo giảm cả 3 tiêu chí, không xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến quốc lộ, hiệu quả công tác tuyên truyền được nâng cao, nhiều hành vi vi phạm trật tự ATGT là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông được xử lý triệt để... 
 
Qua thống kê, chỉ trong 3 tháng, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã triển khai hơn 4.755 ca tuần tra, kiểm soát với hơn 15.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, lập biên bản và xử phạt 10.728 trường hợp vi phạm, ra quyết định phạt tiền 16,8 tỷ đồng, tước 907 giấy phép lái xe. Trong đó, có 860 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 559 trường hợp quá tải, quá khổ, tự ý cải tạo phương tiện; 3.190 trường hợp vi phạm tốc độ. Tính trong tháng 9, toàn tỉnh phát hiện, xử phạt 5.086 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường thủy nội địa, với số tiền trên 7 tỷ đồng, tước 460 giấy phép, tạm giữ 598 xe mô tô, 127 xe ô tô, 59 phương tiện khác.
 
Để kịp thời đưa thông tin đến với người dân, lực lượng CSGT các cấp đã chủ động phối hợp với báo, đài của tỉnh, Trung ương nhằm đưa nội dung tuyên truyền một cách nhanh nhất đến với người dân biết để vận dụng phù hợp khi tham gia giao thông. Trong năm 2022, Phòng CGST đã phối hợp với các cơ quan tiến hành xây dựng 20 phóng sự, 24 tin bài về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền, vận động 243 nhà hàng, quán bar, vũ trường; tuyên truyền, vận động 353 doanh nghiệp, 2.539 cá nhân có phương tiện kinh doanh vận tải, 48 chủ bến bãi, mỏ vật liệu xây dựng,… ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường thủy. 
 
Phối hợp cấp phát 6.000 cẩm nang lái xe an toàn cho người đi xe khách, xe mô tô, xe máy. Tổ chức hàng chục cuộc thi, tọa đàm về ATGT. Nhắn tin gửi thông điệp tuyên truyền về ATGT qua hệ thống zalo, facebook cho trên 4.000 chủ xe, lái xe, hội viên, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh… 
 
Cùng với ngành Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh từ đầu năm tới nay cũng tổ chức hơn 1.880 cuộc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATGT, có trên 36.560 lượt cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân tham dự; cấp phát 1.900 bản tin tuyên truyền về ATGT; tiếp tục nhân rộng các mô hình phát huy hiệu quả như: “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT”, “Quần chúng Nhân dân tự quản về trật tự, ATGT”, “Thanh niên với văn hóa giao thông”.
 
Ban ATGT tỉnh tổ chức in và cấp phát hơn 700 băng rôn tuyên truyền về trật tự, ATGT; phát 18.520 quyển cẩm nang lái xe mô tô an toàn cho các đơn vị, địa phương để phục vụ tuyên truyền; sửa chữa và thay mới nội dung tuyên truyền về ATGT theo chủ đề Năm ATGT 2022. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trung học phổ thông tổ chức cho phụ huynh ký cam kết phối hợp với nhà trường giáo dục kiến thức cho con, em khi tham gia giao thông, không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội nón bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện.
 
Để đạt được kết quả như trên, Công an tỉnh nhận định công tác tuyên truyền được xác định là trọng tâm để các đơn vị trong ngành phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai. Trong đó, tính đa dạng trong truyên truyền ngày càng được phát huy. Tùy vào từng đối tượng mà các lực lượng, đơn vị tổ chức áp dụng hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp để họ dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ thực hiện.
 
Lực lượng CSGT các cấp đã áp dụng nhiều hình thức song song với tuyên truyền trực quan như tổ chức tọa đàm, đối thoại, diễn đàn, thi tìm hiểu pháp luật về ATGT… Chính nhờ công tác tuyên truyền ngày một sâu rộng, đa dạng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CSGT trong công tác tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm đã góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
 
C.PHONG